Hội viên, nông dân đánh giá cao hiệu quả mô hình IMO được triển khai tại địa phương
Sáng ngày 14/2, Hội Nông dân tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “Nông dân Đồng Tháp tái sử dụng rác thải sinh hoạt hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” trên địa bàn tỉnh năm 2024 (viết tắt là mô hình IMO).
Đồng chí Võ Chí Hữu - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Chuyên gia Hoàng Sơn Công - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam đến dự.
![Quang cảnh hội nghị](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_424_51475564/bc1d087d3a33d36d8a22.jpg)
Quang cảnh hội nghị
Theo Hội Nông dân tỉnh, từ hiệu quả của mô hình IMO được thực hiện thí điểm tại huyện Châu Thành vào năm 2023, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đề nghị Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh cấp hỗ trợ kinh phí để nhân rộng mô hình tại 4 huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười trong năm 2024.
Tại các huyện nói trên đã tổ chức nhiều đợt tập huấn trực tiếp cho 720 lượt hội viên nông dân, từ đó các thành viên được tập huấn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn 1.140 hộ áp dụng làm chế phẩm men vi sinh IMO, làm được 19.550 lít men vi sinh IMO nước và 23.155kg men vi sinh IMO khô. Ngoài ra, có 317 hộ hội viên nông dân áp dụng làm 7.700kg phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp (rơm rạ, lục bình…), vận động 11.337 hộ hội viên nông dân tại 56 xã tham gia thực hiện mô hình thu gom và phân loại rác tại hộ gia đình.
![Nông dân áp dụng men vi sinh IMO nước khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi gia súc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_424_51475564/e5065b6669288076d939.jpg)
Nông dân áp dụng men vi sinh IMO nước khử mùi hôi chuồng trại chăn nuôi gia súc
Số men vi sinh IMO nước và men vi sinh IMO khô được sử dụng xử lý mùi hôi không khí trong nhà vệ sinh tại 110 trường học, xử lý mùi hôi tại 12 chợ và 3 điểm bãi rác công cộng. Đồng thời áp dụng trong sản xuất rau, cây ăn trái (xoài, mít, nhãn, sầu riêng), vườn cây dược liệu… của hội viên, nông dân bước đầu mang lại kết quả thiết thực, nhất là hội viên, nông dân đánh giá cao hiệu quả mô hình IMO khi triển khai tại địa phương. Đặc biệt, sau khi học tập kinh nghiệm và nhận thấy mô hình IMO phát huy hiệu quả tại huyện Châu Thành, Hội Nông dân TP Cao Lãnh và Hội Nông dân huyện Cao Lãnh phối hợp ngành hữu quan tổ chức các tập huấn, vận động hội viên, nông dân áp dụng mô hình IMO trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
![Hội viên nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành sử dụng phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp bón cho cây ăn trái của gia đình](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_424_51475564/a6966cf65eb8b7e6eea9.jpg)
Hội viên nông dân xã An Nhơn, huyện Châu Thành sử dụng phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp bón cho cây ăn trái của gia đình
Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tiếp tục tuyên truyền vận động, hỗ trợ hướng dẫn hội viên, nông dân triển khai mô hình IMO nhằm thực hiện 3 mục tiêu chính: giúp hội viên nông dân và người nông dân sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn; xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường; tạo đầu ra nông sản từ sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ liên quan đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.