Hà Nội thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030
Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành Kế hoạch số 42/KH-UBND về việc thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy (PCCC) thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP.
![Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_72_51482245/0198ae6d9d23747d2d32.jpg)
Ảnh minh họa
Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, hành động và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Xác định nhiệm vụ, giải pháp, danh mục các dự án cụ thể, triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp đặc điểm, tình hình Thủ đô; xác định phương thức, nguồn lực, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Qua đó, lồng ghép việc triển khai thực hiện quy hoạch hạ tầng về PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong việc thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và "Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Nhiệm vụ trọng tâm gồm: Thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật, báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy chữa cháy định kỳ theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền; Hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy chữa cháy; Phát triển hạ tầng phòng cháy chữa cháy.
Giải pháp thực hiện gồm: Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng; Phát triển nguồn nhân lực; Phát triển khoa học và công nghệ; Bảo đảm nguồn lực tài chính.
UBND TP. Hà Nội giao Công an TP. Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này.
UBND TP. Hà Nội yêu cầu việc triển khai thực hiện phải bám sát theo mục tiêu, yêu cầu và định hướng Quy hoạch hạ tầng PCCC và quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, đảm bảo tính tuân thủ, tính kế thừa các chương trình, kế hoạch thực hiện quy hoạch trên địa bàn TP, kế hoạch đầu tư công đã được phê duyệt; đảm bảo tính liên kết, thống nhất, tính khả thi, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện, không chồng lấn, mâu thuẫn giữa các nhiệm vụ, chương trình, dự án của các ngành, lĩnh vực, địa phương; không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong triển khai thực hiện.
Huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng về PCCC; phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với khả năng huy động nguồn vốn, kết hợp hài hòa giữa các nguồn lực, đầu tư công tập trung cho các dự án quan trọng của TP, ưu tiên đầu tư. Đề cao tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các đơn vị, địa phương trong triển khai thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát ở các cấp.