Từ 'phên dậu' Tổ quốc đến cực tăng trưởng quốc gia
70 năm kể từ ngày giải phóng, từ vùng đất 'phên dậu', 'đầu sóng ngọn gió' Hải Phòng đã chuyển mình mạnh mẽ, trở thành trung tâm kinh tế năng động của miền Bắc và một trong những đầu tàu tăng trưởng của cả nước. Với tầm nhìn chiến lược, quyết sách đột phá và tinh thần kiên cường, thành phố Cảng đang sải những bước dài trên hành trình xây dựng đô thị hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững, khẳng định vị thế mới trong bản đồ phát triển Việt Nam hiện đại.
Bứt phá thành đầu tàu kinh tế
Trải qua 70 năm xây dựng, phát triển kể từ ngày giải phóng (13.5.1955), từ một đô thị công nghiệp và cảng biển truyền thống, thành phố Hải Phòng đã trở thành cực tăng trưởng trọng điểm khu vực phía Bắc, sánh vai cùng các trung tâm lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong 10 năm liên tiếp (2015 - 2024), thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức hai con số - một thành tích hiếm có, trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế ấn tượng, ổn định nhất cả nước trong suốt một thập kỷ.

10 năm liên tiếp (2015-2024), thành phố Hải Phòng duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức hai con số. Ảnh: TTXVN
Riêng năm 2024, tốc độ tăng trưởng của thành phố đạt 11,01%, cao hơn 1,55 lần bình quân cả nước; quy mô nền kinh tế gấp 6,3 lần so với năm 2010, đưa Hải Phòng vào nhóm 5 địa phương có GRDP lớn nhất cả nước cùng với TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai - khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo đúng định hướng hiện đại hóa, đô thị hóa, giảm tỷ trọng của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản, tăng tỷ trọng của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 9.486 USD/người, tăng hơn 20 lần so với năm 2003.
Không chỉ tăng trưởng nhanh, thành phố còn phát triển bền vững với hiệu quả đầu tư cao, chỉ tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp ngày càng tăng vào GRDP và cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với sự lớn mạnh của khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI.
Về thu ngân sách, Hải Phòng đã có bước tiến vượt bậc, tổng thu ngân sách nhà nước tăng trưởng liên tục qua các năm, nhiều năm vượt dự toán Trung ương giao. Giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng thu ngân sách trung bình đạt 7,06%/năm; thu nội địa tăng 9,27%/năm. Đặc biệt, 3 năm liên tiếp (2022 - 2024), tổng thu ngân sách của thành phố vượt mốc 100.000 tỷ đồng - một con số minh chứng rõ rệt cho sức mạnh kinh tế nội tại và hiệu quả điều hành. Chi ngân sách được cơ cấu lại hợp lý, tiết kiệm chi thường xuyên, tập trung tối đa cho đầu tư phát triển. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên tổng chi ngân sách dự kiến đạt 56,66% vào năm 2025 - phản ánh quyết tâm tái cơ cấu chi tiêu công để hướng tới tăng trưởng bền vững.
Cùng với đó, nguồn lực ngân sách được ưu tiên phân bổ cho đầu tư phát triển, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm như: cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, các tuyến đường kết nối liên vùng, cảng Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi… Những dự án này không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn là bàn đạp chiến lược cho sự hội nhập quốc tế của thành phố.
Chuyển mình mạnh mẽ trong cải cách hành chính
Một trong những thành công lớn của Hải Phòng là thu hút đầu tư chất lượng cao mạnh mẽ. Trong 4 năm liên tiếp (2021 - 2024), Hải Phòng luôn nằm trong top 5 thành phố dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó năm 2021 dẫn đầu cả nước với số vốn đầu tư nước ngoài thu hút đạt trên 5 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như LG (Hàn Quốc), Pegatron (Đài Loan), Fujifilm (Nhật Bản) đã chọn Hải Phòng làm điểm đến chiến lược, tạo chuỗi giá trị toàn cầu và đóng góp lớn vào tăng trưởng.
Không chỉ có môi trường đầu tư thuận lợi, thành phố còn chú trọng phát triển hạ tầng hiện đại, đồng bộ với nhiều dự án công trình trọng điểm được xây dựng. Những công trình này không chỉ góp phần mở rộng không gian đô thị mà còn tăng cường khả năng kết nối liên vùng, hội nhập quốc tế, biến Hải Phòng trở thành trung tâm logistics và giao thương quốc tế lớn của miền Bắc.
Đặc biệt, sau 16 năm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập khu kinh đầu tiên của Hải Phòng (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải), cuối năm 2024, thành phố đã được phê duyệt thành lập khu kinh tế thứ hai (Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng) với quy mô 20.000ha. Đây sẽ là động lực tăng trưởng mới, phát triển theo mô hình xanh - thông minh - toàn diện, nâng tầm Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu quốc gia.
Không dừng lại ở những thành tựu kinh tế - hạ tầng, Hải Phòng còn nổi bật với những bước chuyển mạnh mẽ về cải cách hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của thành phố liên tục bứt phá trong những năm gần đây, từ vị trí thấp giai đoạn 2006 - 2011, năm 2022 và 2023 thành phố đã vươn lên top 3 cả nước và thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đặc biệt, năm 2021, lần đầu tiên Hải Phòng xếp hạng 2 toàn quốc về PCI với 70,61 điểm. Sự cải thiện rõ nét về PCI không chỉ thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư mà còn tạo môi trường kinh doanh minh bạch, hiện đại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn nền kinh tế thành phố. Cùng với đó, năm 2024 là năm đầu tiên Hải Phòng dẫn đầu cả nước ở hai chỉ số quan trọng: Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đạt 96,17%; Chỉ số hài lòng của người dân (SIPAS) đạt 90,59% - minh chứng cho việc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của sự phát triển.
Trong không khí phấn khởi kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025, nhìn lại hành trình 70 năm đổi mới, Hải Phòng đã ghi dấu bằng những thành tựu phát triển kinh tế – xã hội vượt bậc, định hình vị thế trung tâm kinh tế biển hàng đầu của quốc gia. Với khát vọng lớn và tinh thần “Trung dũng – Quyết thắng”, thành phố Cảng đang sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới – hiện đại hơn, bền vững hơn, xứng đáng là động lực phát triển mạnh mẽ cho miền Bắc và cả nước.