Hạnh phúc là cho đi

Nhằm góp phần xoa dịu 'nỗi đau' của những số phận kém may mắn, nhiều việc làm thiện nguyện từ trái tim, lòng nhân ái của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang nhân lên những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Chị Nguyễn Thị Nhàn phát quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh.

Chị Nguyễn Thị Nhàn phát quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Phúc Thịnh.

Thương cảm trước hoàn cảnh của những đứa trẻ bị bỏ rơi, nhiều năm qua, gia đình anh Nguyễn Văn Chung - thủ nhang đền Hàn Sơn và đền Cô Bơ, xã Hà Sơn (Hà Trung) đã nhận nuôi dưỡng, chăm sóc các em. Dẫn chúng tôi đi thăm chỗ ăn, ngủ, vui chơi của các em, anh Chung kể về hoàn cảnh, số phận khác nhau của từng bé. Đó là bé Kim Chi, bé Ngọc Diệp, bé Quang Huy... đều ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi. Các bé đều được người thân đặt trước cửa nhà hoặc tại trang trại nông nghiệp cao của gia đình anh Chung với dòng chữ nhắn gửi: “Cậu chăm sóc bé hộ con, con cảm ơn cậu. Vì hoàn cảnh khó khăn, con không thể chăm sóc cháu, nhờ cậu chăm sóc giúp con”.

Như một sự hữu duyên với tấm lòng nhân ái bao la, từ việc nhận nuôi 2 con, rồi lại thêm những đứa trẻ thứ 3, thứ 4... bị bỏ rơi được nhiều người mẹ gửi gắm đặt trước cửa gia đình anh Chung. Để giúp các bé có cuộc sống tốt đẹp cũng như đảm bảo tính pháp lý, gia đình anh đã đăng ký và được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép thành lập Trung tâm mái ấm tình thương Chung Thủy vào tháng 2/2024.

“Các cháu đến với gia đình tôi như một cơ duyên. Có lẽ vì hoàn cảnh bất đắc dĩ nào đó những người làm cha, làm mẹ mới dứt ruột, gửi gắm con mình cho vợ chồng tôi. Nuôi các bé từ khi mới lọt lòng, thường xuyên chơi đùa và lo lắng thức trắng đêm khi các bé ốm đi viện, đó như sợi dây gắn kết, khiến tình cảm của vợ chồng tôi với các bé cứ lớn dần theo năm tháng” - anh Chung tâm sự.

Hiện nay, Trung tâm mái ấm tình thương Chung Thủy đang nuôi dưỡng, chăm sóc 8 trẻ. Phần lớn các em đều nhanh nhẹn, thông minh. Tuy nhiên, có em Nguyễn Kim Chi là kém may mắn hơn cả, khi bị bệnh tự kỷ, vì vậy việc chăm sóc, nuôi dưỡng em gặp nhiều khó khăn.

“Không được sống trong tình yêu thương đủ đầy của bố mẹ như bao đứa trẻ khác là thiệt thòi lớn với các bé. Bởi vậy, khi nhận nuôi, vợ chồng tôi luôn xác định, bằng nguồn lực của gia đình tạo mọi điều kiện tốt nhất để chăm sóc các con và lo cho các con có được cuộc sống đủ đầy nhất, chứ không kêu gọi bất kỳ cá nhân, tổ chức nào ủng hộ. Mong ước sau này các con sẽ luôn cố gắng, nỗ lực để trở thành người có ích cho xã hội” - anh Chung trải lòng.

Cũng là người tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, nhiều năm qua chị Nguyễn Thị Nhàn, phố Lê Quý Đôn, phường Ba Đình (TP Thanh Hóa) luôn đồng hành với những mảnh đời kém may mắn. Có lẽ nhiều bệnh nhân ở Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã quen thuộc với hình ảnh chị Nhàn cùng các thành viên trong Nhóm thiện nguyện T&H. Bởi nhiều năm qua, vào các ngày thứ 2, thứ 3, thứ 4 hằng tuần, Nhóm thiện nguyện T&H tổ chức phát cháo, bánh bao, sữa miễn phí cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Được biết, chị là một trong những thành viên đầu tiên đã “khởi xướng” thành lập các nồi cháo từ thiện tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Ý tưởng đó được xuất phát từ những năm chị nằm điều trị bệnh tại các bệnh viện tuyến Trung ương, sau khi được nhận những suất cháo từ thiện, chị vô cùng xúc động. Từ đó, chị luôn nung nấu ý tưởng khi khỏe mạnh về nhà sẽ thực hiện công việc này và được nhiều người bạn đồng thuận cùng chung tay, giúp sức.

“Trước kia cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, vì vậy bản thân tôi luôn thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà họ phải trải qua. Khi cuộc sống gia đình ổn định hơn, tôi mong muốn góp một phần công sức để động viên giúp họ luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống” - chị Nhàn cho biết.

Với suy nghĩ trên, chị Nhàn luôn tích cực, đồng hành với nhiều mảnh đời kém may mắn. Cụ thể, đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chị cũng tự bỏ tiền gia đình và kêu gọi người thân để đóng góp một phần viện phí, giúp cho người nhà bệnh nhân vơi bớt khó khăn. Đây cũng là việc làm thường xuyên của chị trong nhiều năm qua tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Phúc Thịnh... với số tiền hàng trăm triệu đồng. Cùng với đó, gia đình chị Nhàn cũng nhận đỡ đầu 6 cháu có hoàn cảnh khó khăn, để giúp các cháu nỗ lực vươn lên trong học tập với số tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng/cháu/tháng.

Những việc làm của anh Nguyễn Văn Chung, chị Nguyễn Thị Nhàn và rất nhiều những tấm lòng thiện nguyện khác đều xuất phát từ tấm lòng nhân ái, trái tim hết lòng vì người khác. Những việc làm của họ đã và đang truyền cảm hứng cho cộng đồng để cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: Trung Hiếu

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/hanh-phuc-la-cho-di-239778.htm
Zalo