Người con dân tộc Ra Glai ở Trường Sa
Cuối năm 2024, tôi tham gia đoàn công tác của Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân tới thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang công tác và sinh sống tại thị trấn Trường Sa, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, tôi được gặp, được nghe, được biết về thầy giáo Cao Văn Truyền.
Vượt qua nỗi đau, xung phong nơi tuyến đầu
Tờ mờ sáng, sau hai ngày lênh đênh trên biển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cuối năm, tàu 561 cập bến Âu tàu Trường Sa với những thùng hàng đầy ắp, chứa đựng bao tình cảm mến thương gửi ra từ đất liền. Cả đoàn háo hức, nhanh chóng di chuyển xuống tàu để khám phá nơi mà chúng tôi đều ao ước được đến ít nhất một lần trong đời. Tiến nhanh qua cánh cổng thị trấn Trường Sa, tôi gặp một thanh niên dáng người tầm thước với làn da nâu sạm, ăn mặc gọn gàng, tác phong nhanh nhẹn đang đứng hỗ trợ vận chuyển hàng cùng các chiến sĩ trên đảo. Lúc đó vì đoàn di chuyển nhanh, tôi chỉ kịp hỏi và biết tên của anh là Cao Văn Truyền, năm nay 36 tuổi.
Không lâu sau, trong buổi giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên đảo, tôi gặp lại anh Truyền khi anh đang chăm sóc, lau mồ hôi cho các em nhỏ vừa biểu diễn một tiết mục ca nhạc. Điều khiến tôi chú ý là anh Truyền rất được các em nhỏ trên đảo yêu mến, quấn quýt, cảm giác như những người thân trong gia đình. Hỏi ra mới biết, anh Cao Văn Truyền đang là thầy giáo của Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, nhưng phụ trách dạy các em nhỏ trong độ tuổi mầm non, điều này khiến tôi tò mò và muốn tìm hiểu thêm về người thầy đặc biệt này.

Thầy giáo Cao Văn Truyền và các em nhỏ tại Thị trấn Trường Sa.
Thầy giáo Cao Văn Truyền tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa) vào năm 2011. Đến tháng 9-2011, chàng thanh niên Cao Văn Truyền nhận nhiệm vụ về công tác tại Trường Tiểu học Sơn Hiệp, xã Sơn Hiệp, thuộc huyện miền núi Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
Qua gần 12 năm công tác tại địa phương, thầy giáo Cao Văn Truyền đã trải qua nhiều cương vị như khối trưởng các khối lớp 3,4,5; Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Sơn Hiệp. Thầy Truyền đã đạt nhiều thành tích tiêu biểu, được cấp trên ghi nhận khi đạt giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp huyện năm học 2018-2019, 2020-2021; giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2021-2022; Chiến sĩ thi đua cơ sở năm học 2018-2019, 2021-2022; được Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn tặng giấy khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 4 năm liền (2018-2022); được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen về đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập năm 2022.
Khi được hỏi về quyết định đến với Trường Sa trong lúc sự nghiệp đang chớm nở, chàng trai người dân tộc Ra Glai Cao Văn Truyền cho biết: “Năm 2021, tôi tình cờ xem được một bài báo phản ánh về cuộc sống của quân và dân ở Trường Sa. Ban đầu là tình cờ, sau thì tìm hiểu về Trường Sa trở thành việc làm thường xuyên trong cuộc sống của tôi. Từ đó, hình ảnh người dân, các em nhỏ và cán bộ, chiến sĩ nơi đây luôn trong tâm trí tôi, thôi thúc tôi đến với Trường Sa. Với vai trò là một nhà giáo trẻ, tôi luôn mang trong mình khát vọng, mong muốn sử dụng kiến thức của mình để giảng dạy, truyền đạt những điều bổ ích đến các em nhỏ đang sinh sống tại nơi đảo xa”.
Mong ước của thầy Truyền đã không phải chờ đợi lâu, đầu năm 2023, thầy Truyền nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa về việc điều động giáo viên tiểu học có nguyện vọng ra công tác tại các đảo của huyện Trường Sa. Biết đây là cơ hội để thực hiện mong muốn của mình nên thầy Truyền viết đơn tình nguyện xin ra công tác tại Trường Sa.
Giữa năm 2024, khi đang công tác tại đảo Trường Sa, thầy giáo Cao Văn Truyền nhận được tin mẹ già ở quê mắc bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối. Được sự hỗ trợ tối đa của chỉ huy đảo, thầy Truyền viết đơn xin nghỉ phép và được tạo điều kiện về quê nhà chăm sóc mẹ. Thầy Truyền nghẹn ngào: “Vì lý do công tác trên đảo, khoảng cách với đất liền rất xa nên tôi đã xác định rõ tư tưởng trong trường hợp xấu nhất có thể không trở về kịp khi gia đình gặp chuyện. Tuy nhiên, được sự quan tâm, tạo điều kiện của chỉ huy đảo, tôi đã về kịp để có thể ở bên mẹ những ngày cuối cùng, trước khi mẹ mất”.
Tưởng chừng nỗi đau quá lớn sẽ đánh gục chàng trai Cao Văn Truyền, nhưng không, tình yêu biển, đảo, nỗi nhớ các em học sinh, người dân, cán bộ, chiến sĩ tại Trường Sa đã trở thành nguồn động lực mạnh mẽ giúp anh vượt qua nỗi đau. Sau khi lo xong hậu sự cho mẹ, thầy Truyền đã nhanh chóng quay trở lại Trường Sa để tiếp tục công tác.
Tự học để thích nghi với nhiệm vụ mới
Dẫn tôi tham quan một vòng Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa, thầy Truyền chia sẻ, khi mới đặt chân lên đảo, thầy vô cùng ngạc nhiên trước vẻ đẹp nơi đây, một hòn đảo sừng sững giữa bốn bề đại dương mênh mông với những con người thân thiện, các em nhỏ rất ngoan và lễ phép. Theo thầy Truyền, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, chính quyền các cấp tỉnh Khánh Hòa, cơ sở giáo dục trên đảo những năm qua đã được đầu tư khang trang hơn, cây xanh đã phủ bóng mát lên sân trường; học sinh đã có khu vui chơi để giải lao sau giờ học.
Về hoạt động giáo dục, thầy Truyền cho biết, vì số lượng giáo viên trên đảo Trường Sa ít, trong khi số học sinh tiểu học và mầm non lại tương đương nhau nên thầy và các giáo viên khác trong trường phải phân chia nhau phụ trách khối tiểu học và mầm non. Thầy Truyền đảm nhận khối mầm non, có nhiệm vụ dạy dỗ các cháu nhỏ độ tuổi 3-5 tuổi. Đây là nhiệm vụ mới và khá khó khăn vì thầy chưa trải qua một trường lớp đào tạo nào về giáo dục mầm non.
Để làm tốt vai trò của mình, thầy đã chủ động liên hệ về đất liền để nhờ sự tư vấn của các đồng nghiệp đang là giáo viên mầm non; đồng thời tự nghiên cứu các tài liệu về tâm lý lứa tuổi mầm non, thường xuyên thay đổi phương pháp dạy học phù hợp đối với từng em và từng lứa tuổi. Sau một thời gian làm quen với công việc, thầy Truyền nhanh chóng vượt qua khó khăn ban đầu, luôn ân cần, tỉ mỉ trong dạy dỗ học sinh, giống như một người cha, người mẹ thứ 2 của các em.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ của thầy Truyền là chuyện về em nhỏ 5 tuổi có tên Tuệ Tâm. Trong thời gian đầu đến lớp, bé Tuệ Tâm thường tỏ ra nhút nhát, vẻ mặt buồn bã, hay đòi về nhà và không muốn đi học. Điều này khiến thầy Truyền phải dành thời gian để trò chuyện, tìm hiểu hoàn cảnh của em. Sau khi biết nguyên nhân bé Tuệ Tâm buồn bã là do phải xa người anh ruột đang học trong đất liền, thầy Truyền đã động viên, an ủi bé Tuệ Tâm, đồng thời có các trò chơi bổ ích để tạo cảm giác sôi nổi, gắn kết giữa bé Tuệ Tâm và các bạn nhỏ trong lớp.
“Từ câu chuyện của bé Tuệ Tâm, tôi thấy đồng cảm với bé vì bản thân mình cũng phải xa gia đình, cũng nhớ mẹ, nhớ các con. Tôi thấy để làm tốt công việc dạy dỗ các bé, cần phải có tình yêu thương, coi các bé như con của mình; đồng thời, cần chủ động quan sát để nắm được tâm lý trẻ nhỏ, dành cho các bé những lời động viên, khen thưởng, có như vậy các bé mới hào hứng đến trường học”, thầy Truyền nhận định.
Cho đi yêu thương sẽ nhận lại yêu thương, đến Ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy Truyền và các giáo viên trên đảo đã nhận được những sự quan tâm, khích lệ từ chính quyền, quân và dân trên đảo Trường Sa, đặc biệt là các em học sinh. Tuy không có những bó hoa tươi sặc sỡ, nhưng những bông hoa giấy được cắt dán một cách ngộ nghĩnh, đáng yêu từ các em nhỏ trên đảo lại là món quà ý nghĩa nhất đối với các thầy giáo đang ngày đêm âm thầm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió, tiếp thêm sức mạnh và nghị lực cho những người gieo chữ nơi hải đảo xa xôi của Tổ quốc.
Đang trò chuyện, cơn mưa chợt đến, thầy Truyền vội vàng đóng cánh cửa sổ lớp học lại vì sợ mưa hắt ướt vào lớp học. Theo thầy Truyền, thời gian khó khăn, khắc nghiệt nhất trong năm là mùa mưa bão. Gió thổi mạnh kèm theo hơi muối của biển khiến cơ sở vật chất nhanh hư hỏng, sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt. Tuy nhiên, thầy và trò Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa sẽ tiếp tục khắc phục những khó khăn, bảo đảm việc học tập của các em thực hiện đúng theo chương trình đề ra.
“Tôi yêu Trường Sa, yêu tất cả những điều thuộc về nơi đây, tuy nhiên, khi nào hoàn thành nhiệm vụ, tôi sẽ quay trở lại miền núi Khánh Sơn để cống hiến cho quê hương và ở bên các con, bù đắp cho các con những khoảng thời gian không có bố ở bên”, câu nói xúc động trước khi chia tay của thầy giáo Cao Văn Truyền vẫn in đậm trong tôi. Hình ảnh của thầy Truyền là đại diện tiêu biểu cho nhiệt huyết của đội ngũ thanh niên Việt Nam, tạm gác những khó khăn, tình cảm riêng tư để cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.