Khi Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực

Hôm nay (ngày 14/2), Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 29) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Ghi nhận của phóng viên tại nhiều trường học, địa phương trong tỉnh cho thấy, ngành giáo dục, các nhà trường, mỗi cán bộ, giáo viên đã, đang nghiêm túc thực thi các nội dung được quy định tại Thông tư.

Cô, trò Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) trong giờ học.

Cô, trò Trường Tiểu học Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) trong giờ học.

Theo Thông tư 29, các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm gồm: Học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống); giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh mà giáo viên đó đang dạy ở trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho 3 đối tượng, là những đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường...

Với nhiều điểm mới so với quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, vì vậy, ngay khi Thông tư 29 có hiệu lực, các trường học đã triển khai nghiêm túc và thông báo dừng dạy thêm, học thêm theo yêu cầu đặt ra từ Thông tư. Thầy giáo Mai Xuân Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Hải Nhân (thị xã Nghi Sơn) cho biết: Nhà trường đã tổ chức hội nghị quán triệt đầy đủ nội dung Thông tư 29 và các văn bản liên quan đến toàn thể cán bộ, giáo viên. Ngày hôm nay, (14/2) Thông tư chính thức có hiệu lực, cũng từ hôm nay, học sinh khối 6, 7, 8 của nhà trường sẽ tạm dừng học thêm tại trường. Đối với học sinh khối 9, từ tuần tới nhà trường sẽ triển khai dạy ôn tập cho em trên tinh thần phụ huynh học sinh có đơn đăng ký học với thời lượng 2 tiết/môn/tuần”.

Học sinh Trường THCS Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) trong ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.

Học sinh Trường THCS Hoằng Ngọc (Hoằng Hóa) trong ngày khai giảng năm học mới 2024-2025.

Cô Lê Thị Hải, giáo viên Trường THCS Tố Như (Hoằng Hóa) cho biết: “Trường chúng tôi đã thông báo cho học sinh nghỉ học thêm buổi chiều từ hôm nay. Riêng việc dạy đội tuyển học sinh giỏi, nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện, nhưng không thu tiền của học sinh. Hoạt động này được thực hiện theo công văn hướng dẫn của ngành giáo dục và trên cơ sở đơn xin học thêm của phụ huynh học sinh”.

Theo chia sẻ của thầy giáo Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), hiện nhà trường đã cho dừng dạy thêm đối với khối lớp 10 và lớp 11. Riêng học sinh khối 12 tiếp tục tổ chức ôn tập trên cơ sở đăng ký tự nguyện của phụ huynh học sinh và không thu tiền. Nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch trích kinh phí từ hoạt động tiết kiệm chi thường xuyên để động viên và chi trả kinh phí cho giáo viên ôn tập cho học sinh khối 12. Về việc dạy thêm ngoài nhà trường, đến thời điểm này chưa có giáo viên nào báo cáo đăng ký dạy thêm ngoài nhà trường với Ban Giám hiệu.

Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều phụ huynh cũng nhận được thông báo của thầy, cô dạy thêm ngoài nhà trường về việc “tạm dừng” học thêm. Chị Nguyễn Thị Thanh, phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) cho hay: “Lâu nay, ngoài học chính khóa và học thêm ở trường, cháu nhà tôi còn học thêm ở nhà thầy 2 buổi/tuần với môn Toán. Tuy nhiên, từ ngày 12/2/2025, thầy giáo dạy thêm đã thông báo ngừng dạy ở nhà cùng lời nhắn sẽ tổ chức dạy lại khi xin được giấy phép dạy thêm theo quy định”.

khi Thông tư 29 được thông qua, rất nhiều phụ huynh học sinh ủng hộ chủ trương không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học. Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) cho hay: “Học sinh tiểu học đã học cả ngày ở trường rồi, không cần thiết phải học thêm ở ngoài nhà trường nữa. Buổi tối các con cần có thời gian làm bài tập và nghỉ ngơi. Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này”.

Cùng quan điểm, anh Anh Nguyễn Tiến Trường, phường Quảng Thành, (TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học là rất phù hợp. Trẻ nhỏ cần được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí; cần được rèn luyện phương pháp tự học, tự đọc ngay từ khi còn nhỏ để hình thành thói quen. Nếu cứ học thêm tối, ngày thì rất áp lực cho các cháu”.

Thầy, trò Trường Tiểu học Hà Long 2 (Hà Trung) trong giờ Tin học.

Thầy, trò Trường Tiểu học Hà Long 2 (Hà Trung) trong giờ Tin học.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh có con học cấp 2, cấp 3 lại tỏ ra lo lắng trước Thông tư 29 và có chung nhận định: Nếu con không học thêm ở trường, hay học ở nhà thầy, cô, buổi chiều bố mẹ đều đi làm các con ở nhà chủ yếu xem ti vi, điện thoại “giết thời gian”. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các cháu. Từ suy nghĩ này, nhiều phụ huynh, thậm chí cả giáo viên cho rằng: Có thể hạn chế việc học ở nhà thầy, cô, nhưng nên tổ chức dạy thêm ở trường. Việc dạy thêm ở trường sẽ tận dụng được cơ sở vật chất sẵn có. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt chi phí, thời gian đưa đón cho phụ huynh so với việc đi học thêm ở nhà thầy hay ở các trung tâm bên ngoài trường.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết: Để có thêm cơ sở và kịp thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai thực hiện Thông tư số 29 và Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT, ngày 30/12/2024 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng giáo dục các địa phương, các đơn vị trường học trong tỉnh triển khai đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của địa phương, đơn vị nghiên cứu kỹ Thông tư số 29 và các văn bản khác có liên quan. Đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư gửi về Sở GD&ĐT trước 16 giờ, ngày 14/2/2025 để nghiên cứu, tổng hợp, hướng dẫn hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai theo quy định.

Sở GD&ĐT đã yêu cầu phòng giáo dục các địa phương, các đơn vị trường học trong tỉnh triển khai đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của địa phương, đơn vị nghiên cứu kỹ Thông tư số 29 và các văn bản khác có liên quan. Đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư gửi về Sở GD&ĐT trước 16 giờ, ngày 14/2/2025 để nghiên cứu, tổng hợp, hướng dẫn hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai theo quy định.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức

Hoạt động dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường. Hoạt động này đã, đang thu hút một lượng lớn học sinh, giáo viên tham gia, vì vậy việc ban ban hành Thông tư 29 là cần thiết nhằm siết chặt công tác quản lý cũng như giảm áp lực cho học sinh. Quan điểm được Bộ GD&ĐT đưa ra là các trường học không có học thêm, dạy thêm. Thay vào đó, sau giờ học các môn học theo chương trình, học sinh có thời gian, không gian để tham gia các hoạt động vui chơi, thể thao, mỹ thuật, âm nhạc..., để mỗi ngày đến trường với học sinh là một ngày vui.

Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khi-thong-tu-ve-day-them-hoc-them-co-hieu-luc-239663.htm
Zalo