Không gian đọc của gia đình ba đời mê sách
Khi còn bé, nhà văn Chu Thùy Anh được cha mẹ truyền cho tình yêu sách. Sau này, chị đã cải tạo căn phòng ngủ để dựng nên tủ sách cho riêng mình và con.


Khi bước vào không gian đọc của Chu Thùy Anh, người ta dễ dàng quên đi danh xưng "tiến sĩ vật lý" nếu không nhìn thấy những tập viết đầy phép tính toán trên bàn làm việc. Bởi nơi đây không gợi cảm giác về những phương trình khô khan, mà là một thế giới của văn chương, nghệ thuật và ký ức. Tủ sách được chia làm nhiều ngăn - từ sách thiếu nhi cho con gái, đến các tác phẩm văn học, sách nghệ thuật, sách cổ, sách kỷ niệm. Chị đặc biệt yêu thích sách thiếu nhi, không chỉ vì có con nhỏ, mà vì "trẻ con có cách nhìn rất ngộ nghĩnh, đôi khi những thứ buồn cười vô thưởng vô phạt lại gợi nên nhiều cảm xúc".

Một phần giá sách dành riêng cho những cuốn sách nghệ thuật lâu năm, từ sách về văn hóa Việt Nam, bán đảo Đông Dương, đến các ấn phẩm tái bản có giá trị sưu tầm cao. Đáng chú ý là cuốn sách học tiếng Pháp được truyền từ thế hệ trước, giờ lại tiếp tục được truyền cho con gái chị. Chị Thùy Anh tâm sự, ngày bé chị mê truyện tranh tới mức sang Pháp học cũng mang theo. Nhưng nay vì không gian tủ sách có hạn nên chị đành để lại nhà bố mẹ.

“Tủ sách của tôi là tủ sách của gia đình. Mẹ tôi là người đã khuyến khích tôi viết, định hướng tôi đọc những tác phẩm có giá trị", chị Thùy Anh tâm sự. Ở nhà bố mẹ chị từng có một phòng sách với bốn tủ lớn. Khi chuyển ra ở riêng, dù không gian sống nhỏ hơn, chị vẫn muốn có một không gian riêng cho sách. Giống như mẹ, chị mong con gái có một nơi để đọc, để lựa chọn và khám phá. Mỗi khi bạn học của con đến chơi, các em được tìm kiếm, mượn đọc những gì mình thích.

Nhà văn Chu Thùy Anh kể rằng trong những lần sang Pháp, chị thường lân la vào các hiệu sách cũ, có nơi thậm chí phải gửi email đặt lịch hẹn mới được vào xem. Niềm đam mê sách cổ của chị gắn với sự tự hào về văn hóa Việt Nam. Chị không đọc được chữ Hán, nên tập trung vào những cuốn do người Pháp thời Đông Dương nghiên cứu văn hóa Việt. Có lần, chị tìm thấy một cuốn sách dày viết về phong tục tang lễ của người Việt, một “kho báu văn hóa” theo cách gọi của chị.

Để bảo quản nhiều sách quý, sách cũ, chị Thùy Anh phải đặt nhiệt kế trong tủ kính. Việc dọn tủ sách này đối với chị là một thử thách vì chúng có tới hai lớp sách dày, chưa kể có nhiều cuốn nặng. Cách tốt nhất, theo chị, là sắp xếp có nguyên tắc ngay từ đầu. Chị sắp xếp sách theo độ dày, độ nặng để tránh làm hỏng kệ; chia theo lứa tuổi hoặc chủ đề để tiện tìm kiếm. Có sách dùng để đọc, có sách để ngắm, có sách đơn giản chỉ để “giữ một cảm xúc”.


Nhiều cuốn sách cũ chị phải bọc lại hoặc mở cẩn thận để không làm hỏng, làm rách chúng. Chất liệu giấy ngày xưa không chắc và dẻo như hiện nay.

Với chị Chu Thùy Anh, tủ sách là một không gian sống thứ hai. Đây là nơi chị tìm lại những cảm xúc nguyên sơ nhất. Trong tủ sách đó, mỗi cuốn sách như một cột mốc, ghi dấu một giai đoạn trong đời: cuốn chị mua năm đầu tiên đi Pháp, cuốn chị đọc khi mang thai con gái, cuốn chị tìm được sau nhiều năm thất lạc... Điều đáng mừng là khi con gái chị - Trâm Anh - lớn lên đã có thể chia sẻ được niềm yêu thích sách với mẹ. Hai tủ sách từng được phân thành khu "người lớn - trẻ em" giờ đã thành một.

Để trang trí cho thư phòng của mình, chị Thùy Anh sử dụng nhiều kỷ vật. Trong đó có những quả bàng vuông được chị mang về trong chuyến công tác tới huyện đảo Trường Sa. Chị chia sẻ rằng một lúc nào đó rảnh rỗi chị có thể sơn lên chúng một "lớp áo" mới nhiều sức sống hơn.

Khi nhắc đến cuốn sách Ba-ri-e, một cuốn sách yêu thích từ lúc còn nhỏ cho tới bây giờ, chị Thùy Anh nhanh chóng lấy ra từ sâu trong tủ sách và khoe với mọi người. Câu nói chị thích nhất chính là: "Nói cho cùng thì người ta điên hay tỉnh, hỏi có là gì quan trọng? Điều quan trọng là người ta cảm thấy hạnh phúc". Chị đã tìm khắp các hiệu sách cũ ở Hà Nội để mua được tác phẩm này, một số bản chị đem tặng những người bạn đồng niên của mình.


Thư phòng của chị Chu Thùy Anh còn là một không gian của hội họa và âm nhạc. Với chị, ngoài sách ra, màu sắc và giai điệu cũng là một điều thú vị có thể để con khám phá sau những giờ học căng thẳng.

Với nhà văn Chu Thùy Anh, tủ sách gia đình trong căn nhà là một thế giới khám phá đầy gọi mời của ngôn ngữ Anh, Pháp, Việt. Các đầu sách đa phần là tiếng Pháp. Một số cuốn sách tranh rất khó, khi Trâm Anh thích tìm hiểu, chị phải dành thời gian để giúp em. Đến giờ, con gái có thể tự đọc mà không lúc nào cũng cần mẹ kèm cặp. Chị Thùy Anh nghĩ rằng niềm hứng thú với sách phải được gợi mở từ khi trẻ còn nhỏ.