Giá lúa lao dốc, nông dân ĐBSCL lỗ vốn

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, thời gian gần đây, giá lúa gạo ở ĐBSCL giảm mạnh, nông dân lỗ vốn, doanh nghiệp kinh doanh gạo xuất khẩu cũng gặp nhiều khó khăn.

ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân - Ảnh: L.X.C

ĐBSCL đang vào cao điểm thu hoạch lúa đông xuân - Ảnh: L.X.C

Khi hỏi về nguyên nhân thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu gặp khó khăn, ông Bình cho rằng “Có nhiều nguyên nhân, như thông tin Ấn Độ xuất khẩu gạo trở lại sau thời gian họ ngưng xuất khẩu gạo; năm nay các nước sản xuất lúa gạo trúng mùa; Indonesia và Philippines giảm nhập khẩu gạo… Có một nguyên nhân cần chấn chỉnh đó là thông tin về thị trường gạo xuất khẩu thường bị báo chí khuyếch đại lên, làm cho thị trường lúa gạo bị nhiễu, nhiều người lo lắng. Thực tế thị trường gạo xuất khẩu có khó khăn nhưng chẳng phải tình hình quá bi đát cho thị trường lúa gạo”.

Gạo xuất khẩu - Ảnh: Internet

Gạo xuất khẩu - Ảnh: Internet

Cũng theo ông Bình, giá lúa gạo xuống thấp, người bị ảnh hưởng trực tiếp đầu tiên là nông dân, cụ thể là nông dân ĐBSCL. Doanh nghiệp thiệt hại nhưng không nhiều vì mua lúa gạo giá thấp thì xuất khẩu giá thấp, chưa nói một vài doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán gạo với các nước giá cao, nay giá lúa gạo sụt giảm họ còn được hưởng lợi.

Thật vậy, lúa lao dốc nông dân lo sốt vó. Chị Nguyễn Thị Nga, một nông dân làm hơn 30ha lúa ở ấp Tân Vọng (xã Vọng Thê, H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết: “Lúa tôi chuẩn bị thu hoạch, tuy nhiên năm nay nông dân lỗ vốn nặng lắm. Cùng kỳ năm trước giá lúa tốt, phục vụ xuất khẩu có lúc tăng lên 9.000 đồng/kg, nay xuống 6.500 - 7.000 đồng/kg. Cứ mỗi ký lúa mất 2.000 - 2.500 đồng, thì vài chục tấn đến vài trăm tấn như sản lượng lúa ruộng nhà tôi mới thấy số tiền thiệt hại rất khủng. Trong khi đó giá phân bón DAP và u rê tăng lên 30 - 50% so với 2 năm trước. Nông dân ĐBSCL lo lắng rất nhiều là như vậy”

Cũng theo chị Nga, năm nay lúa thất mùa, năm trước bình quân 7 - 8 tấn/ha, năm nay lúa thất thu hoạch khoảng 6 tấn/ha, như vậy mà giá lúa còn giảm mạnh dự kiến nhà chị sẽ bị lỗ vốn nhiều.

Lúa hàng hóa từ nông dân An Giang - Ảnh: Khang Duy

Lúa hàng hóa từ nông dân An Giang - Ảnh: Khang Duy

Tại Sóc Trăng, dọc theo hai bên đường 934B thuộc địa phận huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), nhiều nhà nông bước vào vụ thu hoạch lúa với nét mặt kém vui vì giá lúa lao dốc kinh khủng...

Bên những bao lúa đã được chất gọn trên lề đường chờ thương lái đến thu mua, ông Dương Ngọc Minh, xã Tài Văn, huyện Trần Đề buồn than thở: “Vụ này không ngờ lúa mất giá kinh khủng. Vụ này tôi làm khoảng 14.000m2, giống lúa Đài thơm, năng suất khoảng 8 tấn/ha. Hiện tại thương lái mua với giá 6,6 triệu đồng/tấn. Trừ hết chi phí coi như huề vốn. Trong khi đó vụ trước bán với giá trên 8,5 triệu đồng/tấn. Với giá lúa sụt giảm như vậy, nông dân đứng ngồi không yên”.

Cách ruộng ông Minh không xa, một nông dân cho biết ông trồng giống lúa VNR20, 1ha năng suất đạt 10 tấn. Giá lúa hiện tại bán 5,3 triệu đồng/tấn. Nếu đất nhà, công nhà thì chỉ lời khoảng 10 triệu đồng/ha, còn thuê đất hay thuê nhân công chắc chắn lỗ nặng. Trong khi đó, vụ trước giá lúa bán từ 9 triệu đồng/tấn.

Thu hoạch lúa ở Trần Đề, Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Thu hoạch lúa ở Trần Đề, Sóc Trăng - Ảnh: Lương Xuân Cao

Cá biệt cũng có người trồng lúa có lãi, cũng ở xã Tài Văn, ông Trần Quốc Nhiên trồng lúa tím xanh cho một cơ sở ở Vĩnh Long theo hình thức bên doanh nghiệp đầu tư giống, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Vụ này, năng suất ước đạt khoảng 10 tấn/ha với những hộ làm trúng, còn hộ làm không đạt thì được khoảng 7 tấn/ha. Giá bán hiện tại là 9,6 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí nhà nông cũng lời khoảng 30 triệu đồng/ha.

Theo nhiều chuyên gia nông nghiệp, giá lúa giảm có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm sau khi Ấn Độ chính thức quay lại thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, trước thông tin Indonesia và Philippines sẽ giảm nhập khẩu trong năm 2025 do tự chủ được một phần nguồn lúa gạo trong nước đã khiến cho cả giá gạo Việt Nam và của một số nước giảm mạnh.

Thị trường gạo thế giới hiện nay đồi dào nguồn cung - Ảnh: Internet

Thị trường gạo thế giới hiện nay đồi dào nguồn cung - Ảnh: Internet

Chúng tôi đã trao đổi với ông Hà Vũ Sơn - Giám đốc Sở Công Thương TP.Cần Thơ chung quanh vấn đề giá lúa và giải pháp nào giúp nông dân và doanh nghiệp Cần Thơ giảm thiểu thiệt hại khi thị trường lúa gạo biến động mạnh. Ông Sơn cho rằng: “Sở Công Thương Cần Thơ đang đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách tăng hạn mức cho vay đối với doanh nghiệp mua lúa tạm trữ, để mua hết lúa của nông dân có nhu cầu bán lúa hàng hóa. Mục đích khi việc thị trường thế giới có nhu cầu mua vào thì doanh nghiệp có hàng hóa cung ứng cho thị trường gạo thế giới”.

Nông dân Cần Thơ đang lo về giá lúa giảm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Nông dân Cần Thơ đang lo về giá lúa giảm - Ảnh: Văn Kim Khanh

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL cho rằng giá lúa giảm hiện nay nó có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên nó xoay quanh 4 yếu tố:

- Ấn Độ thay đổi chính sách trong cung cầu gạo cho thị trường thế giới. Thái Lan hiện nay hiện nay họ cũng tăng xuất khẩu gạo, làm cho thị trường có nguồn cung dồi dào về gạo.

- Giá lúa thay đổi theo yếu tố mùa vụ, giá lúa gạo tùy thuộc cung cầu vào thị trường thế giới.
- Giá lúa thế giới cũng bị ảnh hưởng lớn bởi thời tiết, khí hậu, việc biến đổi khí hậu gây ra thiệt hại về nông nghiệp hay thuận lợi về nông nghiệp ở những nước có nguồn cung gạo lớn hay những nước có nhu cầu về gạo lớn sẽ ảnh hưởng biến động giá gạo thế giới.

- Giá lúa cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách dự trữ của mỗi quốc gia. Quốc gia nào cũng có nguồn dự trữ lương thực, tùy thời điểm mà họ mua vào hay bung ra thị trường gạo. Việc làm này ảnh hưởng thị trường gạo mỗi nước và thế giới.

Thu hoạch lúa cao điểm thường lúa hay bị giảm giá - Ảnh: L.X.C

Thu hoạch lúa cao điểm thường lúa hay bị giảm giá - Ảnh: L.X.C

Ngoài các yếu tố trên, có một yếu tố khá quan trọng từ thực tế thị trường, thị trường có nhu cầu tăng cung, giá lúa gạo tăng giá, thương lái tranh mua tranh bán. Khi thị trường lúa gạo giảm nguồn cung, lúa gạo giảm giá, thương lái lợi dụng "đè giá" mua lúa gạo từ nông dân. Vì vậy nông dân phải tĩnh táo khi giá thị trường lúa gạo chuyển động theo hướng giảm như hiện nay - ông Nguyễn Văn Sánh khuyến cáo nông dân về thị trường lúa gạo như vậy.

Văn Kim Khanh - Lương Xuân cao

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/gia-lua-lao-doc-nong-dan-dbscl-lo-von-229286.html
Zalo