Cầu nối giao tiếp trong thiên tai

Thấu hiểu thực tập sinh lần đầu sang Nhật nên không có kinh nghiệm phòng chống thiên tai, chị Nguyễn Ngọc Bảo Nghi, đang làm việc tại Quỹ Giao lưu quốc tế tỉnh Tottori (Nhật Bản), đã sáng tạo bảng đàm thoại đa ngôn ngữ - một công cụ giao tiếp, giúp người dùng dễ dàng thông báo nhu cầu khi gặp thiên tai, ngay cả khi không thành thạo tiếng Nhật.

 Chị Nguyễn Ngọc Bảo Nghi. Ảnh: NHK

Chị Nguyễn Ngọc Bảo Nghi. Ảnh: NHK

Tính đến cuối năm 2024, tại Tottori (Nhật Bản) có 1.500 người Việt Nam, đứng đầu số lượng người nước ngoài tại tỉnh. Chiếm phần đông là thực tập sinh lần đầu sang Nhật nên không có kinh nghiệm phòng chống thiên tai.

Tâm lý sẵn sàng chống chọi với thảm họa gần như đã trở thành tố chất của người dân Nhật Bản, giúp họ bình tĩnh trong xử lý tình huống. Nhờ thế, khi có thiên tai lớn như động đất, sóng thần, những thiệt hại thứ phát xảy ra do sự ứng phó chậm trễ hay hỗn loạn phần lớn được giới hạn ở mức thấp nhất có thể. Còn những người nước ngoài không thành thạo tiếng Nhật sẽ gặp không ít khó khăn khi phải đi sơ tán khẩn cấp.

Thấu hiểu được thực tế đó, chị Nguyễn Ngọc Bảo Nghi, đang làm việc tại Quỹ Giao lưu quốc tế tỉnh Tottori, đã sáng tạo bảng đàm thoại đa ngôn ngữ - một công cụ giao tiếp, giúp người dùng dễ dàng thông báo nhu cầu khi gặp thiên tai, ngay cả khi không thành thạo tiếng Nhật.

Chia sẻ về bảng đàm thoại đa ngôn ngữ trên Đài NHK, chị Bảo Nghi cho biết, ý tưởng về bảng đàm thoại này đến từ những câu chuyện có thật trong cuộc sống. Sau trận động đất tại bán đảo Noto vào năm ngoái, dù ở xa khu vực bị động đất, nhưng chị rất quan tâm đến thông tin về người Việt ở khu vực gặp nạn. Do thiên tai xảy ra vào dịp đón năm mới, nên đời sống bà con khu vực này gặp nhiều khó khăn, nhất là những thực tập sinh mới sang. Khi gặp các sự cố liên quan đến thiên tai, tai nạn, những người không rành tiếng Nhật không thể tìm đến đúng địa chỉ những khu sơ tán khẩn cấp, hoặc nhờ người Nhật giúp đỡ. Chị thực hiện bảng đàm thoại này hy vọng phần nào có thể giúp người Việt Nam và người nước ngoài gỡ bỏ được rào cản ngôn ngữ và tìm được sự hỗ trợ kịp thời tại địa phương đang sinh sống. Việc thực hiện cũng dựa trên kinh nghiệm thực tế từ công việc của chị Nghi. Qua những điều được tập huấn trong khu sơ tán tập trung nhiều người nước ngoài không thành thạo tiếng bản địa cũng giúp chị hình dung ra những vấn đề họ thường gặp phải khi nước Nhật xảy ra thiên tai.

 Người nước ngoài ở tỉnh Tottori tham gia buổi học ứng phó thiên tai. Ảnh: NHK

Người nước ngoài ở tỉnh Tottori tham gia buổi học ứng phó thiên tai. Ảnh: NHK

Bảng đàm thoại, được xem là cầu nối trong thiên tai, là tập sách in màu gồm 7 trang. Trang đầu có dòng chữ in đậm “Hãy dẫn theo tôi đến khu sơ tán”. Bên dưới góc trái là bản đồ của tỉnh Tottori, có phân chia thành các thị trấn trong tỉnh theo các mảng màu khác nhau. Phía góc phải là những câu đàm thoại về mức độ cảnh báo, chia thành các cấp độ trắng, vàng, đỏ, tím và đen, tương ứng với các mức độ cảnh báo từ thấp đến cao. Trang số 2 là phần hướng dẫn tìm sự hỗ trợ và giới thiệu các công cụ dịch thuật trong trường hợp xảy ra thảm họa hoặc tai nạn. Các trang kế tiếp có các đoạn hội thoại như: “Tôi đang ở đâu”, “Khi nào tôi có thể nhận được thức ăn”, hoặc những câu nói có thể truyền đạt về tình trạng sức khỏe như: “Tôi bị sốt”, “Tôi bị dị ứng”. Trang cuối cùng có những điều cần lưu ý khi sống tập trung tại khu sơ tán mà nhiều người nước ngoài chưa biết như liên hệ đăng ký với nhân viên nơi sơ tán, cũng như các quy định tại nơi sơ tán. Bảng đàm thoại được dịch sang tiếng Việt và tiếng Anh, được cập nhật trên mạng giúp người nước ngoài có thể sử dụng online hoặc tải về dễ dàng.

Đến Nhật đã 10 năm, công việc của chị Bảo Nghi ở Quỹ Giao lưu quốc tế tỉnh Tottori là phụ trách lĩnh vực cộng sinh đa văn hóa, bao gồm tư vấn, hỗ trợ thông tin về đời sống của người nước ngoài trong tỉnh, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng chống thiên tai cho người nước ngoài tại Tottori.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cau-noi-giao-tiep-trong-thien-tai-post782070.html
Zalo