Ký ức của những người lính Quân đoàn 4

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trong ký ức của những người lính Cục Kỹ thuật - Quân đoàn 4 tại chiến trường Campuchia năm xưa, bao nhiêu kỷ niệm vẫn vẹn nguyên, đây cũng là những 'nhân chứng sống' trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.

Các đồng đội của ông Vũ Như Sơn tại Phnôm Pênh ngày 13/1/1979

Các đồng đội của ông Vũ Như Sơn tại Phnôm Pênh ngày 13/1/1979

Giờ đây, vết thương dù có liền sẹo theo thời gian, nhưng trong tâm khảm người lính từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, hơn 4 thập kỷ trôi qua, vẫn là nỗi niềm đau đáu về cuộc chiến, về tình đồng đội... Bên kia biên giới, các chiến sĩ Việt Nam không chỉ để lại một phần tuổi trẻ, mà cả một phần thân thể của mình và máu xương của đồng đội.

Thắng lợi vẻ vang của 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam giành lại nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước năm 1975. Ðến khi hòa bình lập lại chưa bao lâu, những cán bộ, chiến sĩ của ta lại tiếp tục lên đường giúp nước bạn Campuchia chống chế độ diệt chủng của Pol Pot hung tàn, đồng thời bảo vệ biên giới Tây Nam của đất nước thân yêu. Trong đội quân tình nguyện Việt Nam sang giúp Campuchia ngày ấy, có rất nhiều những người con ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Họ đã gác lại nhiều ước mơ, hoài bão, hy sinh tuổi xuân và một phần máu thịt để đánh đổ chế độ diệt chủng trên đất nước Campuchia, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trong số đó phải kể đến những người lính thuộc Cục kỹ thuật - Quân đoàn 4 trực tiếp đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật vật tư vũ khí đạn và ô tô, xe máy để cho bộ đội Quân đoàn 4 chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia từ 1977-1985.

Từ bên trái sang, các ông Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Văn Vệ, Vũ Như Sơn, Vũ Thuần Nho trong ngày hội ngộ

Từ bên trái sang, các ông Nguyễn Duy Quý, Nguyễn Văn Vệ, Vũ Như Sơn, Vũ Thuần Nho trong ngày hội ngộ

Với ông Vũ Như Sơn - phường Dữu Lâu, thành phố Việt Trì, CCB từng tham gia chiến đấu tại Quân đoàn 4 - quân đoàn chủ lực, được mệnh danh là “lá chắn thép” trong cuộc chiến biên giới Tây Nam, ký ức ông nhớ mãi là những số phận con người Campuchia trong thời điểm ấy. Khi chế độ Pol Pot thực thi chính sách diệt chủng giết hại gần 1/4 dân số đất nước và dồn những người còn lại về các miền quê nông thôn để phát triển một nền nông nghiệp cực đoan; trên khắp đất nước Campuchia không có trường học, không có bệnh viện, không có tôn giáo,... Những trí thức không có sức lao động bị sát hại, bất cứ ai chống lại chính quyền đều bị tàn sát dã man...

Ông Sơn khi ấy với quân hàm Thượng úy - Trợ lý vật tư xe máy, phụ trách kho xe máy tiền phương bồi hồi nhớ lại: “Trong quá trình chiến đấu, vũ khí trang bị kỹ thuật của Quân đoàn bị tiêu hao và hư hỏng khá nhiều. Vì vậy tôi cùng với đồng đội lúc bấy giờ luôn xác định phải vượt qua mọi gian khổ cho dù có phải hy sinh, trọng trách với nhiệm vụ được giao rất nặng nề, quan trọng là phải luôn đảm bảo cung cấp vật tư xe máy, đồng thời kịp thời cho sửa chữa hoạt động của xe ô tô Quân đoàn luôn trong trạng thái tốt nhất để phục vụ chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam...”

Hay như các ông: Nguyễn Văn Vệ - Thiếu tá, Phó trưởng Phòng Tham mưu kỹ thuật, Cục kỹ thuật Quân đoàn 4; Vũ Thuần Nho - Đại úy, Trợ lý vũ khí đạn, phụ trách kho vũ khí tiền phương, Quân đoàn 4; Nguyễn Duy Quý - Thượng úy - Trợ lý Phòng Tham mưu kỹ thuật, Quân đoàn 4, đến nay họ ngoài 70 tuổi và ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những ký ức của họ về những năm tháng chiến tranh ác liệt ở biên giới Tây Nam, họ cũng đã hy sinh cả tuổi xuân và một phần máu thịt để đánh đổ một chế độ diệt chủng tàn bạo trên đất nước Campuchia, để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bờ cõi và Nhân dân Việt Nam. Ông Vũ Thuần Nho nói: Tôi cùng các anh Vệ, Quý, Sơn đều ở cùng Quân đoàn, nhưng chúng tôi mỗi người được giao một trọng trách, một nhiệm vụ. Thời đó, khó khăn gian khổ là thế, nhưng tôi và đồng đội luôn tâm niệm, dẫu có phải hy sinh cũng phải đảm bảo việc cung cấp vũ khí đạn, đạn pháo một cách nhanh, kịp thời để phục vụ chiến đấu”.

Khi hòa bình lập lại, những người lính Quân đoàn 4 năm nào từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới và giúp người dân Campuchia chống chế độ diệt chủng Pol Pot bạo tàn tuổi cũng đã cao, thế nhưng, tình cảm của họ dành cho nước bạn chưa bao giờ vơi đi. Có người được quay về thăm lại nơi từng chiến đấu, thăm lại những người đồng đội Campuchia năm nào. Về với cuộc sống đời thường, họ là những CCB trên mọi mặt trận... nhưng vẫn luôn xứng đáng được Nhân dân Việt Nam và dân tộc Campuchia anh em ghi nhớ, vinh danh.

Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam Campuchia thành phố Việt trì trao tặng Kỷ niệm chương chiến trường K cho 5 liệt sĩ của xã Chu Hóa đã hy sinh trong chiến đầu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia

Lãnh đạo Hội hữu nghị Việt Nam Campuchia thành phố Việt trì trao tặng Kỷ niệm chương chiến trường K cho 5 liệt sĩ của xã Chu Hóa đã hy sinh trong chiến đầu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia

Sau 47 năm kể từ ngày chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979 * 7/1/2024), những người lính quân tình nguyện ngày ấy và là CCB hôm nay luôn phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ và truyền thống “Trung thành, đoàn kết, gương mẫu, đổi mới” của Cựu chiến binh Việt Nam, tô thắm thêm tình đoàn kết hữu nghị của 2 dân tộc Việt Nam - Campuchia.

Anh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-uc-cua-nhung-nguoi-linh-quan-doan-4-233104.htm
Zalo