Tín ngưỡng thờ cúng của người Việt qua lăng kính học giả Pháp
Học giả người Pháp Gustave Dumoutier ghi chép cẩn thận về các biểu tượng trên đồ thờ cúng của người Việt cùng cách ứng dụng của các biểu tượng này trong đời sống tín ngưỡng bản địa.

Nhà nghiên cứu văn hóa-Tiến sỹ Trần Trọng Dương chia sẻ tại buổi ra mắt cuốn sách ở Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Ngày 22/2, cuốn sách “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam” của học giả Pháp Gustave Dumoutier ra mắt độc giả, phác họa một bức tranh toàn diện về đời sống tinh thần của người Việt thế kỷ XIX.
Trên ban thờ, mỗi món đồ thờ tự, từ bát hương, đèn nến đến những đồ cúng phẩm đều mang những ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Theo đó, các biểu tượng thường gặp trên các món đồ cúng như chữ phúc, thọ, hình âm dương, hà đồ, lạc thư và nhiều hình tượng khác đã được học giả Gustave Dumoutier ghi chép cẩn thận trong cuốn sách của mình. Điều đặc biệt là tác giả không chỉ dừng lại ở việc mô tả bề ngoài, mà còn đi sâu tìm hiểu về những giá trị văn hóa, tâm linh ẩn chứa đằng sau mỗi vật phẩm.
Đi kèm diễn giải về ý nghĩa, học giả người Pháp Gustave Dumoutier còn ghi chép những ứng dụng của các biểu tượng này trong đời sống tín ngưỡng và thờ cúng của người Việt, những niềm tin và những điều kiêng kị. Nguồn gốc của những biểu tượng này cũng được nghiên cứu kỹ càng, đối chiếu với sử sách và được chú thích cặn kẽ để độc giả tiện tra cứu trong quá trình đọc.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu của học giả Pháp Gustave Dumoutier. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với mỗi biểu tượng, học giả Gustave Dumoutier đều cẩn thận đưa vào từ một đến hai hình ảnh kèm theo để lưu giữ lại hình ảnh của biểu tượng đó từ hàng trăm năm trước, giúp độc giả nhiều thế hệ, ở nhiều thời kỳ có sự so sánh đối chiếu với giai đoạn của mình.
Chia sẻ tại buổi ra mắt sách, nhà nghiên cứu văn hóa-Tiến sỹ Trần Trọng Dương cho hay thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng thiêng liêng của người Việt Nam, mang ý nghĩa “Uống nước nhớ nguồn,” gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp của con người. Mỗi gia đình Việt Nam, dù trong hoàn cảnh nào, đều dành một không gian trang nghiêm nhất trong nhà làm nơi thờ phụng ông bà.
Chính vì vậy, một cuốn sách ghi chép và nghiên cứu về tập tục thờ cúng cổ truyền như “Biểu tượng phù hiệu và đồ thờ của người An Nam” không chỉ là tài liệu quý giá về mặt học thuật, mà còn là chìa khóa giúp chúng ta mở ra cánh cửa để hiểu sâu sắc hơn về tâm hồn, tính cách và bản sắc của người Việt.

Cuốn sách còn đi sâu khám phá ý nghĩa tâm linh ẩn chứa đằng sau mỗi biểu tượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
“Cuốn sách của Gustave Dumoutier không chỉ mô tả chi tiết về hình dáng, nguồn gốc của các vật phẩm thờ cúng mà còn đi sâu khám phá ý nghĩa tâm linh ẩn chứa đằng sau mỗi biểu tượng,” Tiến sỹ Trần Trọng Dương nói.
Theo chuyên gia Trần Trọng Dương, giá trị của cuốn sách còn nằm ở hệ thống tư liệu hình ảnh minh họa phong phú, chi tiết về các món đồ thờ cúng của người Việt Nam cuối thế kỷ XIX, giúp các thế hệ sau có thể hình dung một cách cụ thể về đời sống tâm linh của người Việt hơn một thế kỷ trước. Những hình vẽ minh họa này là tài liệu lịch sử quan trọng trong việc nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng Việt Nam.
Sách do Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam ấn hành./.
Tác giả Gustave Dumoutier (1850-1904) từng học tại Hội Khảo cổ vùng Seine-et-Marne. Năm 1886, sau khi tham gia khóa học Việt ngữ và Hán ngữ tại Học viện Quốc gia về Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương, Dumoutier sang Đông Dương làm phiên dịch cho Paul Bert khi ấy là Tổng trú sứ Bắc và Trung kỳ.
Ông được xem là một trong những học giả am tường nhất về xứ Đông Dương, một người cộng sự của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp với những khảo cứu nổi trội về khảo cổ học, địa lý học lịch sử, dân tộc học và truyền thống dân gian.
Ông có nhiều tác phẩm khảo cứu giá trị và nổi tiếng, trong đó phải kể đến “Tang lễ của người An Nam.”