Giáo viên rèn chữ đẹp, dạy kỹ năng tiền tiểu học có vi phạm Thông tư 29?

Quy định cấm dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể thao... tại Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT khiến không ít giáo viên có lớp rèn chữ đẹp, dạy kỹ năng tiền tiểu học lo lắng. Vậy hoạt động này có vi phạm quy định không?

Trong Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT vừa có hiệu lực ngày 14/2 nêu giáo viên, nhà trường không được tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp liên quan đến bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

Trước điều này, một số giáo viên tiểu học đang có lớp dạy thêm bên ngoài hướng dẫn học sinh luyện chữ đẹp và rèn kỹ năng trước khi vào lớp 1 băn khoăn không biết mình có thực hiệc đúng luật.

Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT), cho biết, quy định cấm dạy thêm các môn văn hóa với học sinh tiểu học không phải là một nội dung mới. Thực tế, quy định này đã có từ Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT được ban hành từ năm 2012.

Việc dạy cho trẻ tiền tiểu học không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 19. Ảnh minh họa: Đinh Quang Tuấn

Việc dạy cho trẻ tiền tiểu học không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 19. Ảnh minh họa: Đinh Quang Tuấn

Trong chương trình tiểu học có những nội dung thuộc về rèn luyện văn hóa, văn nghệ, thể thao, kỹ năng… Nếu như những nội dung ấy nằm trong chương trình tổ chức cho học sinh thì không vi phạm Thông tư 29.

"Đặc thù của hoạt động giáo dục ở bậc tiểu học là học sinh không phải lúc nào cũng học từ sách vở, như lớp 1 các em còn chưa đọc được bao nhiêu, vì thế cần chú trọng những nội dung mang tính phát triển thể chất, kỹ năng", ông Thành lý giải thêm về quy định không dạy thêm các môn văn hóa cho học sinh tiểu học.

Theo ông, trường hợp giáo viên tiểu học hướng dẫn học sinh luyện chữ đẹp và rèn kỹ năng trước khi vào lớp 1, không phải dạy chương trình giáo dục phổ thông, thì không phải phạm vi điều chỉnh của Thông tư 29.

Tuy nhiên, trong trường hợp người dạy thuộc biên chế trường công thì cần lưu ý tới Điều 4 của Thông tư này quy định giáo viên ở các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành dạy thêm, chỉ có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Vì vậy, thầy cô đang là giáo viên trong trường công lập, nếu muốn tham gia dạy kỹ năng và rèn chữ cho học sinh thì cần nộp phiếu khai (có trong phụ lục của Thông tư 29) và nộp cho hiệu trưởng. "Còn ai dạy chui, không báo hiệu trưởng sẽ có chế tài xử lý theo quy định", ông Thành nói.

Theo Thông tư 29, tổ chức hoặc cá nhân muốn tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện các yêu cầu:

- Đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;

- Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc giám đốc hoặc người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Hoàng Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giao-vien-mo-lop-ren-chu-dep-day-ky-nang-tien-tieu-hoc-co-vi-pham-thong-tu-29-2371562.html
Zalo