Gia đình doanh nhân, Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm - Trần Cẩm Nhung - Tập đoàn KN Holdings: 'Sự tử tế, sáng tạo và không ngừng học hỏi là hành trang chúng tôi mang từ thời chiến sang thời bình…'

Giữa thời khắc kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc đời của doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung là câu chuyện tiêu biểu về người lính cụ Hồ thời bình. Họ đã biến lý tưởng yêu nước thành hành động kinh tế, lấy sự tử tế làm kim chỉ nam, lấy nhân văn làm giá trị cốt lõi…

Trước khi trở thành những doanh nhân tiêu biểu, Anh hùng lao động của thời kỳ đổi mới, vợ chồng ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung, đã có một hành trình đặc biệt không thể nào quên...

* Khi nhìn lại những ngày đầu tiên bắt tay vào làm kinh tế ngay sau hòa bình, giữa vô vàn thiếu thốn, điều gì khiến ông bà nhớ nhất?

Ông Lê Văn Kiểm:

- Năm 1978, đất nước vừa thống nhất chưa lâu, đời sống còn rất thiếu thốn. Khi ấy, tài sản lớn nhất của vợ chồng tôi chỉ là một chiếc xe máy. Chúng tôi quyết định bán đi, được 1.000 USD - toàn bộ vốn liếng để khởi nghiệp. Với số tiền đó, vợ chồng tôi mua một chiếc máy trộn thức ăn gia súc, bắt đầu con đường làm kinh tế. Tôi vẫn nhớ như in, ban ngày, hai vợ chồng đi làm công chức nhà nước, tối về lại tất bật vận hành chiếc máy trộn thức ăn gia súc. Không văn phòng, không kho bãi - chỉ có lòng quyết tâm và sự cần mẫn. Ban đầu, công việc suôn sẻ, nguồn thu nhập cải thiện đáng kể. Nhưng sau đó, nhiều cơ sở khác mọc lên, cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi hiểu rằng: nếu không đổi mới, sẽ không tồn tại.

Một lần đi picnic với gia đình, tôi tình cờ phát hiện khi nhóm lửa bằng hạt cao su khô thì thấy lửa cháy mạnh và có tiếng nổ lép bép. Tôi lập tức nghĩ đến khả năng trong hạt cao su có dầu. Vợ tôi lúc đó là kỹ sư hóa, tôi đề nghị mang về ép thử. Không ngờ, sau nhiều lần mày mò thí nghiệm, chúng tôi phát hiện dầu ép từ hạt cao su có thể dùng trong ngành sơn - giúp tăng độ dẻo, độ bóng và độ bền. Đặc biệt hơn, phần bã sau ép lại là một loại phân bón cực tốt. Đó là thành công kép mà chính chúng tôi cũng không ngờ tới.

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Thời ấy, mọi thứ đều thiếu thốn, nhưng chúng tôi chưa bao giờ thiếu lòng tin và sự kiên trì. Tôi nhớ có đêm cả hai vợ chồng vừa đọc tài liệu nước ngoài, vừa làm thí nghiệm trong căn phòng nhỏ. Từ việc ép dầu cao su, rồi đến các ngành nghề sau này – ngành nào cũng bắt đầu từ con số 0, nhưng nhờ chất lượng tốt, giá cả hợp lý, sản phẩm nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường toàn quốc.

Sau này, khi nhìn lại, tôi nghĩ rằng điều khiến chúng tôi có những thành công ban đầu chính là niềm tin vào giá trị của sự tử tế, sự sáng tạo và tinh thần không ngừng học hỏi. May thay, đó là hành trang lớn nhất mà chúng tôi mang theo từ thời chiến sang thời bình.

* Sau những thành công đầu tiên, đâu là cột mốc thực sự tạo bước ngoặt và mở ra con đường phát triển đa ngành như hiện nay của KN Holdings?

* Sau những thành công đầu tiên, đâu là cột mốc thực sự tạo bước ngoặt và mở ra con đường phát triển đa ngành như hiện nay của KN Holdings?

Ông Lê Văn Kiểm:

- Có thể nói là giai đoạn năm 1986, khi Đảng khởi xướng công cuộc Đổi mới. Chúng tôi chuyển sang sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Đó là lúc chúng tôi quyết định thành lập Công ty TNHH Huy Hoàng - sau này là Công ty CP May Xây dựng Huy Hoàng. Khi ấy, Việt Nam rất hiếm doanh nghiệp tư nhân hoạt động chính thức, nên việc học hỏi từ mô hình nước ngoài, xây dựng tiêu chuẩn xuất khẩu, tổ chức sản xuất - tất cả đều phải bắt đầu từ đầu. Công ty may mặc lúc đó phát triển rất nhanh, không chỉ tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người, mà còn giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về cách quản lý, mở rộng thị trường. Từ nền tảng đó, tôi bắt đầu nghĩ xa hơn - rằng doanh nhân không chỉ nên tập trung vào một lĩnh vực, mà cần tham gia vào những ngành chiến lược để tạo ra đột phá cho đất nước.

Khi làm may mặc ổn định, năm 1993, chúng tôi đầu tư vào khách sạn ở Phước Hải, rồi xây dựng sân golf Long Thành. Đó là sân golf do người Việt đầu tư, thiết kế và vận hành đầu tiên đạt chuẩn quốc tế. Lúc ấy, nhiều người nghi ngờ: “Golf là sân chơi cho giới nhà giàu”. Nhưng tôi nghĩ khác: Nếu Việt Nam không tự đầu tư, sẽ mãi phụ thuộc vào nước ngoài.

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Với tôi, bước ngoặt không chỉ ở chỗ thành lập doanh nghiệp, mà còn là sự thay đổi tư duy: từ sản xuất nhỏ lẻ sang tư duy xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh. Từ đó đến nay, chúng tôi từng bước mở rộng sang bất động sản, năng lượng tái tạo, logistics, nông nghiệp công nghệ cao… Lĩnh vực nào cũng có khó khăn riêng, nhưng chúng tôi luôn giữ một nguyên tắc: không đầu cơ, không làm dàn trải, mà phải tạo ra giá trị thật và phát triển bền vững.

Trong kinh doanh, không cần phải chèn ép nhau, không cần đầu cơ, thâu tóm hay triệt hạ đối thủ. Tôi tin rằng, trong một xã hội lành mạnh, mỗi doanh nghiệp đều có thể phát triển mà vẫn đóng góp hài hòa cho cộng đồng.

* Hành trình kinh doanh trải dài gần nửa thế kỷ chắc hẳn không thiếu những thời điểm đầy sóng gió, thậm chí có lúc “chao đảo” giữa thương trường, thưa ông bà?

Ông Lê Văn Kiểm:

- Hành trình kinh doanh của chúng tôi trải dài suốt hơn 40 năm, trong đó không thiếu những thời điểm khó khăn. Hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn vào năm 1997 và 2008 là những cột mốc mà chúng tôi nhớ mãi. Nhiều công ty khi đó phải đóng cửa hoặc giảm lương nhân viên. Tôi nhớ vào năm 1997, trong tình hình khó khăn, tôi đã phải bán từ 4 đến 5 kg vàng đã tích lũy từ trước để bảo đảm lương cho công nhân viên…

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Đúng là có rất nhiều khó khăn, nhưng khi ngồi nhớ lại, tôi thấy quan trọng là chúng tôi luôn giữ được giá trị cốt lõi, đó là sự bền vững và trách nhiệm với đội ngũ nhân viên. Những lúc khó khăn như năm 1997, mặc dù sản phẩm bán ra giảm sút, chúng tôi vẫn cam kết không để lương công nhân viên bị ảnh hưởng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì đã giúp họ vượt qua những thời điểm khó khăn ấy. Ngoài ra, chúng tôi cũng luôn hướng đến việc góp phần vào sự phát triển chung của đất nước, giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động và đóng góp vào ngân sách nhà nước. Chính những nỗ lực này đã giúp chúng tôi không chỉ duy trì được hoạt động mà còn phát triển bền vững qua từng năm tháng.

* Thưa ông bà, từ sau năm 1986, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng năm 1997 và 2008 như ông bà vừa chia sẻ, ông bà có nhận thấy sự thay đổi trong chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân không?

Ông Lê Văn Kiểm trong buổi gặp gỡ với Tổng Bí thư Tô Lâm

Ông Lê Văn Kiểm trong buổi gặp gỡ với Tổng Bí thư Tô Lâm

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Kinh tế tư nhân ngày nay đã được Nhà nước xem trọng và có sự phát triển vượt bậc. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Chính phủ và Đảng đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là một động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế đất nước. Gần đây nhất, tôi rất ấn tượng với bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm, đánh dấu một bước ngoặt trong nhận thức về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân, đồng thời mang tầm nhìn chiến lược đối với định hướng phát triển đất nước.

Ông Lê Văn Kiểm trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Ông Lê Văn Kiểm trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Ông Lê Văn Kiểm:

- Nhìn lại những thời khắc khó khăn, đặc biệt là trong các giai đoạn khủng hoảng năm 1997 và 2008, chúng tôi cũng có những trải nghiệm riêng về những thay đổi trong chính sách của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Thực tế, khi đối diện với khủng hoảng, việc Chính phủ thể hiện sự ủng hộ và không “hình sự hóa” doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn là một quyết định rất quan trọng.

Chúng tôi đã từng vinh dự được đóng góp công sức nhỏ bé của mình vào việc thực hiện thí điểm thành công chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ: Không “hình sự hóa” đối với doanh nghiệp khi gặp khó khăn do hoàn cảnh khách quan, như trong trường hợp khủng hoảng kinh tế châu Á và Việt Nam năm 1997. Chính sách này đã giúp tránh thất thoát cho Nhà nước, bảo vệ quyền lợi của hàng trăm ngàn người lao động và giúp nhiều doanh nghiệp, trong đó có chúng tôi, vượt qua khó khăn. Hồi đó, riêng ở Công ty Huy Hoàng của chúng tôi đã phải đối mặt với khoản nợ lên đến 500 tỷ đồng, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ chính sách này, chúng tôi đã có thể vượt qua và tiếp tục duy trì hoạt động, giữ cho hàng nghìn công nhân không bị thất nghiệp. Điều này cũng giúp cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam.

* Thưa ông bà, từng nằm trong top 30 “Anh hùng từ thiện” châu Á do Tạp chí Forbes bình chọn năm 2019, cùng với các tên tuổi lớn như tỷ phú Azim Premji, tỷ phú Jack Ma… Và nếu tìm kiếm tên của ông bà trên internet, không khó để thấy những biệt hiệu như “sứ giả của lòng nhân ái” hay “nhà từ thiện hào phóng nhất Việt Nam”. Điều gì đã thúc đẩy ông bà theo đuổi hành trình thiện nguyện này?

Ông Lê Văn Kiểm:

- Vợ chồng tôi cùng các con luôn có chung một suy nghĩ: bài tập thể dục đầu tiên cho trái tim chính là hành động dùng đôi tay của mình để giúp đỡ cộng đồng. Tôi từng là lính, nên tôi thấu hiểu thế nào là mất mát và hy sinh. Hai trách nhiệm lớn nhất của một cựu chiến binh là xây dựng và phát triển đất nước, cũng như giúp đỡ cộng đồng và xã hội. Đối với vợ chồng tôi, trách nhiệm đầu tiên là một áp lực, nhưng trách nhiệm thứ hai lại mang lại niềm vui. Làm doanh nhân, tôi cảm thấy mình may mắn hơn nhiều người, vì vậy tôi muốn san sẻ những gì mình có. Và mỗi lần chia sẻ, tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhàng hơn bất kỳ khoản lợi nhuận nào.

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Vợ chồng tôi đã bắt đầu làm thiện nguyện bằng việc xây dựng nhà tình nghĩa từ đầu thập niên 90. Sau này là nhiều hành trình khác nữa. Hơn 2.700 tỷ đồng là con số đóng góp của gia đình và doanh nghiệp cho các hoạt động xã hội, từ học bổng, xây nhà tình nghĩa, y tế cộng đồng đến các quỹ khuyến học. Những biệt hiệu như “sứ giả của lòng nhân ái” hay “nhà từ thiện hào phóng” không phải là những điều chúng tôi mong muốn để đánh bóng tên tuổi. Làm thiện nguyện là một cách chúng tôi cảm thấy mình có thể đóng góp một phần nhỏ bé trong việc làm cho xã hội này tốt đẹp hơn, nhất là trong những thời điểm khó khăn.

Ông Lê Văn Kiểm (trái) ủng hộ quỹ vắc-xin phòng Covid-19

Ông Lê Văn Kiểm (trái) ủng hộ quỹ vắc-xin phòng Covid-19

* Ở thời điểm này, ông bà nghĩ điều gì là giá trị cốt lõi của một doanh nhân?

Ông Lê Văn Kiểm:

- Tôi chỉ nói ngắn gọn: Làm doanh nghiệp, trước hết phải làm người tử tế. Tử tế với đối tác, tử tế với nhân viên, tử tế với xã hội. Có thể thành công đến chậm hơn, nhưng sẽ bền hơn. Đó là đạo lý căn bản nhất.

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Nhiều người hỏi tôi, đâu là tiêu chuẩn thành công. Tôi nghĩ đó là khi bạn có thể vừa tạo ra lợi nhuận, vừa không làm tổn thương ai, và góp phần khiến xã hội tốt đẹp hơn. Những thành tựu vật chất rồi sẽ qua, nhưng sự tử tế thì ở lại rất lâu.

* Với thế hệ doanh nhân trẻ, ông bà có kỳ vọng gì?

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Chúng tôi tin các bạn trẻ ngày nay năng động, sáng tạo. Nhưng cũng mong họ đừng đánh đổi giá trị để lấy tốc độ. Giữ cái tâm, chính là giữ con đường dài. Hãy dấn thân, nhưng đừng quên cộng đồng. Hãy thành công, nhưng đừng để người khác trả giá cho sự thành công đó.

Ông Lê Văn Kiểm:

- Tôi rất kỳ vọng vào lớp trẻ. Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng một quỹ phát triển tài năng trẻ. Trong tương lai, ngoài đầu tư vào ngành mũi nhọn, tôi muốn dành phần lớn tài sản cho giáo dục để thế hệ kế tiếp có nền tảng mạnh mẽ hơn chúng tôi ngày trước.

* Tập đoàn hiện đang vận hành với chiến lược dài hạn ra sao?

* Tập đoàn hiện đang vận hành với chiến lược dài hạn ra sao?

Ông Lê Văn Kiểm:

- Hiện nay, chúng tôi tập trung vào 5 lĩnh vực cốt lõi: bất động sản - dịch vụ, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, logistics và nông nghiệp công nghệ cao. Chúng tôi theo mô hình phát triển bền vững, không đầu cơ, không đầu tư dàn trải. Mỗi lĩnh vực đều phải có chiều sâu, có giá trị nhân văn và gắn kết với quốc gia.

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Sắp tới, chúng tôi cũng sẽ tập trung đào tạo thế hệ kế thừa - không chỉ trong nội bộ tập đoàn mà còn ở cộng đồng doanh nghiệp, để lan tỏa văn hóa kinh doanh đạo đức, đổi mới và trách nhiệm.

* Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xin ông chia sẻ đôi điều về hành trình khởi nghiệp từ một người lính cụ Hồ trở thành “người lính” thời bình?

Ông Lê Văn Kiểm:

- Tôi sinh ra và lớn lên trong thời chiến, từng trực tiếp tham gia chiến đấu, mang trên mình quân phục của người lính cụ Hồ. Trong những năm tháng đó, tôi và đồng đội hiểu rất rõ cái giá của hòa bình, phải trả bằng máu, nước mắt và tuổi trẻ. Khi đất nước hòa bình, tôi tự nhủ: cuộc sống thời bình không chỉ là để hưởng thụ, mà còn phải tiếp tục phụng sự. Nếu như ngày trước cầm súng để bảo vệ tổ quốc, thì ngày nay, doanh nhân cũng là người lính thời bình, xây dựng kinh tế, dựng nên nền tảng vật chất cho một đất nước độc lập, hùng cường.

Tôi chọn con đường kinh doanh cũng vì lẽ đó, một hành trình tiếp nối, để biến lý tưởng yêu nước thành hành động thực tế, thông qua tạo ra công ăn việc làm, đóng góp ngân sách, và xây dựng nền kinh tế lành mạnh, bền vững.

* Sau nửa thế kỷ thống nhất, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với tư cách là một doanh nhân dày dặn kinh nghiệm thương trường, ông bà nhìn nhận như thế nào về khái niệm “nền kinh tế hòa bình”?

* Sau nửa thế kỷ thống nhất, Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa. Với tư cách là một doanh nhân dày dặn kinh nghiệm thương trường, ông bà nhìn nhận như thế nào về khái niệm “nền kinh tế hòa bình”?

Ông Lê Văn Kiểm:

- “Kinh tế hòa bình” với tôi là một lựa chọn sống. Đó là phát triển kinh tế dựa trên các giá trị hợp tác, chia sẻ, công bằng và cùng thắng. Trong kinh doanh, không cần phải chèn ép nhau, không cần đầu cơ, thâu tóm hay triệt hạ đối thủ. Tôi tin rằng, trong một xã hội lành mạnh, mỗi doanh nghiệp đều có thể phát triển mà vẫn đóng góp hài hòa cho cộng đồng. Tôi rất trân trọng định hướng mới của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/01/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Nghị quyết này nhấn mạnh vai trò của hợp tác hòa bình, đa phương hóa, và phát triển kinh tế đi đôi với ổn định chính trị và văn hóa. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần làm kinh doanh tử tế mà tôi đã theo đuổi suốt hơn 40 năm qua.

Việt Nam là quốc gia hiểu rõ nhất giá trị của hòa bình, và chính vì vậy, chúng ta phải đi đầu trong việc kiến tạo một nền kinh tế tôn trọng đối tác, tôn trọng con người và tôn trọng môi trường.

Bà Trần Cẩm Nhung:

- Ở KN Holdings, chúng tôi quan niệm rằng việc làm kinh tế không chỉ là hoạt động kinh doanh đơn thuần, mà còn là một phần của việc xây dựng quốc gia. Chồng tôi, với tư cách là người lính đã từng vào sinh ra tử, vẫn giữ nguyên tính kỷ luật và tinh thần gánh vác khi trở về với đời sống thường nhật. Mỗi quyết định kinh doanh của anh đều xoay quanh câu hỏi: “Làm điều này, có giúp được ai không? Có làm xã hội tốt hơn không?”

* Cảm ơn ông bà về cuộc trò chuyện thú vị này!

Ông Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 tại Thừa Thiên – Huế, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Năm 1946, khi mới một tuổi, ông đã theo cha mẹ lên chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị). Năm 1949, cha ông hy sinh. Ông lớn lên trong sự đùm bọc của đồng đội cha mẹ và sự tảo tần của mẹ, mang theo trong mình khát vọng được cống hiến.
Năm 1954, ông được Đảng và Nhà nước đưa ra miền Bắc học tập tại hệ thống các trường học sinh miền Nam, nhằm đào tạo thế hệ kế thừa phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Năm 1964, ông trúng tuyển Đại học Thủy Lợi. Trong thời gian học, ông được chọn sang Liên Xô học lái máy bay MIC 21. Tuy nhiên, do là con duy nhất của liệt sĩ, ông được chuyển về tiếp tục học để đào tạo cán bộ cho miền Nam. Năm 1969, ông tốt nghiệp kỹ sư. Cũng tại đây, ông gặp bà Trần Cẩm Nhung – nữ sinh học sinh miền Nam. Họ kết hôn năm 1970 và có con trai đầu lòng vào năm sau là Lê Huy Hoàng.
Năm 1971, ông Lê Văn Kiểm viết đơn tình nguyện nhập ngũ, xung phong vào chiến trường miền Nam. Những năm tháng chiến đấu ác liệt tại Nam Lào, Tây Ninh và Campuchia, ông từng đối mặt với sốt rét rừng và vô vàn gian khổ. Nhưng cũng chính nơi “lửa thử vàng” đó đã rèn giũa bản lĩnh của người lính cụ Hồ – người sau này sẽ trở thành doanh nhân tiêu biểu của đất nước.
Ngày 27/4/1975, ông được phân công tham gia Đoàn công tác Trung ương Cục về tiếp quản Sài Gòn. Tối 29/4, ông cùng lực lượng ém tại Củ Chi, và đến 14 giờ ngày 30/4, ông có mặt trong đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản Sài Gòn, sau đó làm việc tại Ủy ban Quân quản Thành phố.
Năm 1976, cô con gái Lê Nữ Thùy Dương chào đời, gia đình ông viên mãn cả nếp lẫn tẻ. Khép lại hành trình chinh chiến, ông bắt đầu một hành trình mới – làm kinh tế vì nước, vì dân. Bằng bản lĩnh người lính và tinh thần dấn thân không ngơi nghỉ, ông trở thành doanh nhân tiên phong thời kỳ đổi mới, tạo dựng thương hiệu lớn, đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Năm 2021, ông bà được Đảng và Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/gia-dinh-doanh-nhan-anh-hung-lao-dong-le-van-kiem-tran-cam-nhung-tap-doan-kn-holdings-su-tu-te-sang-tao-va-khong-ngung-hoc-hoi-la-hanh-trang-chung-toi-mang-tu-thoi-chien-sang-thoi-binh-317459.html
Zalo