Sinh viên 'trường Nhân văn' gieo mầm sống xanh từ những hành động nhỏ
'Bạn nghĩ một chiếc túi vải có thể thay đổi thế giới?'. Câu hỏi ấy từng xuất hiện trên một tờ poster vẽ tay tại góc hội trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Các thành viên nhóm EcoEcho. Ảnh: NVCC
Gần đó là một nhóm sinh viên đang cười rạng rỡ bên chiếc bàn nhỏ, nơi chất đầy những chiếc hộp tái chế, sách cũ và những bức tranh vẽ tay về rác thải nhựa. Họ là EcoEcho - một dự án môi trường bắt đầu bởi 5 sinh viên mang theo khát vọng không nhỏ: Gieo mầm sống xanh bằng những hành động giản dị.
Hạt mầm từ sự hoài nghi
Nhóm gồm 5 thành viên: Đặng Khánh Linh, Trương Thị Hương Giang, Vũ Hương Giang, Hạ Phương Hoa, Nguyễn Thị Như Quỳnh, đều sinh năm 2005 và là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.
Đặng Khánh Linh, đại diện Dự án EcoEcho, nhớ lại thời gian đầu khi mới bắt đầu dự án: "Nhóm từng gặp không ít ánh mắt hoài nghi. Có người bảo "mấy cái này rồi cũng chỉ là phong trào", có người thẳng thắn nói "làm rồi cũng chẳng thay đổi được gì đâu".
Mới đầu cũng buồn lắm, nhưng chúng em chọn cách lắng nghe. Thay vì phản ứng lại, chúng em tìm cách chia sẻ thật gần gũi, ví dụ như thiết kế hình ảnh minh họa về vi nhựa, tổ chức mini game chia sẻ thói quen sống xanh".
Từ những cuộc trò chuyện nhỏ, từ những buổi chia sẻ về "sự thật của nhựa" được lồng ghép bằng tranh vẽ và infographic, nhóm dần cảm nhận được sự thay đổi. Người ta bớt thờ ơ, bắt đầu hỏi: "Ủa mình dùng ống hút giấy thì có tốt hơn không?", rồi tự đem túi vải đi siêu thị lúc nào không hay.
Không chọn cách thực hiện những chiến dịch rầm rộ, nhóm kiên trì theo đuổi con đường truyền cảm hứng qua trải nghiệm cá nhân. Các thành viên của nhóm tổ chức các hoạt động gần gũi như cuộc thi vẽ tranh về nhựa, viết thư gửi "rác thải nhựa tương lai", hay các buổi workshop gấp túi tái chế từ quần áo cũ.
"Nhóm không tạo ra thay đổi kiểu "đập tan thế giới cũ". Nhóm chỉ gieo một hạt mầm mà hạt mầm nào chẳng có năng lượng để lớn lên nếu được nuôi dưỡng đúng cách?", Linh nói.
Tên gọi "EcoEcho" mang trong nó một hình ảnh thi vị: tiếng vang của những hành động tử tế với môi trường. Không phải khẩu hiệu hô hào, không phải những lời kêu gọi to tát, đó là tiếng xào xạc của túi vải thay thế túi nylon, là tiếng cạch của một chai nhựa được đổ đầy nước lọc thay vì bị vứt đi.
Đồng Trưởng Dự án Trương Hương Giang chia sẻ: "Chúng em chọn âm thanh tái chế vì nó gần gũi, dễ lan tỏa trên mạng xã hội và mang tinh thần rất Gen Z. Mỗi lần ai đó chia sẻ hành động sống xanh của nhóm, chúng em thấy đó là một tiếng vọng. Và càng nhiều tiếng vọng, hiệu ứng cộng hưởng càng lớn".

Ảnh minh họa
Sống xanh bắt đầu từ chính mình
Một chiếc túi vải, một chai nước mang theo, một cái gật đầu từ chối hộp xốp, có thể chúng không thay đổi cả thế giới ngay lập tức. Nhưng với nhóm EcoEcho, điều đó không có nghĩa là không đáng giá.
"Chúng em tin vào sự bền bỉ. Mỗi ngày mình sống xanh là mỗi ngày hành động đó có thể gieo ảnh hưởng cho ai đó. Bạn bè mình nhìn thấy, người trong nhà mình nhìn thấy, rồi họ cũng thử làm theo", một thành viên chia sẻ. EcoEcho dần trở thành một thói quen, một lựa chọn sống.
Không chỉ truyền cảm hứng, nhóm sinh viên này còn nỗ lực sống thật với những gì họ kêu gọi. Trong những buổi họp nhóm, họ mang theo cốc cá nhân, ngồi sắp xếp các bài đăng truyền thông mà không in ra giấy.
Những món quà lưu niệm từ workshop đều được gói bằng giấy báo cũ hoặc vải vụn. Họ thực sự tin rằng, sự chuyển hóa bắt đầu từ việc sống có ý thức hơn mỗi ngày.
"Nhóm không muốn ai thấy dự án rồi phải ồ lên "ồ hay đấy", rồi lướt qua như xem TikTok", Hương Giang nói. "Nhóm chỉ mong khi họ đọc xong, họ đặt cái túi nhựa xuống, rồi tự hỏi: Mình có thể làm khác đi không?". Không áp đặt. Không ép buộc. Chỉ là tạo một âm thanh đủ ấm để lay động.
Trong một thế giới mà "biến đổi khí hậu" và "ô nhiễm nhựa" là 2 từ khóa luôn gắn với sự khẩn cấp, EcoEcho chọn đi con đường chậm rãi nhưng chân thành, sáng tạo và giàu cảm hứng. Những thay đổi lớn luôn bắt đầu từ những người bình thường, lặng lẽ nhưng bền bỉ, như cách EcoEcho đang lan tỏa từng âm thanh nhỏ vì môi trường.