Khi người trẻ viết tiếp ký ức không gian

Trong dòng chảy hiện đại, việc gìn giữ những giá trị nghệ thuật kiến trúc đang trở thành một thách thức lớn. Tuy nhiên, giữa guồng quay ấy, có một thế hệ trẻ đã và đang âm thầm thắp lên ngọn lửa đam mê bảo tồn di sản bằng những hành động thiết thực, đầy cảm hứng.

Đình làng Thạc Gián - công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng

Đình làng Thạc Gián - công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo tại quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng

Tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hoạt động gắn kết giữa học tập và khảo sát thực tế tại các di tích, đình làng, công trình cổ đã trở thành hướng đi hiệu quả, không chỉ giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách sinh động mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa nghệ thuật kiến trúc địa phương.

Nối dài ký ức phố phường

Theo TS Lê Minh Sơn, Trưởng khoa Kiến trúc, Đà Nẵng vốn là một đô thị giàu chiều sâu lịch sử với nhiều công trình kiến trúc Pháp thuộc còn hiện diện cho đến ngày nay như những chứng tích sống động: Trường Ecole Franco - Annamite de Tourane (1890, nay là Trường Tiểu học Phù Đổng); Bảo tàng Điêu khắc Chăm (1919); Trụ sở Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố (1920)...

Mỗi công trình là một mảnh ghép độc đáo, góp phần tạo nên không gian kiến trúc đặc trưng của đô thị biển miền Trung. Thế nhưng, dưới tác động của thời gian và môi trường, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, đòi hỏi những giải pháp bảo tồn cấp thiết.

Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu lý thuyết, sinh viên ngành Kiến trúc đã trực tiếp “chạm” vào di sản qua các chuyến khảo sát thực địa. Họ đã quan sát, đo đạc, phác thảo, ghi chép tỉ mỉ từng chi tiết của các công trình cổ - từ vết rạn của mái ngói, đến lớp sơn bong tróc trên tường gạch rêu phong.

TS Nguyễn Hoàng Thân, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, người từng tham gia Hội đồng khoa học thẩm định hồ sơ Ma nhai Ngũ Hành Sơn đệ trình UNESCO, nhấn mạnh: “Việc sinh viên trực tiếp tham gia nghiên cứu, đánh giá và đề xuất bảo tồn các công trình di sản chính là cách nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm đối với văn hóa nghệ thuật dân tộc. Đây là những hạt giống văn hóa đang âm thầm nảy mầm từ giảng đường”.

Những nỗ lực ấy đã được ghi nhận bằng kết quả cụ thể. Cuối năm 2024, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Chánh Trực, Phan Lành, Trần Thị Phương và Trương Thế Vinh đã xuất sắc giành giải Nhất cuộc thi “Thiết kế mô hình các công trình kiến trúc tiêu biểu tại thành phố Đà Nẵng” với mô hình Hải Vân Quan, một biểu tượng lịch sử - kiến trúc độc đáo nằm giữa đại ngàn và biển cả.

Từ năm 2023, Khoa Kiến trúc đã chủ động phối hợp với các đơn vị trên địa bàn triển khai nhiều chương trình khảo sát và bảo tồn nhà cổ, di tích tại huyện Hòa Vang.

Những chuyến đi ấy chính là hành trình nuôi dưỡng tình yêu nghề, tình yêu di sản. Qua mỗi lần tiếp xúc trực tiếp với các công trình bị lãng quên, các bạn trẻ thêm thấu hiểu giá trị vô hình của di sản - thứ đang âm thầm kể lại lịch sử của một vùng đất, của một cộng đồng.

Những bản vẽ phác thảo, những trang sổ tay kỹ thuật ghi lại từng chi tiết của mái đình, cột gỗ hay cửa vòm… không chỉ là thành quả học tập, mà còn là sự nối dài ký ức dân tộc qua đôi tay và trái tim của thế hệ trẻ.

Và có lẽ, chính từ những buổi điền dã bình dị, từ những cuộc thi chuyên môn đầy thử thách, một thế hệ kiến trúc sư mới đang dần hình thành - những người không chỉ xây dựng tương lai bằng bê tông và thép, mà còn bằng tình yêu, trách nhiệm với những giá trị nghệ thuật cổ xưa nhưng đầy sức sống.

Những kiến trúc sư tương lai khảo sát đình làng Hải Châu

Những kiến trúc sư tương lai khảo sát đình làng Hải Châu

Gìn giữ đường nét thời gian bằng nghệ thuật kiến trúc

Những năm qua, Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã chủ động “bước ra khỏi cổng trường”, đồng hành cùng chính quyền huyện Hòa Vang để gìn giữ những di sản kiến trúc đặc sắc đang dần bị mai một.

Từ việc viết báo cáo khoa học về kiến trúc thôn Phong Nam - một trong những ngôi làng cổ có bề dày văn hóa tiêu biểu của miền Trung, cho đến việc đề xuất và thực hiện đề tài nghiên cứu “Thiết lập hệ thống quản lý phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị di sản kiến trúc - cảnh quan làng cổ ở đồng bằng Hòa Vang”, nhà trường đã thể hiện rõ vai trò cầu nối giữa tri thức học thuật và nhu cầu thực tiễn.

Điểm nhấn nổi bật trong chuỗi hoạt động ấy là workshop “Kiến trúc - Quy hoạch ở Hòa Vang, Phong Nam”, nơi các đoàn nghiên cứu trong và ngoài trường cùng nhau trải nghiệm thực tế, lắng nghe hơi thở của đất làng, cảm nhận nhịp sống truyền thống và cùng hiến kế phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững. Làng cổ Phong Nam, nơi hiện còn bảo tồn 17 ngôi nhà cổ cùng hệ thống công trình tâm linh, đang dần hồi sinh khi có sự tiếp sức của những con người đầy nhiệt huyết.

Trong năm 2024, không gian học thuật tiếp tục được mở rộng với tọa đàm quốc tế chủ đề “Thiết lập không gian kiến trúc - cảnh quan đô thị gắn với giá trị văn hóa truyền thống đình làng Hải Châu”.

Tại đây, giảng viên và sinh viên khoa Kiến trúc, Kỹ thuật Xây dựng (thuộc các trường Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm Kỹ thuật Đà Nẵng) cùng đoàn nghiên cứu từ Học viện Công nghệ Maebashi (Nhật Bản) đã có dịp khảo sát trực tiếp di tích đình làng Hải Châu - một trong những ngôi đình cổ bậc nhất thành phố.

Được xây dựng từ thế kỷ XIX, đình Hải Châu là công trình kết tinh nghệ thuật kiến trúc truyền thống Việt Nam với mái ngói âm dương, cột gỗ đại thụ, chạm khắc tinh xảo và hệ thống hoành phi câu đối mang đậm dấu ấn thời gian.

Chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư nơi đây vẫn đang nỗ lực gìn giữ đình làng như một “điểm hẹn văn hóa”, nơi mỗi mùa lễ hội, người dân trở về thắp nén nhang tưởng nhớ tiền nhân, hòa mình vào không khí lễ nghi truyền thống.

Các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thực tế không chỉ đem lại giá trị học thuật cho sinh viên và giảng viên, mà còn góp phần hiện thực hóa những giải pháp bảo tồn hiệu quả, thiết thực cho địa phương.

Sự gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng chính là minh chứng cho một hướng tiếp cận mới: Kiến trúc không chỉ là nghệ thuật xây dựng công trình, mà còn là hành trình gìn giữ ký ức, phục dựng tinh thần văn hóa và kiến tạo tương lai từ nền móng của quá khứ.

NGỌC HÀ

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/khi-nguoi-tre-viet-tiep-ky-uc-khong-gian-135952.html
Zalo