Góc chợ ngày đầu tháng
Truyện ngắn 'Góc chợ ngày đầu tháng' của Thụy miêu tả cuộc sống của những người lao động nghèo qua hình ảnh một người bảo vệ chợ tàn nhẫn với người bán hàng vất vả. Câu chuyện phản ánh sự bất công, áp bức trong xã hội, đặc biệt là đối với những người nghèo khó như mẹ bán trứng. Tuy nhiên, khi sự việc kết thúc, tác phẩm cũng nhấn mạnh sự thay đổi trong thái độ con người, gợi mở những suy ngẫm về nhân đạo và công bằng xã hội.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_433_51484131/77a7de1aed54040a5d45.jpg)
Ảnh minh họa: AI
Giọng đọc: AI HOÀI MI
1. Chợ chiều ngày chủ nhật, hắn thong dong cầm chiếc dùi cui của mình đi thị sát khu chợ. Hôm nay nhằm đúng ngày mùng một, hắn vừa đi vừa xoay xoay chiếc dùi cui trong tay. Với hắn, nó là vật bất ly thân suốt hai năm nay rồi. Hai năm, hắn làm bạn với cái dùi cui, sáng tỉnh ra vác dùi cui ra chợ, buổi trưa, khi mọi người trong chợ lục tục che chắn hàng, xếp gọn vào chỗ thì hắn cũng chuẩn bị ra về. Buổi chiều, khi cái nắng đang trêu ngươi mọi người, hắn đã vác dùi cui ra chợ, đi một vòng quanh chợ xem có gì bất thường không để mọi người yên tâm họp phiên chợ chiều. Công việc không nặng nhọc ấy đã giúp hắn kiếm đủ cơm cho bốn miệng ăn trong suốt hai năm qua.
Mùng một, ngày đầu tiên của tháng - hắn mừng thầm trong bụng khi nghĩ rằng chiều nay chợ sẽ đông đúc hơn. Hắn có cơ hội dọa nạt một số người bán hàng, tìm cách moi móc vài hào từ họ. Tháng nào cũng thế, cứ đến mùng một và rằm thì người dân trong thành phố thường mua bán đông đúc hơn, chủ yếu là hoa quả và các đồ lễ cúng. Nhằm vào hai ngày đó, một vài người từ các xã lân cận thành phố cũng vào bán hoa, bán quả để kiếm thêm thu nhập. Họ ngồi rải rác phía ngoài chợ, ngồi ké các hàng rau và thậm chí tha thẩn từ góc này sang góc khác vì bị xua đuổi. Những tên bảo vệ như hắn cứ thế mà quát, mà mắng khi mấy mẹ hàng hoa xin ngồi một hôm bán hoa cúng, bán đồ lễ như cau trầu hay vài thứ lặt vặt. Ban đầu thì quát tháo ầm ỹ nhưng được dúi vài đồng vào tay thì hắn lại ỉm đi, đôi bên cùng có lợi, ai chẳng muốn.
2. Chợ chiều lúc hai giờ, mọi người đã có mặt khá đông mặc dù hôm nay đài báo thời tiết gần 39 độ C. Hắn cầm cái dùi cui đi thẳng xuống hàng cá, dạo vài vòng xem hôm nay có con mẹ nào ngốc nghếch đi bán mực không, nếu có thì hắn sỉ luôn một mớ về uống rượu, kiểu gì hôm nay nó chả bán rẻ hơn ngày thường. Hắn chui vào dãy hàng bán đồ biển, hôm nay những người bán mực nghỉ hàng hết, một chị loay hoay với chậu mực tươi ngồi chồm hỗm ngay đầu hàng hải sản, mặt đần thối nhìn mọi người qua lại. Miệng nó lí nhí mời chào khách nhưng hầu như chẳng ai ngó ngàng tới hàng của nó cả. Hắn thấy thế cười tủm tỉm, hắn bước nhanh đến hàng mực, giơ chiếc dùi cui chọc vào mớ mực tươi rói hất hàm hỏi:
- Mớ này bao nhiêu đây?
Chị bán mực mừng rỡ:
- Dạ, bác mua cho em đi ạ, mớ này em bán một trăm, mực nhà em mới câu về, còn tươi lắm bác ạ, bác mua cho em đi!
Hắn dứt khoát một câu:
- Năm mươi nghìn bán không? Hôm nay mùng một có đứa nào nó thèm ăn mực, tôi là tôi tội nghiệp chị nên tôi mua cho, bán đi! Với cả tôi thấy chị là lạ, chắc lại trốn bán trộm ở đây chứ gì!
Chị bán mực đang ủ rũ, giật nảy vì hắn phát hiện ra, chị luống cuống:
- Dạ, em xin bác tha cho em, bình thường em bán phía khu chợ trên kia, hôm nay ế hàng quá nên em chia một ít xuống đây bán, bác thương tình bác mua cho em đi ạ!
Hắn kèo nhèo:
- Thương gì, năm mươi là tính cả tiền tôi không thu phí chị ngồi đây đấy, bán đi!
Chị bán mực sợ sệt, buồn rầu:
- Dạ, thì em bán cho bác vậy.
Chị cầm chậu mực đổ hết vào một túi cho hắn rồi lúi cúi cầm tờ năm mươi nghìn từ tay hắn đi ra khỏi chợ. Hắn cầm túi mực đứng cười tủm tỉm một mình, hắn nghĩ thầm: "Tối nay mình có một bữa nhậu ngon rồi."
Hắn lại cầm dùi cui của mình, xách thêm túi mực đi qua các hàng khác. Sợ mực ươn nên hắn chỉ đảo qua hàng quần áo, dày dép một vòng rồi tất tả mang đùm mực về nhà bảo vợ làm sạch bỏ tủ lạnh đợi tối hắn về thì hấp lên nhắm rượu. Vừa ra khỏi hàng cá, bước qua hàng thịt và hàng quần áo, hắn chạy ngay đến chỗ mấy chị hàng hoa dẹp trật tự. Biết là thế nào hắn cũng làm um lên nên mấy chị hàng hoa đã chuẩn bị sẵn một ít để khi hắn đến thì tiện đưa luôn. Hắn cũng không ngại ngần cầm lấy những đồng bạc cho vào túi. Qua một hàng hoa quả ngay sát đường, hắn rú lên:
- A, chị này hôm nay nhiều quả nhỉ, lại còn bán cả hoa nữa cơ à, lấn hết cả lối đi của người ta rồi còn gì, chị có dẹp vào đi không thì bảo?
Chị bán hàng mọi ngày luýnh quýnh lục túi đưa cho hắn một xấp tiền, chừng có vẻ kha khá hơn mọi ngày, hắn biết ý cầm ngay rồi xẵng giọng:
- Nhưng mà cũng cho vào đi một tý!
Chị bán hàng cười tươi như hoa:
- Dạ em biết rồi bác ạ!
***
3. Chợ chiều ngày mùng một, hắn lại cầm cái dùi cui - vật bất ly thân của mình chui vào trong chợ. Hắn vừa trở ra sau khi dặn dò kỹ càng bà xã sơ chế món mực tươi hắn vừa mua rẻ được. Mặc cho vợ ngăn cản bảo hôm nay là mùng một nhưng hắn vẫn khăng khăng:
Tùy mình, mình và các con không ăn thì tôi ăn, tôi chả quan trọng mùng nào với mùng nào sất. Có miếng ngon mà lại rẻ không cho vào bụng mới là dại đấy!
Rồi hắn lại khom lưng cầm dùi cui ra khỏi nhà mặc cho vợ đứng phía sau lắc đầu. Góc chợ phía Tây, gần dãy hàng rau, một chị đang lúi cúi đếm trứng. Hôm nay chị mang trứng ra chợ bán kiếm tiền đóng học cho con. Cũng như mọi ngày, chị mang rổ trứng chạy qua chạy lại mời khách mua. Nhưng hôm nay mùng một nên hình như chẳng có ai để ý tới rổ trứng của chị cả. Trời nắng chang chang, chị vừa quệt mồ hôi trên trán vừa tìm một góc mát mát nghỉ tạm vì không bán được hàng. Vừa đặt mông xuống cạnh một hàng rau chị đã bị bà bán rau rủa:
- A, cái con này, mày bán trứng lại nhằm đúng mùng một, mày ghé mông vào hàng tao làm gì, ám tao hả, hả? Có mang đi chỗ khác mà bán không hả?
Chị bán trứng lúng túng, lấy tay sửa lại cái nón trên đầu, lí nhí:
- Em xin bác cho em ngồi một tý tẹo thôi ạ, có ai mua trứng em bán loáng cái rồi em đi ngay!
Bà bán rau như nổi máu lên đồng chửi:
- Không một tý tẹo nào sất, mày có cút đi không thì bảo, tý tao không bán được hàng tao đập bể hết trứng cho mà coi!
Chị bán trứng sợ quá, ôm rổ trứng chạy ra đầu chợ ngồi nghỉ. Một vài người đi chợ qua lại, thấy rổ trứng ngon quá, nhìn cái là biết trứng gà nhà mới tinh nhưng họ chỉ nhìn lướt qua rồi phóng thẳng xe vào chợ, chẳng có ai hỏi mua lấy một câu. Chị bán trứng chừng như đã mệt lắm rồi, loay hoay định ngồi xuống thì từ xa hắn (tên bảo vệ chợ) lù lù xuất hiện. Hắn trợn mắt nhìn chị bán trứng:
- A, hôm nay tôi mới thấy chị xuất hiện tại cái chợ này đấy, chị có cái gan to nhỉ, lại ngồi ngay trước cổng chợ bán trứng, chị có mang trứng mà xéo ngay đi không?
Chị bán trứng mặt cắt không còn giọt máu, lập cập van lạy:
- Em xin bác, ngày mai con em nó phải nộp tiền học nên em bạo gan đi bán trứng. Em biết hôm nay là mùng một nhưng em chẳng biết chạy vào đâu cả, bác thương tình bác cho em ngồi một tý, bán được cái là em đi ngay mà!
Hắn giơ cái dùi cui lên, quất ngay một phát vào mông chị bán trứng:
- A thì mày lỳ này, mày có biết cổng chợ là chỗ thế nào không mà tao bảo mày không nghe lại còn chống đối!
Chị bán trứng đau quá nhưng vẫn cố van nài:
- Em xin bác, em được năm chục trứng gom mãi từ hai tuần trước, bất đắc dĩ em phải đi bán, hay bác mua, em bán rẻ cho bác?
Hắn dí ngay dùi cui vào rổ trứng trừng mắt nhìn chị bán trứng:
- Tôi hỏi chị lần thứ hai, chị có mang rổ trứng đi không? Lúc này hắn đã biết ngay là chị này chẳng có một xu nào mà nhét cho hắn nên hắn bắt đầu làm căng lên.
Nghĩ đến ánh mắt thơ ngây của đứa con ở nhà, chị bán trứng lại van xin một lần nữa:
- Em xin bác, bác không mua thì bác thương tình cho em ngồi một lúc thôi ạ!
Này thì ngồi này, này thì ngồi… mỗi một câu nói là một nhát dùi cui phạt xuống rổ trứng. Chỉ mới hai nhát, rổ trứng trong tay chị bán trứng đã rơi toẹt xuống đất bể toang ra hết, chẳng còn một cái nào nguyên vẹn. Chị bán trứng quỵ xuống, nước mắt dàn dụa. Lúc này thì không thể cứu vãn được nữa, chị cúi xuống dùng bàn tay đen đúa của mình bốc lấy bốc để những dòng nước trắng vàng lẫn lộn đang chảy ra từ những cái trứng tươi mới. Chị khóc, khóc tức tưởi. Hắn đứng đó, không một chút động lòng. Rồi hắn thu lại dùi cui, lau lau cho nó sạch bụi, cúi người bước đi thong thả. Những người đi đường tò mò ngoái lại nhìn. Một vài người trong chợ lẩm bẩm:
- Sao thằng quản chợ hôm nay tàn nhẫn thế nhỉ?
4. Chợ chiều ngày mùng một, hắn ung dung ngồi quán trà đá nhấp ngụm nước đá mát lạnh. Hắn lầm bầm nói với bà bán nước:
- Con mẹ bán trứng, nhìn thế mà ương, em vừa cho nó hai nhát vào rổ trứng cho chừa cái thói ương.
Bà chủ quán trà đá dịu dàng:
- Chú làm quá lên thế, người ta chắc cũng hoàn cảnh nên mới bán chui, bán lủi như thế, chắc được mấy chục trứng gom mãi hôm nay mới chịu đi bán!
Đang định nói gì thì chợt chuông điện thoại réo inh ỏi, hắn bốc máy a lô, tiếng vợ hắn hốt hoảng trong điện thoại:
- Mình ơi, mình ơi….thằng cu Tý bị tai nạn nặng lắm, đang cấp cứu trong bệnh viện, mình về ngay đi!
Hắn buông dùi cui trên ghế, bỏ chạy một mạch… phía sau là những cái nhìn đầy ngơ ngác của con mẹ bán hoa, bà bán đồ cúng, bác bán trà đá… và cả ánh mắt của chị bán trứng….
Chị bán trứng ngồi bệt xuống đất, khóc tức tưởi. Một chốc, bà bán trà đá lúi cúi chạy đến dúi vào tay chị bán trứng một tờ tiền. Thấy thế mọi người trong chợ cũng lặng lẽ, người năm nghìn, người mười nghìn góp vào cho chị bán trứng. Khi bóng chiều đổ xuống, chị bán trứng cắp chiếc rổ lặng lẽ đi về. Từ xa, thằng cha cai chợ hộc tốc đuổi theo. Hai cái bóng dài đuổi nhau trên triền đê… mỏi mòn…