Bảo đảm cơ chế giám sát, tránh ủy quyền tùy tiện

Thảo luận tại hội trường sáng 15.2 về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định về đẩy mạnh phân quyền, phân cấp, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương theo nguyên tắc 'địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm', bảo đảm cơ chế giám sát, tránh tình trạng ủy quyền tùy tiện, chủ quan, qua đó nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Phân định rõ hơn các chế định về phân cấp, phân quyền

Đánh giá cao dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tập trung giải quyết một số vấn đề quan trọng về các chế định phân cấp, phân quyền và ủy quyền, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng nêu thực tế vừa qua, việc thực hiện các chế định về phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa thực sự bảo đảm nguyên tắc “chính quyền địa phương cấp nào giải quyết sát thực tiễn hiệu quả hơn thì giao cho chính quyền địa phương cấp đó thực hiện”; chưa thể hiện rõ quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

 ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng theo đại biểu Nguyễn Tạo, các quy định hiện hành chưa phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương từng cấp, còn tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cấp chính quyền; chưa bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật về phân định thẩm quyền. Từ thực tiễn này, đại biểu đề nghị, nghiên cứu rà soát các điều khoản chuyển tiếp có liên quan như Điều 33 Luật Tổ chức Chính phủ và Điều 58 Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; bảo đảm phân định rõ hơn các chế định về phân cấp, phân quyền đã được ghi nhận ở các luật như: Luật Thủ đô, các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến phân cấp, phân quyền đối với các mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại một số thành phố trực thuộc trung ương và một số địa phương trong thời gian qua.

 ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Quy định về nguyên tắc phân cấp cần hết sức rạch ròi nhằm tránh chồng chéo về nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan trong tổ chức bộ máy chính quyền các cấp. Nhấn mạnh điều này, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cũng đề nghị, cần rà soát, quy định rõ nguyên tắc, cách thức phân cấp, hình thức thực hiện và các điều kiện bảo đảm phù hợp với yêu cầu cải cách, đổi mới mạnh mẽ, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.

 ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng quan tâm đến nguyên tắc ủy quyền, ĐBQH Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị phải làm rõ những trường hợp cần thiết được ủy quyền, tránh trường hợp ủy quyền một cách tùy tiện, ủy quyền một cách chủ quan. Theo đại biểu, nguyên tắc ủy quyền gồm: trước hết là ủy quyền những nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà được pháp luật quy định; thứ hai, ủy quyền phải tạo sự linh hoạt, chủ động, nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện các nhiệm vụ; thứ ba, đối với người đứng đầu chính quyền nếu ủy quyền cho cấp phó của người đứng đầu là thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc thì phải ốm đau hay đi công tác dài ngày, hay những lý do bất khả kháng khác mà không thực hiện được nhiệm vụ điều hành trực tiếp mới được ủy quyền.

Cần giới hạn thời gian ủy quyền

Dự thảo Luật đã quy định cơ chế ủy quyền nhưng chưa làm rõ ranh giới giữa phân cấp và ủy quyền. Theo ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu), điều này có thể dẫn đến sự nhập nhằng trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện. Phân quyền là giao hẳn nhiệm vụ để địa phương tự quyết định và chịu trách nhiệm, còn ủy quyền là giao nhiệm vụ tạm thời có thể thu hồi khi cần thiết.

 ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

"Tuy nhiên, trên thực tế một số địa phương đã biến ủy quyền thành phân quyền, tức là sau khi nhận ủy quyền từ cấp trên thì tự xem đó là thẩm quyền lâu dài, không có cơ chế báo cáo lại. Do đó, cần quy định rõ cơ chế giám sát việc thực hiện ủy quyền; đồng thời, cần giới hạn thời gian của việc ủy quyền, không nên để tình trạng ủy quyền kéo dài và không có việc đánh giá lại", đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề xuất.

Mặt khác, một trong những điểm nghẽn lớn nhất của phân quyền hiện nay là chính quyền địa phương bị ràng buộc tài chính quá chặt từ cấp trên, dẫn đến việc dù có thẩm quyền nhưng vẫn không thể thực hiện hiệu quả. Thực tế, nhiều địa phương được giao quyền phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại không có đủ ngân sách, phải chờ cấp trên phân bổ. Nêu vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cũng đề nghị cho phép chính quyền cấp xã, cấp huyện có quyền tự chủ một phần ngân sách trong các lĩnh vực thiết yếu, tăng tỷ lệ phân bổ ngân sách cho địa phương theo mức độ tự chủ của từng cấp.

 ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng, việc phân quyền, phân cấp vẫn đặt ra một số vấn đề làm cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến công tác quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược quy hoạch, chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện. Đại biểu cũng cho rằng, giữa các cấp chính quyền địa phương trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, quản lý thị trường, quản lý dịch vụ công mặc dù đã được phân chia quyền hạn và trách nhiệm nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Đặc biệt, các địa phương tự đảm bảo ngân sách nhưng chưa được phân quyền chủ động trong việc sử dụng, điều tiết ngân sách, làm hạn chế sự linh động, sáng tạo và thời cơ phát triển của địa phương.

Đại biểu Tô Ái Vang đề nghị, dự thảo Luật nên nghiên cứu trao quyền quyết định trong trường hợp đặc biệt, mang tính cấp bách cho UBND tỉnh, thành phố; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; UBND huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và UBND, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Các chủ thể này tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật; phát huy cơ chế kiểm soát chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện luật một cách đồng bộ, thông suốt, hạn chế tối đa vướng mắc, bất cập và không bị gián đoạn.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-co-che-giam-sat-tranh-uy-quyen-tuy-tien-post404647.html
Zalo