Khánh Hòa: Giáo viên chờ hướng dẫn về dạy thêm, học thêm

Tỉnh Khánh Hòa giao Sở GD&ĐT chủ trì soạn thảo quy định về dạy thêm, học thêm để ban hành trước ngày 30-3.

Ngày 14-2, ông Võ Hoàn Hải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Khánh Hòa cho biết đã có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc triển khai thực hiện Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm.

Theo ông Hải, để triển khai thực hiện Thông tư 29 đảm bảo đúng quy định, sở đang phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện tại địa phương.

Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa cho biết trong thời gian chờ UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh, đơn vị yêu cầu thủ trưởng các đơn vị nghiên cứu kỹ các nội dung quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư 29.

Đồng thời, tổ chức quán triệt, phổ biến các nội dung của Thông tư số 29 đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh được biết để thực hiện đúng quy định.

Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch dạy học, giáo dục năm học 2024-2025 phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương nhằm duy trì, nâng cao chất lượng giáo dục.

Việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học quy định tại khoản 1 điều 5 Thông tư số 29.

Cũng theo ông Hải, Sở đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc quán triệt đến giáo viên dừng việc dạy thêm, học thêm trước ngày 14-2, chờ quy định của UBND tỉnh.

 Giáo viên ở Khánh Hòa đang chờ quy định của UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm. Ảnh: XUÂN HOÁT

Giáo viên ở Khánh Hòa đang chờ quy định của UBND tỉnh về dạy thêm, học thêm. Ảnh: XUÂN HOÁT

Khoản 1, Điều 5 của Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm trong nhà trường quy định không được thu tiền của học sinh. Việc dạy thêm học thêm chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng ký học thêm theo từng môn học.

Cụ thể, học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ 1 liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Cùng ngày, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết UBND tỉnh đã có văn bản giao Sở GD&ĐT chủ trì, soạn thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn, trình tỉnh xem xét, ban hành trước 30-3.

Trong thời gian chờ quy định mới được ban hành, UBND tỉnh Khánh Hòa lưu ý Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thành phố, thị xã, tổ chức, cá nhân, thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được quy định cụ thể tại Thông tư 29, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định.

Ông Cao Đình Trung, Trưởng phòng GD&ĐT TP Nha Trang, cho biết đơn vị đã quán triệt nội dung của Thông tư 29 đến hiệu trưởng các trường. Trong đó, yêu cầu hiệu trưởng các trường phổ biến đến giáo viên các quy định mới về dạy thêm, học thêm.

“Những giáo viên đủ điều kiện và có nhu cầu đăng ký kinh doanh để dạy thêm thì làm theo quy định và báo cáo với hiệu trưởng nơi công tác. Tuy nhiên, việc này phải chờ quyết định của UBND tỉnh về quy định về dạy thêm, học thêm, lúc này mới cụ thể hóa đến các đơn vị, giáo viên”- ông Trung nói.

Một số giáo viên cho biết vẫn có nhu cầu dạy thêm, tuy nhiên hiện chưa có các quy định cụ thể của cơ quan có thẩm quyền nên chưa đi đăng ký xin giấy phép kinh doanh.

"Hiệu trưởng trường nơi tôi công tác thông báo dừng việc dạy thêm, học thêm từ ngày 13-2. Còn ai muốn dạy thêm, học thêm thì chờ quyết định cụ thể của UBND tỉnh lúc đó sẽ triển khai đến các giáo viên. Do vậy, tôi cũng chưa vội vàng đi đăng ký kinh doanh, vì cũng chưa được dạy ngay"- cô Đinh Thị Hằng, một giáo viên dạy cấp 3 cho biết.

Khoản 3, Điều 4 Thông tư 29 quy định: “Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường”.

Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, khẳng định giáo viên công lập không được tự đăng ký kinh doanh để tổ chức dạy thêm tại nhà.

Hiện Sở GD&ĐT TP.HCM đang tham mưu UBND TP.HCM để sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh thì phải đăng ký kinh doanh theo quy định. Như vậy, cá nhân không phải là giáo viên trong biên chế của các trường công lập có thể đăng ký kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm.

Theo Điều 6 Thông tư 29/2024 của Bộ GD&ĐT, cá nhân hoặc tổ chức tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật; phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Khoản 3, Điều 4 Thông tư 29 quy định giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.

Như vậy, đối với giáo viên các trường công lập thì không được đăng ký kinh doanh dạy thêm mà chỉ được dạy thêm ở cơ sở có đăng ký kinh doanh.

Giáo viên các trường ngoài công lập, giáo viên tự do muốn tổ chức dạy thêm phải đăng ký kinh doanh.

Việc đăng ký kinh doanh dạy thêm có thể thực hiện đăng ký theo hộ kinh doanh cá thể và công ty.

Tùy theo hình thức, quy mô dạy thêm mà việc dạy thêm có thể lựa chọn đăng ký kinh doanh theo một trong hai hình thức sau: Đăng ký thành lập công ty; Đăng ký hộ kinh doanh cá thể.

Trường hợp giáo viên dạy thêm mà không đăng ký kinh doanh dạy thêm thì có thể sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

Xuân Hoát

Nguồn PLO: https://plo.vn/khanh-hoa-giao-vien-cho-huong-dan-ve-day-them-hoc-them-post834247.html
Zalo