Hơn 70 năm về trước: Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô ở làng tôi

Như ta đã biết, Trung Quốc và Liên Xô là hai nước đầu tiên trên thế giới công nhận, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (Trung Quốc - 18/1/1950, Liên Xô - 30/1/1950). Liên Xô được coi là anh cả, Trung Quốc là anh hai trong đại gia đình các nước XHCN anh em.

Ảnh: Minh Chi

Ảnh: Minh Chi

71 năm về trước, ngày 18/1/1954, khi tôi 12 tuổi, Việt Nam đã khai mạc “Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô”, nhằm tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa Nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác. Từ đó ngày 18/1 hằng năm trở thành “Ngày Hữu nghị Việt - Trung - Xô”.

Với khí thế thi đua sôi nổi, dân làng tôi (Nguyệt Lãng, Thiệu Lý, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) háo hức bước vào thực hiện “Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô". Ba chiếc cổng chào tam quan hoành tráng, kết bằng lá dừa và lá móc, cắm cờ Việt - Trung - Xô, được dựng ở đầu làng, cuối làng và giữa làng. Tối tối thanh, thiếu niên tổ chức rước đuốc chào mừng sự kiện. Tay giương cao đuốc sáng, trên sáu chục thanh, thiếu niên, trong đó có tôi, đi cổ động từ đầu làng đến cuối làng, miệng hô vang những câu khẩu hiệu: “Nhiệt liệt chào mừng Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô”, “Hồ Chủ tịch muôn năm!”, “Đảng lao động Việt Nam muôn năm!”...

Cả làng, bất kể già trẻ gái trai, mọi người hăng hái tham gia tháng hữu nghị này. Hàng loạt bài hát, điệu múa tập thể đã được tập luyện dưới sự hướng dẫn của các cán bộ thanh niên. Tối đến, khắp xóm khắp làng rộn ràng lời ca tiếng hát, chỗ nào cũng thấy người ta tập múa, tập nhảy, cho cảm giác làng tôi là “một sân khấu đại cỡ”. Nhiều cụ tuổi cao sức yếu vẫn nhiệt tình tham gia. Nhảy mệt thì các cụ ngồi nghỉ, uống xong bát nước chè xanh các cụ lại “lao” vào tập tiếp. Tuổi cao chí càng cao, cụ nào cũng phấn đấu nhảy đúng và nhảy đẹp, để không thua kém con cháu. Và quả đúng như vậy, nhiều cụ nhảy đẹp chẳng thua kém gì thanh, thiếu niên chúng tôi, chân nhảy miệng các cụ hát to, cho dù miệng móm:

Thắm thiết tình Việt - Trung - Xô,

Đế quốc ngày càng thêm lo,

Đó là tình người lao động,

Mối tình tràn ngập núi sông,

Cố công xây đắp tình Việt - Trung - Xô!

Tôi vẫn còn nhớ, cố Bánh (làng tôi gọi cụ là cố), tóc trắng như bông, búi tó, rất chịu khó tập nhảy, không bỏ sót một buổi tập nào của đội phụ lão, và ai cũng khen cố nhảy khỏe và đẹp.

Đội thiếu nhi chúng tôi tập điệu múa có tiêu đề Thế giới mà vui:

Thế giới mà vui là nhờ có Liên Xô

Thế giới nở hoa là nhờ có Liên Xô

Liên Xô phất cờ hồng là đế quốc chết hết

Liên Xô phất cờ hồng toàn thế giới bước theo

Trung Hoa nhịp bước

Kiến thiết Triều Tiên

Quân với dân một lòng vùng dậy

đấu tranh theo cờ Liên Xô.

Đội thiếu nhi xóm tôi, trong đó có tôi, xếp thành hàng hai, năm đôi nam nữ, hăng say luyện tập điệu múa này, dưới sự hướng dẫn của chị Mai, phụ trách đội, thiếu nữ xinh nhất làng. Chiều nào cũng vậy, cứ ăn cơm xong là chúng tôi lại háo hức rủ nhau đi tập múa, tập hát. Vui đáo để.

Ca khúc Mùa hoa nở (sau này tôi được biết nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác bài này, năm 1951), một ca khúc đầy lạc quan, tin tưởng, là ca khúc được chúng tôi ưa chuộng, hát đi hát lại rất nhiều lần:

Dân Liên Xô vui hát trên đồng hoa

Đây bao la hương sắc hoa chan hòa

Hoa ươm trong mùa xuân nhân loại

Hoa ươm trong lòng người công nhân

Gió đưa hoa về ngập miền dân chủ

Cánh hoa muôn màu đẹp đời tự do

Kia Đông Âu ai hát trong rừng hoa

Đây Trung Hoa ươm luống hoa muôn màu

Hoa lan sang Triều Tiên thắng lợi

Hoa lan trên đồng Việt Nam ta

Đó đây vang lời chặn tay quân thù

Sớm mai thanh bình còn nhiều đồng hoa.

Sân đình là nơi diễn ra các hoạt động “Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô” của làng tôi, được khai mào bằng cuộc mít tinh trọng thể. Đây thật sự là ngày hội lớn của làng, trẻ con người lớn tụ tập chật kín sân đình.Tất cả các bài hát, điệu múa đã được tập luyện công phu đều được trình diễn, thi thố ở đây theo đơn vị xóm. Các cụ thi với các cụ, trung niên thi với trung niên, thanh niên thi với thanh niên và thiếu nhi thi với thiếu nhi. Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt, hoan hô các cụ phụ lão chân đi guốc mộc, múa dẻo, múa đẹp, mặt tươi như hoa. Cả làng tấm tắc khen điệu múa “Thế giới mà vui” của đội thiếu nhi chúng tôi - múa đẹp, đều tăm tắp, hát cực hay. Đội đồng ca thanh niên cất cao giọng hát: “Thắm thiết tình Việt - Trung - Xô...” khiến cho không khí buổi lễ càng đậm tình hữu nghị. Đặc biệt, cả làng, già trẻ gái trai cực thích ca khúc “Mùa hoa nở” do đội đồng ca trung niên trình bày, với câu kết đầy lạc quan tin tưởng vào ngày mai:

...Hoa lan trên đồng Việt Nam ta

Đó đây vang lời chặn tay quân thù

Sớm mai thanh bình còn nhiều đồng hoa.

“Con gà tức nhau tiếng gáy”, đội nào cũng hăng say thi thố tài năng, hát hay và múa đẹp, cho dù bụng đói, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng phen này “xóm ta quyết giật giải”.

“Tháng Hữu nghị Việt - Trung - Xô” hồi đó đã mang lại cho làng tôi một bầu không khí tươi mới, lạc quan, cả làng cùng hát, cả làng cùng múa, cả làng cùng vui như tết, đặc biệt các cụ già càng thêm yêu đời, thấy mình như trẻ lại, khỏe ra. Từ đó, dân làng tôi càng thêm yêu, thêm quý Liên Xô, Trung Quốc, càng thêm thán phục, càng thêm tin tưởng vào Liên Xô, Trung Quốc. Nếu tôi không nhầm thì cho đến nay, có lẽ đó là lần duy nhất các cụ già làng tôi tham gia múa hát tập thể đông đảo, tham gia một cách tự nguyện, cực kỳ hăng hái và hoàn toàn vô tư.

Đã trên 70 năm trôi qua với bao thăng trầm, tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô ngày ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm đẹp, không bao giờ phai mờ.

Lê Bá Thự (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hon-70-nam-ve-truoc-thang-huu-nghi-viet-trung-xo-o-lang-toi-35697.htm
Zalo