Hàng rào thuế quan của Mỹ thúc đẩy 'tam giác thương mại' Trung - Ấn - ASEAN: Nhiều cơ hội cho Việt Nam
Đánh giá rủi ro Việt Nam bị áp thuế nhập khẩu vào Mỹ là hiện hữu, tuy nhiên SGICapital dự báo xuất khẩu Việt Nam có thể tìm thấy nhiều cơ hội với xu hướng phát triển thương mại mới là sự tăng trưởng nhanh chóng của 'tam giác thương mại' Trung - Ấn - ASEAN.
Khả năng tân Tổng thống Donald Trump áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sau khi chính thức nhậm chức đã trở thành tâm điểm thị trường tài chính thế giới trong tháng qua. Một trong những trọng tâm chính sách thời Trump 2.0 là sắp xếp lại hoạt động thương mại và sản xuất toàn cầu bởi ông Trump cho rằng nhiều quốc gia đã được đặc quyền tiếp cận và hưởng lợi lớn từ người tiêu dùng Mỹ mà không đền đáp lại cho nước Mỹ tương xứng.
Đến thời điểm hiện tại, hàng hóa từ Trung Quốc đã bị áp thêm 10% thuế quan, trong khi các quốc gia xuất khẩu nhiều vào Mỹ là Canada và Mexico được tạm hoãn mức áp thuế 25% một tháng để đàm phán.
Theo nhận định của các chuyên gia SGICapital trong báo cáo thị trường mới nhất, mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Mỹ Donald Trump là giảm thâm hụt ngân sách, thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Để đạt được ba mục tiêu này, nhiều khả năng tất cả các hàng nhập khẩu vào Mỹ đều sẽ chịu một mức thuế, cao hay thấp phụ thuộc vào tương quan lợi ích và khả năng đàm phán của mỗi quốc gia.
Trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia luôn duy trì thâm hụt thương mại tương đối lớn với Mỹ (thâm hụt lớn thứ tư với Mỹ lên tới 123 tỷ USD vào năm 2024 và liên tục có xu hướng tăng).
“Là nước xuất siêu lớn thứ 3 vào Mỹ và liên tục gia tăng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ Trump 1.0, Việt Nam sẽ khó tránh khỏi việc bị áp thuế”, SGICapital cảnh báo. Trong khi đó, nước ta là nền kinh tế có độ mở cao, đứng đầu về mức độ phụ thuộc vào xuất khẩu, với Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu. Do vậy, các thay đổi trong chính sách thuế của Mỹ chắc chắn sẽ có tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp.
Bên cạnh tác động trực tiếp, thuế quan của ông Trump cũng đang tác động gián tiếp gây ra xu hướng chuyển dịch dòng vốn, khiến Việt Nam và hầu hết các thị trường mới nổi khác chịu áp lực rút vốn trong tháng qua.
Cụ thể, kỳ vọng lạm phát tăng do lo ngại thuế quan kết hợp với thị trường việc làm mạnh mẽ của Mỹ trong tháng trước đang khiến cho các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (FED) tạm hài lòng với mức lãi suất hiện tại và vẫn kéo dài thắt chặt định lượng (QT). Trong khi đó, nhu cầu đảo nợ và phát hành nợ mới kỷ lục của chính phủ Mỹ năm nay cũng khiến lãi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục neo cao năm thứ 3 liên tiếp. “Mức lãi suất phi rủi ro của thị trường toàn cầu này neo ở trên 4% kéo dài sẽ làm tăng áp lực tài chính lên người tiêu dùng, các doanh nghiệp Mỹ và toàn cầu. Sự liên thông và xu hướng chuyển dịch dòng vốn chảy về nơi lợi tức cao và rủi ro thấp”, phân tích cho hay.
Tuy vậy, ở một khía cạnh khác, nhiều dự báo cũng cho rằng việc Mỹ dựng lên hàng rào thuế quan có thể khiến phần còn lại của thế giới tăng cường giao thương hợp tác mà trong đó Trung Quốc sẽ là hạt nhân.
“Nền kinh tế Trung Quốc dù gặp nhiều hạn chế mang tính cấu trúc về động lực tăng trưởng truyền thống nhưng có thể không giảm mạnh hay đổ vỡ nhờ đầu tư vào công nghệ đang hỗ trợ tốt cho quá trình chuyển đổi. Sự nổi lên của DeepSeek gần đây cho thấy Trung Quốc đang không chỉ xuất khẩu hàng hóa, vốn và hạ tầng ra thế giới mà còn đang dẫn đầu ở cả công nghệ”, theo các chuyên gia SGICapital.
Hãng tư vấn BCG mới đây dự báo thương mại giữa Trung Quốc, ASEAN, Ấn Độ sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 5 năm tới. Trong bối cảnh đó, báo cáo của SGICapital nhận định xuất khẩu Việt Nam có thể tìm thấy nhiều cơ hội với xu hướng phát triển thương mại mới này thay vì quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Ở một góc nhìn khác, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) trong báo cáo tháng 2/2025 nhận định mặc dù Việt Nam có thâm hụt thương mại tương đối lớn với Mỹ trong những năm gần đây nhưng giai đoạn hiện tại của cuộc xung đột dường như có tác động khá hạn chế đến Việt Nam. Điều này một phần là do Mỹ đang tập trung sự chú ý vào các đối tác thương mại lân cận (Mexico, Canada và EU) cùng với đối thủ truyền thống là Trung Quốc.
Mặt khác, cán cân thương mại Mỹ - Việt Nam phản ánh một thực tế sâu xa hơn về chuỗi cung ứng toàn cầu, nơi thâm hụt thương mại hiện tại chủ yếu bắt nguồn từ xuất khẩu linh kiện điện tử, dệt may và giày dép từ khu vực FDI - các doanh nghiệp đang tận dụng lợi thế chi phí lao động cạnh tranh và chính sách đầu tư nước ngoài thuận lợi của Việt Nam, đồng thời thực hiện chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng "Trung Quốc + 1".
Dù vậy, các chuyên gia MAS cảnh báo Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn từ việc thực thi các quy tắc xuất xứ “rules-of-origin” đối với hàng hóa chuyển tải. Ngoài ra, nguy cơ một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ góp phần làm gia tăng áp lực lạm phát đối với hoạt động tiêu dùng nội địa của Mỹ, làm chậm lộ trình giảm lãi suất của FED; qua đó tác động gián tiếp đến tỷ giá và môi trường lãi suất của Việt Nam.