Việt Nam sau 50 năm Thống nhất: Hướng đến một nền kinh tế hòa bình, hòa nhân - Kinh tế hòa nhân, con đường khó, nhưng đáng để doanh nghiệp đi (Bài 4)

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang dịch chuyển mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội, và minh bạch hóa, 'kinh tế hòa nhân' không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết. Tăng trưởng ngày nay không đơn thuần là 'tăng tốc', mà là 'chọn lọc' - chọn những giá trị thực sự bền vững và nhân văn để theo đuổi.

Kinh tế hòa nhân - Từ triết lý đến chiến lược

Tại Việt Nam, khái niệm “kinh tế hòa nhân” vẫn còn khá mới và không ít thách thức. Bởi lẽ, nó đòi hỏi sự chuyển đổi tư duy sâu sắc: từ việc ưu tiên lợi ích ngắn hạn sang cân nhắc lợi ích dài hạn; từ việc chú trọng tăng trưởng đơn thuần sang phát triển hài hòa, cân bằng và có trách nhiệm.

Hiểu một cách đơn giản, kinh tế hòa nhân là mô hình lấy con người làm trung tâm. Đó là một nền kinh tế mà lợi ích không đến từ việc hy sinh thiên nhiên hay tạo ra bất công xã hội, mà từ sự đồng hành và tôn trọng giữa doanh nghiệp, con người và môi trường. Nơi ấy, tăng trưởng không đánh đổi đạo đức - và hiệu quả không đến từ việc vắt kiệt nguồn lực.

Mô hình này có thể xem như “kinh tế ba lợi”: Lợi người - tạo ra giá trị đích thực cho khách hàng, người lao động và cộng đồng; Lợi mình - giúp doanh nghiệp phát triển bền vững; và Lợi thiên nhiên - tích hợp trách nhiệm môi trường vào mọi hoạt động kinh doanh.

Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp đã chấp nhận chi phí cao hơn để ưu tiên sử dụng giấy vệ sinh tái chế - điều tưởng nhỏ nhưng thể hiện tư duy lớn: phát triển không chỉ là tăng trưởng, mà là trưởng thành có đạo đức. Đó là hình mẫu của một nền kinh tế “đã lớn” - nơi những giá trị nhân văn không còn là khẩu hiệu, mà là định hướng.

Ở Việt Nam, việc theo đuổi “hòa nhân” là một thách thức thực sự - nhất là khi nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn "sinh tồn". Tuy nhiên, chính trong lúc khó khăn, chúng ta càng dễ nhận diện đâu là mô hình bền vững thực sự. Những cú sụp đổ gần đây của các doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận ngắn hạn là lời cảnh báo rõ ràng: nếu thiếu yếu tố nhân văn, sự phát triển sẽ dễ dàng sụp đổ trước khủng hoảng.

Đường khó, nhưng đáng để doanh nghiệp đi

Với doanh nghiệp, việc xây dựng tương lai không bắt đầu từ sản phẩm hay công nghệ, mà bắt đầu từ tư duy lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo cần dũng cảm đặt câu hỏi: “Doanh nghiệp của tôi đang để lại điều gì?”, thay vì chỉ loay hoay với câu hỏi “làm sao để sống sót?”.

Doanh nghiệp không thể được xem là thành công nếu thành công đó để lại hệ quả tiêu cực cho con người, văn hóa hoặc môi trường. Thay vào đó, cần xây dựng mô hình vận hành toàn diện - trong đó doanh nghiệp chăm lo cho toàn bộ hệ sinh thái mình đang sống: từ nhân viên, đối tác, khách hàng đến cộng đồng. Không chỉ đào tạo người giỏi, mà cần nuôi dưỡng người tử tế - bởi chỉ người tử tế mới có thể dẫn dắt tương lai bền vững.

Là người làm trong lĩnh vực đào tạo, tôi thấy rõ: nếu tư duy lãnh đạo không thay đổi, mọi chương trình phát triển bền vững cũng chỉ dừng lại ở bề nổi. “Hòa nhân” không phải là khẩu hiệu để giao khoán, mà là giá trị cần được gieo từ chính người đứng đầu.

Doanh nghiệp nào dám chủ động đặt mình vào hành trình “hòa nhân” - tức sẵn sàng nói không với hợp đồng thiếu minh bạch, từ chối những chiến dịch quảng bá phản cảm hay phi đạo đức - sẽ đối mặt với rất nhiều áp lực. Nhưng chính sự khắt khe này sẽ là lợi thế dài hạn. Vì khách hàng ngày càng tỉnh táo, nhân sự giỏi ngày càng cần ý nghĩa chứ không chỉ lương, và thương hiệu thực sự phải được xây từ bên trong. Khi bạn chọn tiêu chuẩn cao hơn thị trường, bạn có thể mất một vài cơ hội trước mắt, nhưng sẽ giành được sự lựa chọn về lâu dài. Và người có quyền chọn lựa, chính là người dẫn đầu.

Làm thế nào để hiệu quả kinh doanh đến từ việc không gây tổn thương?

Trong thế giới kinh doanh hôm nay, hiệu quả không chỉ nằm ở kết quả cuối cùng, mà còn nằm ở cách chúng ta đi đến kết quả đó. Là một doanh nghiệp chuyên sâu về đào tạo và phát triển con người, chúng tôi có cơ hội gặp gỡ hàng trăm lãnh đạo mỗi năm, và nhận thấy một chuyển biến tích cực: ngày càng nhiều người không chỉ hỏi “làm sao để tăng trưởng?”, mà còn dừng lại để tự vấn “giá trị nào đang bị đánh đổi?”. Điều này cho thấy một sự dịch chuyển đáng kể - từ hiệu suất đơn thuần sang hiệu suất có chiều sâu.

Muốn hiệu quả mà không gây tổn thương, doanh nghiệp cần có sự can đảm trong lựa chọn - lựa chọn điều gì xứng đáng để theo đuổi và điều gì cần buông bỏ. Điều đó bắt đầu từ việc tái định nghĩa mục tiêu tăng trưởng: không chạy theo tốc độ, mà chú trọng độ vững. Không tìm kiếm khách hàng bằng mọi giá, mà xây dựng mối quan hệ dựa trên sự đồng cảm và chia sẻ giá trị. Không coi trách nhiệm xã hội là nhiệm vụ phụ, mà lồng ghép nó ngay trong cách thiết kế sản phẩm, vận hành chuỗi cung ứng và đào tạo đội ngũ.

Doanh nghiệp, về bản chất, là một cơ thể sống. Và cơ thể muốn khỏe mạnh thì không thể sống lệch khỏi các quy luật tự nhiên - bao gồm cả sự cân bằng và tử tế. Khi một tổ chức biết tôn trọng giới hạn, biết nâng niu người lao động, gìn giữ môi trường, thì hiệu quả tài chính không chỉ không giảm đi, mà còn có cơ hội phát triển bền hơn. Không phải những hành động phô trương, mà chính sự kiên trì với các giá trị tử tế, âm thầm nhưng nhất quán, mới là thứ kiến tạo nền móng dài lâu cho doanh nghiệp trong thời đại mới.

“Hòa nhân” - không phải là sự mềm yếu

Tôi nhớ lại một dự án đào tạo quy mô lớn cách đây vài năm. Dù giá trị hợp đồng rất lớn, chúng tôi đã từ chối vì phát hiện mục tiêu phía đối tác đi ngược lại với triết lý giáo dục mà chúng tôi theo đuổi. Họ muốn “kiểm soát con người” thay vì “trao quyền cho con người”. Việc từ chối lúc ấy không dễ, nhưng là quyết định đúng - vì chúng tôi không đánh đổi giá trị cốt lõi để lấy một hợp đồng béo bở. Đó là minh chứng rõ nhất cho tinh thần “hòa nhân” - không mềm yếu, mà là mạnh mẽ và kiên định trong việc giữ vững nguyên tắc sống.

Tôi tâm đắc với triết lý của Kazuo Inamori - nhà sáng lập Kyocera và Japan Airlines, người tin rằng doanh nghiệp tồn tại không chỉ để kiếm lợi nhuận, mà phải giúp mỗi con người sống có ý nghĩa, phát triển cả về trí tuệ lẫn tâm hồn. Nền “kinh tế hòa nhân” không phải là giấc mơ xa vời, mà là đích đến đáng để mọi doanh nghiệp theo đuổi.

(*) Viện Trưởng Viện Doanh Trí, Tổng giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực Dgroup, Chủ tịch CLB CEO 1983.

Hà Thủy ghi

Lê Thị Dung (*)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-sau-50-nam-thong-nhat-huong-den-mot-nen-kinh-te-hoa-binh-hoa-nhan-kinh-te-hoa-nhan-con-duong-kho-nhung-dang-de-doanh-nghiep-di-bai-4-317461.html
Zalo