Slovakia: Môi trường bị đe dọa bởi những yếu kém của cơ quan quản lý
Kiểm toán nhà nước Cộng hòa Slovakia (SAO) vừa qua đã đưa ra lời cảnh báo, cách tiếp cận phi hệ thống của Bộ Môi trường nước này đã và đang đe dọa công tác bảo vệ môi trường, đồng thời có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng.

Một số con sông tại Slovakia bị ô nhiễm nặng. Ảnh: ST
Nhiều thiếu sót tại cơ quan thanh tra môi trường
Một cuộc kiểm toán do SAO thực hiện đã đưa ra kết luận, Bộ Môi trường Slovakia, với vai trò là cơ quan sáng lập Tổng cục Thanh tra môi trường Slovakia (SIE), đã không giám sát cách thức SIE thực hiện nhiệm vụ; đồng thời, thiếu các phương pháp tiếp cận chiến lược ở cấp Bộ. Kể từ năm 2023 đến nay, Ban lãnh đạo SIE đã thay đổi tới 3 lần, điều này phản ánh thực tế là công tác quản lý có hệ thống lâu dài không được thực hiện.
Các kiểm toán viên của SAO cũng nhấn mạnh nguy cơ xung đột lợi ích tại SIE, vì mô hình tích hợp hiện tại về cấp phép và kiểm soát ô nhiễm cho phép cùng một thanh tra viên thực hiện. Nhân sự của SIE vừa cấp phép vừa thanh tra các cơ sở do chính họ phê duyệt. Chương trình nghị sự quá rộng của SIE bị cho là đã làm “méo mó” các hoạt động cốt lõi của Tổng cục.
Vào năm 2013, trách nhiệm của SIE đã được mở rộng đáng kể để bao gồm các hoạt động cấp phép, dẫn đến việc tạo ra một mô hình cấp phép và kiểm soát tích hợp. Trong 2 thập kỷ qua, các chương trình nghị sự đều đã được mở rộng thêm đáng kể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục.
Bên cạnh đó, SAO chỉ ra rằng, mặc dù mức biên chế của SIE theo kế hoạch đã tăng lên trong 4 năm qua, nhưng vẫn chưa có vị trí nào được tuyển. Tình hình trong nội bộ Tổng cục còn phức tạp hơn nữa do số lượng ý kiến phản ánh của người dân và các tổ chức liên tục tăng, trong khi cách thức xử lý các ý kiến này chưa thỏa đáng, chưa kịp thời. Từ năm 2020 đến năm 2023, các trường hợp được báo cáo đã tăng gấp 3 lần, từ hơn 1.300 lên hơn 5.300 trường hợp.
Ngoài ra, một số vấn đề như chức năng, nhiệm vụ chồng chéo giữa SIE và chính quyền các quận, công tác hành chính kém hiệu quả, việc xử lý các vấn đề như xe cộ đi vào các khu vực cần được bảo vệ, khách du lịch đi vào khu vực cấm, du khách không tuân thủ quy định gây thiệt hại về cây cối… Hiệu quả hoạt động của SIE cũng bị cản trở do thiếu các kế hoạch kiểm soát dựa trên rủi ro.
Ông Ľubomír Andrassy cho rằng: “Các thủ tục hành chính tại Tổng cục thường không tương ứng với mức độ nghiêm trọng của các khoản tiền phạt được áp dụng, thường là vài chục euro. Việc xử lý các hành vi vi phạm nhỏ này có thể được giao cho các nhân viên phụ trách và được giải quyết ngay thông qua các khoản tiền phạt tại chỗ chứ không cần SIE xử lý qua nhiều khâu”.
Nâng cao năng lực hoạt động của Tổng cục Thanh tra môi trường
Bộ Môi trường, với tư cách là cơ quan quản lý các chính sách công về môi trường, dự kiến sẽ đề xuất những thay đổi cần thiết về mặt luật pháp trong quý II/2025 để cải thiện hoạt động quản lý môi trường. Thông qua một cuộc khảo sát các cơ quan kiểm toán tối cao tại các quốc gia của Liên minh châu Âu, SAO nhận thấy, các hoạt động cấp phép và thanh tra được hợp nhất trong một cơ quan hoặc đơn vị, tổ chức tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu.
Chủ tịch SAO bày tỏ mối quan ngại khi việc hợp nhất các hoạt động cấp phép và thanh tra trong một đơn vị duy nhất tại Slovakia có thể gây ra nhiều rủi ro, bao gồm các xung đột lợi ích tiềm ẩn, cơ hội để xảy ra nạn tham nhũng, sự lẫn lộn về thẩm quyền... Theo SAO, cần phải điều chỉnh phạm vi, năng lực và cơ cấu tổ chức của SIE để giảm thiểu tối đa các rủi ro đã được xác định thông qua kiểm toán.
Ông Ľubomír Andrassy cho biết thêm: “Hiện tại, SIE giám sát 29 luật, hơn 50 nghị định và 10 quy định của Chính phủ. Ngoài ra, cơ quan này giám sát việc thực hiện gần 40 quy định của Liên minh châu Âu. Khung pháp lý rộng lớn này đòi hỏi phải có đủ nhân sự và nguồn lực kỹ thuật, tuy nhiên hiện nay, hai yếu tố này tại SIE đều đang thiếu”.
Ngân sách hằng năm của SIE từ năm 2020 đến năm 2023 là khoảng 7 triệu euro. Năm 2020, tỷ lệ biên chế nhân sự tại SIE là 90%, đến năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 78%.
Cơ cấu hiện tại của SIE cần được đánh giá lại và toàn bộ hệ thống quản lý phải trải qua quá trình cải cách. Nhiệm vụ chính của cơ quan này là giám sát và thanh tra công tác bảo vệ môi trường, có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng. Việc mở rộng đáng kể trách nhiệm của SIE trong bối cảnh tài chính và nhân sự thiếu thốn sẽ làm hạn chế nghiêm trọng vai trò chiến lược của cơ quan trong công tác giám sát việc tuân thủ các quy định liên quan đến môi trường.
Ông Ľubomír Andrassy nhấn mạnh: “SIE cần bổ sung nhân sự, tăng cường đào tạo nhằm nâng cao năng lực của nhân lực, củng cố đội ngũ chuyên gia, khẳng định thẩm quyền và đề cao vai trò của Tổng cục trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khắp các khu vực của Slovakia”./.
(Theo SAO và tổng hợp)