Tiết kiệm được 1.902 tỷ đồng và chuyện trúng thầu sát giá
Thông tin về tình hình thực hiện Dự án Vệ sinh môi trường TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2) vào ngày 5/12/2024 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố (Ban hạ tầng) đưa ra con số rất đáng lưu ý là dự án đã tiết kiệm được 1.902 tỷ đồng vốn đầu tư cho ngân sách thông qua đấu thầu…
Tiếp tục đầu tư số tiền lên đến 10.606 tỷ đồng, tương đương với 499 triệu USD cho dự án trên trong giai đoạn 2, TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hoàn chỉnh hệ thống thu gom, xử lý nước thải cho toàn bộ lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và một phần địa bàn TP Thủ Đức. Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, sau khi hoàn tất công tác đấu thầu, các gói thầu của dự án đã tiết kiệm được số tiền lên đến 1.902 tỷ đồng.
Trong đó riêng gói thầu Thiết kế - Thi công - Vận hành (DBO) Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất xử lý 480 nghìn m2/ngày đêm, sau đấu thầu đã tiết kiệm được 72 triệu USD, tương đương với 1.674 tỷ đồng. Đây là con số tiết kiệm ngân sách rất lớn thông qua đấu thầu, bởi tổng giá trị hợp đồng của gói thầu này chỉ ở mức 5.468 tỷ đồng và hình thức thầu DBO lần đầu tiên được áp dụng tại thành phố. Đặc biệt, liên danh nhà thầu ngoại trúng gói thầu này là ACCIONA - VINCI của Tây Ban Nha và Pháp sẽ đảm trách việc vận hành thử nhà máy trong 1 năm và vận hành chính thức trong 5 năm sau khi dự án hoàn thành.
![Một đoạn kênh đã làm xong kè nhưng hạ tầng ven kênh vẫn chưa được triển khai.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_5_51484414/efe90653351ddc43850c.jpg)
Một đoạn kênh đã làm xong kè nhưng hạ tầng ven kênh vẫn chưa được triển khai.
Trong khi đó, nhìn lại một dự án hạ tầng trọng điểm có vốn đầu tư công rất lớn khác trên địa bàn lả Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, dù đã được “chẻ” thành 10 gói thầu, thì dự án này đã không tiết kiệm được đồng nào qua việc đấu thầu. Thậm chí dự án đang còn phải đối mặt với nguy cơ phải bổ sung vốn cho phần giá trị xây lắp.
Cụ thể, với mục tiêu thoát nước, chống ngập cho lưu vực rộng 14.900 ha, giải quyết ô nhiễm môi trường, cải tạo cảnh quan dọc tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; tạo hướng kết nối giao thông đường bộ trục Bắc - Nam thành phố và tuyến giao thông thủy nội địa giữa thành phố tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua tuyến sông Sài Gòn và với tỉnh Long An qua tuyến sông Chợ Đệm.
Dự án nhóm A này được UBND thành phố phê duyệt ngày 29/3/2022 với tổng mức đầu tư ban đầu là 8.200 tỷ đồng, gồm 4.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Trung ương và 4.200 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố. Trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong giai đoạn này chỉ còn ở mức hơn 874 tỷ đồng và phần chi phí xây dựng gần 6.967 tỷ đồng.
Để thi công tuyến kênh dài gần 31,5km với các hạng mục xây dựng bờ kè, đường giao thông ven 2 bên bờ kênh, nạo vét kênh, hệ thống cống thoát nước, chiếu sáng… đã có 10 liên danh nhà thầu tham gia. Trong đó với thế mạnh là sản xuất cừ bê tông, Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn), Công ty CP XD TM Thới Bình (Công ty Thới Bình) với thế mạnh cung cấp bê tông tươi và xây dựng đã có mặt ở các liên danh trúng thầu 9 gói thầu xây lắp cùng với hàng chục doanh nghiệp khác. Trong đó, ngày 19/12/2022 ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Ban hạ tầng đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu đối với Liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn, Công ty Thới Bình trúng gói thầu XL-02, xây dựng đoạn kênh từ cầu đường C đến cầu Bà Hom với chiều dài 2,3km, tổng giá trị gói thầu gần 503 tỷ đồng.
Cùng ngày, Liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn, Công ty Thới Bình và các công ty tham gia nhận được 6 quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, trúng 6 gói thầu khác của dự án, gồm gói thầu XL-03, xây dựng đoạn từ cầu Bà Hom đến cầu Hồng Ký với chiều dài 3,57km, giá trúng thầu hơn 758 tỷ đồng; gói thầu XL-04, xây dựng đoạn từ cầu Hồng Ký đến cầu Tân Kỳ Tân Quý với chiều dài 2,08km, giá trúng thầu hơn 329 tỷ đồng; gói thầu XL-05, xây dựng đoạn từ cầu Tân Kỳ Tân Quý đến cầu Bưng với chiều dài 3,05km, giá trúng thầu hơn 561 tỷ đồng; gói thầu XL-06 xây dựng đoạn từ cầu Bưng đến cầu Tham Lương với chiều dài 2,85km, giá trúng thầu là 458 tỷ đồng; gói thầu XL-07 đoạn từ cầu Tham Lương đến cầu Chợ Cầu với chiều dài 2,85km, giá trúng thầu là 590 tỷ đồng; gói thầu XL-08, xây dựng đoạn từ cầu Chợ Cầu đến Cầu Trường Đai với chiều dài 2,4km, giá trúng thầu hơn 491 tỷ đồng.
Riêng 2 gói thầu có giá trị lớn của dự án này được ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho liên danh giữa Công ty Thanh Tuấn, Công ty Thới Bình trúng thầu vào ngày 21/12/2022. Gồm gói thầu XL-09, xây dựng đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn với chiều dài 8,36km phía bờ hữu tuyến kênh, giá trúng thầu hơn 1.058 tỷ đồng; gói thầu XL-01, xây dựng đoạn từ rạch Nước Lên đến cầu đường C với chiều dài 4km, giá trúng thầu hơn 1.083 tỷ đồng.
Tổng cộng 9 gói thầu trên đã có giá trị khoảng 5.835 tỷ đồng. Gói thầu XL-10, xây dựng đoạn bờ tả tuyến kênh đoạn từ cầu Trường Đai đến sông Sài Gòn với chiều dài hơn 8,36km, do Liên danh giữa Tổng Công ty xây dựng số 1 cùng các doanh nghiệp khác trúng thầu với giá 1.200 tỷ đồng. Như vậy tổng giá trị 10 gói thầu trên đã vượt quá phần giá trị chi phí xây dựng của toàn bộ dự án đã được UBND thành phê duyệt ở mức 6.967 tỷ đồng. Chưa dừng lại, trong các quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trên, hình thức hợp đồng đều được ghi rất rõ là “theo đơn giá điều chỉnh” nên số tiền ngân sách phải trả cho nhà thầu sẽ không dừng lại ở các con số trúng thầu trên, vì giá vật liệu tăng cao do khan hiếm hoặc thời gian thi công kéo dài...