Hết lòng với trẻ yếu thế
Thay vì theo đuổi ngành 'hot' có cơ hội thăng tiến và thu nhập hấp dẫn, nhiều bạn trẻ lại đem hết khả năng và tâm huyết đến với học trò yếu thế
Trước khi chính thức trở thành giáo viên, Lưu Hoàng Hà (ngụ TP Hà Nội) đã miệt mài làm tình nguyện viên ở các trường dạy can thiệp sớm cho trẻ đặc biệt khi đang là sinh viên ngành tâm lý học giáo dục.
Khó khăn không nản lòng
Hoàng Hà có 5 năm dạy nghề làm bánh cho thanh thiếu niên khuyết tật trí tuệ và tự kỷ tại lớp Hoa Hướng Dương - Trung tâm Nghiên cứu Bồi dưỡng kỹ năng sống, hướng nghiệp S.E.E.D CENTER. Từng lo ngại tính cách nóng nảy của mình không phù hợp nghề nhưng qua thời gian, chính công việc giúp cô hoàn thiện bản thân.
Ưu tiên rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, Hà theo dõi sát sao từ hoạt động cá nhân đến làm việc nhóm để phân công nhiệm vụ, tránh sự thiên vị. Dạy trẻ thuần thục việc nhỏ cũng cần nhiều bước, có bạn làm được bước này nhưng không thể làm bước kia. 30% trẻ ở trung tâm không có ngôn ngữ nói. Đôi khi, học viên có hành vi khó hiểu, do vậy phải tìm hiểu thật kỹ lý do, kiên nhẫn quan sát và điều chỉnh cách tiếp cận. Chuyện "hôm nay dạy, ngày mai mọi thứ lại như mới" rất quen thuộc. Áp lực xã hội và nỗi lo cơm áo khiến một số gia đình không thể dành đủ sự chăm lo cho con. Có phụ huynh thì xót con mà làm thay tất cả nên trẻ khó cải thiện tình trạng. Song, Hà chưa từng nản chí hay muốn chuyển qua công việc nhẹ nhàng hơn.

Cô giáo trẻ Hoàng Hà không chỉ là người hướng dẫn, dìu dắt tận tình mà còn là người bạn luôn đong đầy yêu thương của các học viên
Cô đặt niềm tin và muốn khích lệ để trẻ có thể tự lập khi không ai ở bên cạnh. Cô cảm thông, chấp nhận thay vì áp đặt kỳ vọng. Khoảnh khắc học trò tự giác dọn dẹp, thăm hỏi sức khỏe cô, hay đơn giản là hoàn thiện được kỹ năng nhỏ cũng khiến Hà xúc động. "Sau khi hoàn thành chương trình học, nhiều bạn tiến bộ rõ, đi xe máy thành thạo và hỗ trợ trung tâm giao đơn hàng do chính họ làm ra. Có bạn được nhận vào làm việc tại quán phở, quán cà phê hay xưởng may" - Hà kể. Cô hy vọng có nhiều kết nối hơn giữa các cơ sở, mô hình trên cả nước để tạo mạng lưới hỗ trợ, giúp trẻ đặc biệt có thêm cơ hội vui chơi, học tập, làm việc.

Dạy trẻ rất vất vả, dạy trẻ có nhu cầu đặc biệt càng khó. Dù vậy, Chi Linh vẫn dốc sức cho các bạn nhỏ mình thương, cho nghề mình yêu
Hạnh phúc với sự tiến bộ của trẻ
Sau 4 năm làm giáo viên mầm non, Phạm Ngọc Chi Linh (27 tuổi, quê Tây Ninh) nhận thấy tình trạng trẻ chậm nói, hạn chế phát triển não bộ… xuất hiện nhiều. Cô nỗ lực tìm hiểu sâu ngành giáo dục đặc biệt và rẽ hướng.
Từ tháng 9-2024, Linh bắt đầu gắn bó với trẻ tự kỷ tại Câu lạc bộ Hướng nghiệp An - Ngôi nhà thứ hai của trẻ VIP (cách gọi yêu thương cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt).

Chi Linh cùng các cô giáo, các trò nhỏ gói bánh chưng dịp Tết vừa qua
Các lớp học thường có 5 - 8 trẻ, đa số trên 10 tuổi và các em được kèm cặp riêng. Việc hình thành thói quen cho trẻ cần ít nhất 2 - 3 tháng, chậm hơn có thể kéo dài từ 1 - 2 năm. Tại đây, trẻ được học văn hóa (toán, nghe và nói), kỹ năng sống (nhận biết các bộ phận trên cơ thể, giáo dục giới tính, chào hỏi…) đến định hướng nghề nghiệp (vẽ, nấu ăn, đan thêu…) và hoạt động phát triển ngôn ngữ, tư duy sáng tạo.
Lường trước những khó khăn, Linh chủ động góp nhặt kiến thức từ sách vở và chuyên gia. Trước khi thấu hiểu trẻ tự kỷ, Linh từng quan ngại và tò mò về thế giới nội tâm sâu thẳm của các em. Cô nhận ra không có đứa trẻ nào kém cỏi, mỗi em có cách thể hiện, nhận thức và trải nghiệm khác biệt. Mặt khác, không phải phụ huynh nào cũng hiểu rõ tầm quan trọng của việc đồng hành với con trong quá trình can thiệp sớm nên vai trò của giáo viên càng có tính quyết định. Mỗi tháng, câu lạc bộ tổ chức workshop kết nối chuyên gia, nhà trường và phụ huynh nhằm trao đổi và nâng đỡ các em tốt hơn. Linh vui mừng khi ngày càng nhiều người quan tâm, tìm kiếm môi trường phù hợp cho con, giúp trẻ tự kỷ vừa học vừa chơi để phát triển toàn diện.
Cô hào hứng khoe, các "đầu bếp đặc biệt" mới "cho ra lò" hơn 50 kg kim chi muối. Đó là thành quả từ cố gắng bền bỉ của các em cũng như các giáo viên chỉ dẫn từng chút trong quy trình chế biến suốt 3 tháng.
Với Linh, hạnh phúc mỗi ngày là được soạn giáo án, tìm tòi phương pháp dạy mới. Từ những em không có ngôn ngữ đến bập bẹ vài từ đơn giản như đứa trẻ lên 2, lên 3 cũng là tín hiệu đáng mừng. "Tôi tin việc làm cho cuộc sống các con thêm giá trị, thêm đẹp đẽ sẽ góp phần thay đổi định kiến, mở ra góc nhìn và hành xử nhân văn hơn từ cộng đồng" - Linh tâm sự.