Hương bồ kết

Ra giêng, thời tiết còn lạnh kèm theo những hạt mưa bụi giăng khắp phố phường. Và ở đâu đó nơi góc phố, ta bắt gặp những mùi hương phảng phất khiến người ta say lòng mà tìm về nơi ấm áp. Ðối với tôi, chẳng có mùi hương nào đặc biệt hơn mùi hương tỏa ra từ bếp than thơm nồng mùi vỏ bưởi và bồ kết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Mỗi độ cuối thu, bồ kết vào mùa thu hoạch, xách làn đi chợ quê, các bà, các mẹ ở vùng nông thôn, ai nấy đều chọn mua những chùm bồ kết tươi về tích trữ trên gác bếp, hong khô để không bị mọt là có thể cất đi dùng quanh năm. Quả bồ kết có tính tẩy sạch, có bọt tương tự xà phòng nên khi chưa có các loại xà phòng như bây giờ, các bà, các mẹ thường dùng bồ kết để nấu nước gội đầu.

Trong kí ức tuổi thơ của tôi, mỗi chiều đông gió lạnh, tôi chạy lon ton theo bà ra vườn cắt lá hương nhu, lá sả, lá bưởi để nấu nước gội đầu. Bà cẩn thận rửa sạch từng loại lá, múc nước đổ xăm xắp miệng nồi rồi bắc lên bếp đun. Khi nước trong nồi bắt đầu reo lên những tiếng tí tách là lúc bà lấy mấy quả bồ kết bám muội đen sì treo lơ lửng trên gác bếp, hơ qua lửa cho dậy mùi. Từng quả bén lửa xem xém, giòn tan, bà rửa sạch, bẻ nhỏ từng quả rồi thả vào nồi nước đang sôi. Nước bắt đầu đưa hương theo làn khói tỏa ra khắp gian bếp ấm áp tạo nên một mùi hương đồng nội, đượm mùi thảo mộc. Ðó là mùi dìu dịu, ngan ngát của các loại lá cây vườn nhà hòa quyện cùng mùi nồng nồng, ngai ngái của bồ kết. Tôi cố hít hà thật sâu để cảm nhận sự khoan khoái, dễ chịu trong lồng ngực.

Nếu bồ kết gội đầu vương lại mái tóc mùi hương thoang thoảng thì bồ kết trong bếp than lại tỏa ra hương thơm đặc biệt nồng nàn. Ðôi khi trời lạnh, ngồi bên bếp than, bỏ vào đó đôi, ba quả bồ kết và hít hà mùi hương ấy, thấy ấm áp biết bao.

Gần 20 năm là quãng thời gian chưa dài nhưng cũng không ngắn. Với tôi, mùi hương bồ kết năm xưa vẫn còn nồng nàn trong ký ức. Cái mùi thơm thoang thoảng từ những quả bồ kết đen bóng ấy là chút dư vị làm cho ta thêm yêu quê hương, yêu gia đình...

Vân Anh

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/huong-bo-ket-3179430.html
Zalo