TS. Đỗ Tuấn Minh: Tinh gọn bộ máy giúp cơ sở giáo dục đại học có nhiều cơ hội

Việc tinh gọn tổ chức bộ máy có vai trò quan trọng nhằm thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Vừa qua, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Triển khai Đề án Sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy trong Trường Đại học Ngoại ngữ theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy tại các cơ sở giáo dục đại học mang lại nhiều cơ hội, thuận lợi quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo và tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai. Cụ thể:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành. Một bộ máy tinh gọn giúp xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng đơn vị, tránh sự chồng chéo trong quản lý, phân cấp rõ ràng, từ đó giúp việc ra quyết định nhanh chóng, tăng hiệu quả điều hành; thích ứng nhanh với sự thay đổi của môi trường giáo dục và xã hội.

Thứ hai, tập trung nguồn lực vào các nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường đầu tư vào chất lượng đào tạo giảng dạy; nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức. Khi bộ máy được tinh gọn, nguồn lực tài chính và nhân sự được phân bổ hiệu quả hơn vào các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức; giảm gánh nặng hành chính giúp giảng viên, cán bộ tập trung hơn vào chuyên môn, nâng cao chất lượng dạy và học.

Thứ ba, tăng quyền tự chủ cho các khoa đào tạo. Theo đó, khi tổ chức được tinh gọn, các khoa đào tạo chủ động hơn trong việc triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức và hợp tác quốc tế; cơ cấu rõ ràng giúp từng cá nhân trong mỗi khoa đào tạo chịu trách nhiệm cụ thể về hiệu quả hoạt động của mình và mỗi bộ phận chuyên môn trong khoa chịu trách nhiệm trước trưởng khoa. Từ đó, hiệu quả công việc được gia tăng.

Thứ tư, tạo môi trường đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế. Một bộ máy tinh gọn giúp các trường đại học dễ dàng triển khai các mô hình giáo dục tiên tiến, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy; thích ứng nhanh với xu hướng giáo dục toàn cầu.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp. Khi bộ máy được sắp xếp hợp lý, giảm các cấp trung gian giúp trường đại học kết nối với doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước trở nên thuận lợi hơn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.

Thứ sáu, tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao tính cạnh tranh.Một cơ cấu tinh gọn giúp các cơ sở giáo dục đại học duy trì sự ổn định, thích ứng với các thay đổi về chính sách và nhu cầu xã hội; tiết kiệm nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh trong hệ thống giáo dục đại học trong nước và quốc tế; tạo nền tảng phát triển bền vững trong tương lai.

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội tinh gọn bộ máy ra sao?

Chia sẻ thực tiễn tại đơn vị, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh cho hay, căn cứ kế hoạch số 6262/KH-ĐHQGHN ngày 25/12/2024 của Đại học Quốc gia Hà Nội về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của nhà trường.

Từ đó tiến hành rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong toàn trường và triển khai thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng Nghị quyết số 18-NQ/TW trên tinh thần không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và không xáo trộn nhiều; hoạt động ổn định, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, giúp giảm bớt chi phí. Đồng thời tạo tiền đề để đơn vị sau khi sắp xếp, tổ chức lại kế thừa và phát huy được thế mạnh, nâng cao năng suất lao động và mức thu nhập bình quân của viên chức, người lao động trong toàn trường.

Thầy Minh cũng cho biết thêm, ngày 12/01/2025, Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 329/NQ-HĐT về việc sắp xếp, tổ chức lại các phòng, trung tâm, khoa, bộ môn trực thuộc trường và văn phòng Đảng - đoàn thể của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nhà trường đã thực hiện xong kiện toàn hệ thống tổ chức và quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo đó, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội giảm 13 đơn vị đầu mối (từ 32 đơn vị tinh gọn còn 19 đơn vị), tỷ lệ tinh giản đạt 40,6%.

Cùng với đó ngày 03/02/2025, nhà trường đã tổ chức Chương trình gặp mặt Xuân Ất Tỵ và trao quyết định chuẩn y cấp ủy các chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027. Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành Quyết định về việc sắp xếp, kiện toàn các chi bộ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội thành 20 chi bộ tương ứng với các đơn vị chính quyền, đảm bảo sự thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Đảng bộ nhà trường đã kiện toàn về cơ cấu tổ chức và đang tích cực chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ XX sẽ diễn ra vào ngày 15/3/2025 cũng là Đại hội đại biểu Đảng bộ điểm trong Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tinh gọn bộ máy có vai trò quan trọng nhằm thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của trường đại học

Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội có sứ mệnh “đóng góp vào sự phát triển và hội nhập, xây dựng và bảo vệ đất nước thông qua việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội theo chuẩn quốc tế về các lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan”.

Tầm nhìn đến năm 2045, trở thành một trường đại học hàng đầu, có uy tín cao trong nước, trong khu vực và trên thế giới trong các lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan.

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh nhấn mạnh, việc tinh gọn bộ máy nêu trên có vai trò quan trọng đối với nhà trường nhằm thực hiện sứ mệnh và tầm nhìn của Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một là, tăng cường năng lực quản trị đại học hiện đại. Một bộ máy tinh gọn giúp lãnh đạo nhà trường đưa ra quyết định nhanh chóng, linh hoạt, phù hợp với xu hướng phát triển của giáo dục đại học quốc tế. Đồng thời thúc đẩy quản trị theo hướng tự chủ với nhà trường vận hành theo mô hình đại học hiện đại, minh bạch và có trách nhiệm cao với xã hội, từng bước nâng cao uy tín trong nước và quốc tế. Tạo môi trường làm việc năng động, hiệu quả khi giảm bớt các khâu trung gian, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm giúp cán bộ, giảng viên phát triển chuyên môn.

Hai là, nâng cao chất lượng đào tạo, ứng dụng công nghệ giáo dục hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.Một tổ chức tinh gọn giúp nhà trường linh hoạt hơn trong việc đổi mới và xây dựng các chương trình đào tạo đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập; cơ cấu gọn nhẹ dễ dàng triển khai các phương pháp giảng dạy tiên tiến như học tập trực tuyến, trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan.

Bà là, tạo động lực phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức và phục vụ cộng đồng.Bởi một bộ máy hợp lý giúp tập trung nguồn lực vào nghiên cứu chuyên sâu; phát triển sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao trong hệ thống giáo dục quốc dân và xã hội; phát triển các mô hình giảng dạy hiện đại, các loại học liệu áp dụng công nghệ mới thời đại 4.0.

Bốn là, thúc đẩy hội nhập quốc tế và nâng cao uy tín toàn cầu.Một tổ chức tinh gọn giúp trường mở rộng hợp tác với các đại học danh tiếng trên thế giới, phát triển các chương trình đào tạo thu hút sinh viên quốc tế; tăng cường trao đổi giảng viên, sinh viên tham gia các chương trình trao đổi học thuật, nâng cao vị thế quốc tế của trường từ đó nâng cao thứ hạng trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới.

Năm là, phát triển mô hình đại học bền vững và thích ứng với tương lai. Khi một bộ máy tinh gọn sẽ giúp sử dụng hiệu quả ngân sách, đầu tư có trọng điểm vào các hoạt động cốt lõi như giảng dạy, nghiên cứu, hợp tác quốc tế; xây dựng môi trường học thuật sáng tạo và khuyến khích đổi mới trở thành một trong các trường đại học hàng đầu, uy tín cao trong các lĩnh vực giáo dục ngoại ngữ, ngôn ngữ học, quốc tế học và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn có liên quan.

Nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua để bộ máy tinh gọn, hiệu quả

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Minh chia sẻ, trong quá trình thực hiện công tác tinh gọn bộ máy, nhà trường gặp phải 6 khó khăn, thách thức chính về tư tưởng, quy mô, quản trị, nhân lực, nguồn thu và cơ chế.

Về tư tưởng, việc tinh gọn bộ máy là một quá trình thay đổi lớn, tác động trực tiếp đến đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên trong nhà trường. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận sự thay đổi này.

Những rào cản tư tưởng thường gặp gồm: Tâm lý ngại thay đổi (một số cán bộ, giảng viên có tâm lý quen với cách vận hành cũ, lo ngại về những biến động trong công việc, vị trí công tác cũng như quyền lợi cá nhân); Hoài nghi về hiệu quả của việc tinh gọn (một bộ phận nhân sự có thể đặt câu hỏi về tính khả thi của việc sắp xếp lại bộ máy, lo lắng rằng cải tổ có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy, nghiên cứu); Tâm tư của đội ngũ cán bộ quản lý (những cán bộ quản lý có thể gặp áp lực trong việc điều hành bộ máy mới, thích ứng với cách vận hành tinh gọn hơn, hoặc lo lắng về vai trò của mình trong cơ cấu tổ chức mới).

Bên cạnh đó, vấn đề về quy mô tổ chức cũng là một trong những thách thức lớn khi thực hiện tinh gọn bộ máy. Khối lượng công việc quản lý lớn khi hệ thống còn cồng kềnh, các cấp quản lý phải xử lý nhiều thủ tục hành chính, dẫn đến tình trạng quá tải, giảm hiệu suất công việc.

Một số đơn vị trong trường hoạt động chưa thực sự gắn kết, phối hợp chưa hiệu quả, gây ra tình trạng chồng chéo hoặc thiếu đồng bộ trong vận hành. Ngoài ra vẫn còn tình trạng vừa thừa vừa thiếu, một số đơn vị có thể có quá nhiều nhân sự hành chính trong khi giảng viên giỏi hoặc chuyên gia nghiên cứu lại chưa đủ để đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu.

Tiếp theo là thách thức về quản trị. Công tác quản trị gặp thách thức lớn khi phải cân đối giữa hai nhóm công việc: việc phân bổ nhân sự giữa các bộ phận quản lý gián tiếp (bộ phận các phòng, ban phục vụ đào tạo) và lực lượng làm việc trực tiếp (giáo viên, giảng viên) chưa thực sự tối ưu, có thể gây mất cân bằng trong vận hành. Nếu công tác quản lý chiếm quá nhiều nguồn lực, giảng viên phải xử lý nhiều thủ tục ngoài chuyên môn, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Về nhân lực, thầy Minh cho biết, mô hình đào tạo các ngành ngoại ngữ thường có sĩ số lớp học nhỏ để đảm bảo chất lượng giảng dạy, dẫn đến nhu cầu về giảng viên lớn. Nếu không tối ưu hóa nguồn lực, có thể gây áp lực tài chính cho nhà trường.

Một số giảng viên có thể gặp khó khăn khi phải đảm nhận thêm nhiệm vụ ngoài chuyên môn, hoặc chưa có chính sách đủ linh hoạt để điều phối giảng viên giữa các bộ môn, khoa dẫn đến nguy cơ mất giảng viên giỏi nếu cơ chế đãi ngộ không đủ hấp dẫn hoặc môi trường làm việc chưa phù hợp, nhà trường có thể đối mặt với tình trạng chảy máu chất xám, mất đi những giảng viên có trình độ cao.

Tiếp đến là khó khăn về nguồn thu không ổn định, thiếu cân đối, phụ thuộc nhiều vào đào tạo. Theo đó, nguồn thu của trường chủ yếu dựa vào hoạt động đào tạo, dẫn đến một số vấn đề như thiếu sự đa dạng trong nguồn thu; chưa khai thác tối đa các nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, dịch vụ đào tạo ngắn hạn hoặc hợp tác quốc tế; phụ thuộc quá nhiều vào học phí có thể gây áp lực tài chính, đặc biệt khi số lượng tuyển sinh có biến động.

Về cơ chế, một số quy định hành chính còn ràng buộc, gây khó khăn cho việc triển khai các mô hình quản trị hiện đại. Khi có điều chỉnh về quy chế tài chính, tuyển sinh, nhà trường có thể phải thay đổi chiến lược một cách bị động.

Đề xuất một số giải pháp

Từ những thách thức nêu trên, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nêu một số giải pháp.

Về tư tưởng, cần có kế hoạch truyền thông nội bộ hiệu quả để giải thích rõ mục tiêu, lộ trình và lợi ích của việc tinh gọn. Đồng thời, lãnh đạo nhà trường cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến để có chính sách hỗ trợ phù hợp, tạo sự đồng thuận trong toàn trường.

Về quy mô, sắp xếp lại các đơn vị theo hướng tối ưu hóa nguồn lực trên tinh thần không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và không xáo trộn nhiều; hoạt động ổn định, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, giảm bớt các bộ phận trung gian, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Về quản trị, xây dựng hệ thống quản trị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin để giảm bớt khối lượng công việc hành chính cho giảng viên, giúp họ tập trung vào chuyên môn đào tạo và nghiên cứu.

Về nhân lực, xây dựng chính sách đãi ngộ hợp lý để giữ chân giảng viên giỏi, đồng thời nâng cao tính linh hoạt trong phân công công việc để tối ưu hóa đội ngũ giảng dạy. Triển khai hiệu quả Đề án xây dựng hệ thống các giải pháp giữ chân, thu hút và hỗ trợ đội ngũ giảng viên trình độ cao của trường. Tạo điều kiện để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh trên cơ sở thực hiện các chương trình nghiên cứu quan trọng hoặc có tính chiến lược.

Về nguồn thu, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, mở rộng các chương trình đào tạo ngắn hạn, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng để tạo thêm nguồn thu ngoài học phí; xây dựng chương trình hợp tác quốc tế nghiên cứu với các đơn vị nghiên cứu có uy tín ở khu vực và thế giới. Thực hiện hiệu quả và mở rộng một số chương trình liên kết quốc tế; khai thác triệt để các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất của trường; khuyến khích và khen thưởng các đơn vị, cá nhân mang lại nguồn thu, đối tác mới cho trường.

Về cơ chế, đề xuất các cơ chế tự chủ phù hợp với mô hình hoạt động của nhà trường, xây dựng hệ thống quản trị hiện đại tương thích với chuẩn và thông lệ quốc tế nhằm chủ động thích ứng với các thay đổi chính sách để không rơi vào thế bị động.

Thi Thi

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ts-do-tuan-minh-tinh-gon-bo-may-giup-co-so-giao-duc-dai-hoc-co-nhieu-co-hoi-post249188.gd
Zalo