Buồn, vui trong nghề múa rối nước

Nghệ thuật múa rối nước từ ngàn xưa đã trở thành di sản văn hóa dân tộc, vừa mang đến những màn biểu diễn thú vị, vừa là phương tiện để truyền tải những câu chuyện, huyền tích với sự tài hoa và sáng tạo không ngừng của các nghệ sĩ. Trong nhịp sống hiện đại, rối nước đang phát triển ở mức nào, có hòa nhịp, đáp ứng nhu cầu của công chúng hay không... là trăn trở thường trực.

Nghệ thuật rối nước vẫn bắt nhịp vào đời sống đương đại.

Nghệ thuật rối nước vẫn bắt nhịp vào đời sống đương đại.

Nghệ thuật múa rối nước có những đặc điểm riêng biệt, khác với múa rối thông thường. Trong khi các loại rối khác chủ yếu được biểu diễn trên cạn, thì rối nước lại sử dụng mặt nước làm sân khấu chính. Sân khấu này được gọi là thủy đình, dựng lên giữa ao, hồ, với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của làng Việt.

Vẻ đẹp nên thơ của thủy đình.

Vẻ đẹp nên thơ của thủy đình.

Phía sau sân khấu luôn có phông che tạo ra không gian riêng biệt cho các nghệ sĩ điều khiển con rối để khán giả có cảm giác những con rối đang hoạt động một cách độc lập, tự nhiên trên mặt nước. Sân khấu rối nước được trang trí bằng những chi tiết tượng trưng, ấn tượng, như: cờ, quạt, lọng, voi, và cổng hàng mã, mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian Việt Nam.

Mùa xuân, những cơn mưa phùn nhẹ nhàng vương vấn khắp không gian, mang đến một cảm giác dịu dàng mà tĩnh lặng. Chúng tôi ghé thăm Nhà hát Múa rối Việt Nam - cái nôi của múa rối, mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thế Khiển, Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thế Khiển, Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Việt Nam.

Ngoài phố vội vã tấp nập, nhưng khi bước qua cánh cổng nhà hát, chúng tôi như lạc vào một thế giới khác. Thủy đình tĩnh mịch, lặng lẽ soi bóng dưới làn nước trong vắt. Không gian yên tĩnh, huyền bí, như thể thời gian cũng ngưng đọng trong vẻ đẹp cổ kính của nơi này.

Cách đó không xa là xưởng rối, vẫn vang lên tiếng lách cách đẽo gọt. Và ở trong xưởng chỉ có Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thế Khiển đang cặm cụi, miệt mài. Người "trong nhà" đã quen với hình ảnh ấy, bởi bao năm tháng qua, công việc của anh là thế, lúc không có vở diễn, lấy xưởng làm nhà. Những lúc cao điểm với vở diễn, ăn, ngủ tại xưởng là bình thường.

Các nhân vật rối rất sinh động, có hồn...

Các nhân vật rối rất sinh động, có hồn...

Những con rối nước ngày xưa chủ yếu làm từ các loại gỗ nhẹ, giúp dễ dàng nổi trên mặt nước và hoạt động. Sau khi được đục cốt, đẽo và gọt giũa với những đường nét cách điệu riêng, mỗi con rối sẽ được trang trí bằng các mầu sơn tươi tắn, mang đến nét đặc trưng riêng biệt cho từng nhân vật.

Phần thân rối nổi trên mặt nước, thể hiện nhân vật, còn phần đế chìm dưới nước giữ thăng bằng, dưới sự điều khiển của nghệ sĩ, sẽ giúp nhân vật có thể chuyển động, tạo nên những động tác, hành động đặc sắc.

Nghệ thuật múa rối đòi hỏi tính tập thể, gắn kết rất cao.

Nghệ thuật múa rối đòi hỏi tính tập thể, gắn kết rất cao.

Nghệ sĩ rối nước thao tác với những cây sào, dây thừng, và các hệ thống dây bố trí bên ngoài hoặc dưới nước. Để tạo ra những màn biểu diễn hấp dẫn, họ không chỉ sử dụng thành thạo các công cụ điều khiển mà còn phải có kỹ năng và sự nhạy bén trong việc phối hợp với âm nhạc, nhịp điệu và các yếu tố khác trên sân khấu.

Múa rối đòi hỏi cao ở yếu tố tập thể. Một vai chính có khi cần tới 3- 4 người. Có vai chính, vai phụ nhưng diễn viên chính, diễn viên phụ lại rất khó phân định, đánh giá. Người này hết vai vẫn phải hỗ trợ người khác. Môi trường đòi hỏi nghệ sĩ phải vượt qua được đời sống bình thường để không ảnh hưởng tới sân khấu, để chung nhịp thở cùng nhau; đòi hỏi lãnh đạo cố gắng tạo được không gian cho nghệ sĩ cống hiến, đặt đạo đức nghề nghiệp lên cao.

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam

Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam cho biết: Múa rối đòi hỏi cao ở yếu tố tập thể. Một vai chính có khi cần tới 3- 4 người. Có vai chính, vai phụ nhưng diễn viên chính, diễn viên phụ lại rất khó phân định, đánh giá. Người này hết vai vẫn phải hỗ trợ người khác. Môi trường đòi hỏi nghệ sĩ phải vượt qua được đời sống bình thường để không ảnh hưởng tới sân khấu, để chung nhịp thở cùng nhau; đòi hỏi lãnh đạo cố gắng tạo được không gian cho nghệ sĩ cống hiến, đặt đạo đức nghề nghiệp lên cao.

Trong kho tàng trò rối nước của Việt Nam, có khoảng 30 tiết mục cổ truyền và hàng trăm tiết mục hiện đại, kể về những sự tích dân gian, cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam và những truyền thuyết nổi tiếng, như: Thạch Sanh, Tấm Cám, hay các lễ hội, sinh hoạt đời thường như công việc nhà nông, câu ếch, cáo bắt vịt, múa rồng, múa sư tử, đấu vật, đánh võ, chọi trâu…

Các sân khấu của Nhà hát Múa rối Việt Nam đều thu hút khán giả.

Các sân khấu của Nhà hát Múa rối Việt Nam đều thu hút khán giả.

Với kho tàng phong phú ấy, nghề làm rối nước không chỉ đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo mà còn cần sự đam mê, nhiệt huyết và tình yêu đối với văn hóa dân gian. Những nghệ nhân phải chịu áp lực công việc nặng nhọc, từ việc tìm kiếm chất liệu phù hợp đến việc thao tác con rối sao cho có hồn.

Nhờ sự nỗ lực và đổi mới không ngừng của đội ngũ nghệ sĩ, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Tính từ giữa 2024 đến nay, nhà hát diễn gần 800 buổi tại Nhà hát À Ơi ở thị trấn Hoàng Hôn (Phú Quốc); lưu diễn nước ngoài 23 buổi; biểu diễn tại Hà Nội và các tỉnh hơn 700 buổi; phục vụ khách hằng ngày vẫn duy trì ở thị trấn Hoàng Hôn và không gian văn hóa Việt ở Hoàn Kiếm, Hà Nội. Về hợp tác quốc tế, nhà hát đã tiếp cận hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nơi đã tạo được thị trường như Nhật Bản.

Các nghệ sĩ hay nói vui: Nghề chọn người. Quả thế, với những người đã chọn nghề này, niềm vui lớn nhất chính là khi nhìn thấy những con rối do mình tạo ra biểu diễn thành công trên sân khấu, mang lại những phút giây vui vẻ cho khán giả.

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thế Khiển vốn không phải một họa sĩ chuyên tạo hình hay người có xuất phát điểm từ nghề chế tác rối, nhưng niềm đam mê nghệ thuật đã giúp anh vượt qua mọi khó khăn để theo đuổi con đường này. Tốt nghiệp ngành Diễn viên Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1999, cơ duyên tình cờ đưa anh tới nghề rối.

Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam được thể hiện sinh động với rối nước.

Bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam được thể hiện sinh động với rối nước.

Với sự nhẫn nại, đam mê, Vũ Thế Khiển dành thời gian tìm tòi, tự học hỏi về các loại rối và phương pháp chế tác để rồi sau những con rối đầu tiên vào khoảng năm 2004, anh đặt trọn tâm huyết vào việc sáng tạo.

Chia sẻ về nghề, Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thế Khiển tâm sự, anh cũng như nhiều người làm nghề khác, gặp không ít khó khăn khi bước vào lĩnh vực chế tác rối. Anh lại vốn không phải là một họa sĩ chuyên nghiệp, không có nền tảng vững chắc về tạo hình nên càng vất vả hơn trong cách làm sao để những con rối có thể cử động một cách linh hoạt, tự nhiên và sáng tạo nhất.

Rối nước bây giờ đã được "mở" rất nhiều khớp, có thể chớp mắt, cử động ngón tay, vươn cổ...

Rối nước bây giờ đã được "mở" rất nhiều khớp, có thể chớp mắt, cử động ngón tay, vươn cổ...

Bây giờ, thay vì chất liệu gỗ, anh đã thử nghiệm ứng dụng thành công chất liệu cao su xốp. Việc sử dụng cao su xốp không chỉ giúp cho các con rối nhẹ hơn, bền bỉ hơn mà còn cho phép các con rối có thể cử động nhiều khớp hơn, tạo ra những động tác sống động, mang đến những trải nghiệm thú vị cho người xem.

Nghệ thuật rối không chỉ đơn giản là việc tạo ra những con rối mà còn là quá trình khắc họa hình ảnh nhân vật, đưa linh hồn vào từng động tác của con rối. Chúng tôi luôn chú trọng đến việc xây dựng các nhân vật rối sao cho có hồn.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thế Khiển, Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Việt Nam

Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Thế Khiển cho biết: Nghệ thuật rối không chỉ đơn giản là việc tạo ra những con rối mà còn là quá trình khắc họa hình ảnh nhân vật, đưa linh hồn vào từng động tác của con rối. Chúng tôi luôn chú trọng đến việc xây dựng các nhân vật rối sao cho có hồn.

"Mỗi nhân vật rối đều có một câu chuyện riêng, một số phận mà nó phải thể hiện, vì vậy việc tạo hình cho mỗi con rối phải được thực hiện rất tỉ mỉ và cẩn thận. Các chi tiết trên khuôn mặt, hình dáng, ánh mắt, miệng, và động tác của rối phải phản ánh đúng tinh thần và tính cách của nhân vật trong vở diễn", Trưởng phòng Nghệ thuật, Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ.

Sân khấu ở Phú Quốc của Nhà hát Múa rối Việt Nam thu hút hàng nghìn khán giả trong nước và quốc tế mỗi buổi biểu diễn.

Sân khấu ở Phú Quốc của Nhà hát Múa rối Việt Nam thu hút hàng nghìn khán giả trong nước và quốc tế mỗi buổi biểu diễn.

Công việc chế tác rối không chỉ đòi hỏi kỹ năng mà còn là một quá trình sáng tạo không ngừng. Những người làm rối như Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thế Khiển luôn nỗ lực sáng tạo, và niềm hy sinh cũng lặng lẽ. Một tác phẩm gần đây, anh đã sử dụng các mảnh thổ cẩm nguyên bản để làm cho các con rối của mình thêm phần sinh động và độc đáo. Từng chi tiết nhỏ như vậy vừa mang đến sự mới mẻ, vừa giữ gìn được yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc.

Tạo hình trong "Dế Mèn phiêu lưu ký" được thiếu nhi yêu thích.

Tạo hình trong "Dế Mèn phiêu lưu ký" được thiếu nhi yêu thích.

Không khí đang trầm lặng, nhắc tới múa rối thì ánh mắt người nghệ sĩ bỗng bừng sáng. Với anh, mỗi vở diễn đều mang một sắc thái, phong cách và cảm xúc riêng biệt, từ những trò rối nước truyền thống đến những tác phẩm sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân.

Anh không tính nổi đã làm bao nhiêu con rối, đã tham gia vào bao nhiêu vở diễn. Anh cũng nhấn mạnh: Các nghệ sĩ khác đều như thế. Ở Nhà hát Múa rối Việt Nam, trong quá trình làm việc, các nghệ sĩ luôn tương tác trực tiếp, bàn bạc và thay đổi những động tác chưa ưng ý ngay trên sân khấu để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Những tác phẩm này không chỉ gây ấn tượng mạnh mẽ đối với khán giả trong nước mà còn được giới thiệu tại nhiều quốc gia, đưa nghệ thuật rối Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa tham gia biểu diễn, trưng bày tích cực tại triển lãm quốc phòng quốc tế việt nam 2024.

Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa tham gia biểu diễn, trưng bày tích cực tại triển lãm quốc phòng quốc tế việt nam 2024.

Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thế Khiển cho rằng, để làm nghệ thuật rối, ngoài kỹ năng chế tác, một nghệ sĩ cần phải có cái nhìn sâu sắc về tâm lý nhân vật và sự hiểu biết về kịch bản. Quá trình tạo hình, nghiên cứu chất liệu, động tác diễn viên là một quá trình tự học và tìm tòi không ngừng. Anh may mắn có cơ hội học hỏi trực tiếp từ Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, cũng là người đã truyền cảm hứng, giúp anh có thêm nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Bận rộn với vai trò lãnh đạo nhà hát, năm 2024 Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng vẫn dựng 6 vở rối… Ông khẳng định: "Có đảm đương việc gì thì vẫn là người làm nghề, và tôi cố gắng hài hòa. Thi thoảng, tôi vẫn dựng vở, tranh thủ vào cuối tuần. Việc quản lý rồi sẽ đến lúc nghỉ, nghề thì tới hơi thở cuối cùng. Nghề nghiệp tiếp thêm cho tôi cảm hứng, động lực để làm quản lý".

Không đam mê, các nghệ sĩ sẽ rất khó vượt qua thử thách.

Không đam mê, các nghệ sĩ sẽ rất khó vượt qua thử thách.

Nghề rối mang lại niềm vui, sự thỏa mãn sáng tạo, nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách. Một con rối có thể phải trải qua hàng nghìn nhát dao, từng chi tiết trên khuôn mặt, động tác của nó phải được chăm chút cẩn thận. Không kể hết được chuỗi ngày nghệ sĩ làm việc vất vả, có khi suốt đêm không nghỉ, chỉ với mục đích duy nhất là mang đến những tác phẩm hoàn hảo nhất.

Ở các vị trí khác của múa rối nước, cũng đòi hỏi sự hy sinh, nhiều khi đến nghiệt ngã. Có những thời điểm, Nhà hát Múa rối Việt Nam đã cạn kiệt thế hệ kế cận và phải nỗ lực tự tuyển chọn, đào tạo các nghệ sĩ trẻ. Thù lao cho nghề rối vẫn còn eo hẹp, nhiều vị trí không thể phân tách rõ ràng... Dù vậy, với nghệ sĩ có đam mê, niềm vui lớn nhất là khi tác phẩm được khán giả đón nhận, khi nghệ thuật dân tộc trở thành một phần không thể thiếu trong trái tim đầy thổn thức.

Về những khó khăn, thử thách trong nghề, nhất là việc hòa nhịp vào đời sống đương đại, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam khẳng định: "Nếu biết cách, quyết tâm, đều có thể giải quyết được. Nhà hát có đội ngũ nghệ sĩ lành nghề, yêu nghề, chuyên nghiệp là yếu tố giúp vượt khó. Nhưng khó nhất là vượt qua chính mình, vượt qua tư duy cũ để đến với một tư duy mới, tìm thêm những lối đi, nâng tầm nghệ thuật lên, theo xu thế mà bản sắc không đánh mất. Từ bề dày thế hệ trước để lại, mắt xích hôm nay phải tạo đà bước đường tiếp theo".

Mai Lữ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/buon-vui-trong-nghe-mua-roi-nuoc-post861098.html
Zalo