Ghi danh lễ hội để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Đồng Nai đang nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thông qua việc lập hồ sơ, đề nghị ghi danh nhiều lễ hội vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Người dân háo hức tham gia hoạt động văn hóa Lễ Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024. Ảnh: L.Na

Người dân háo hức tham gia hoạt động văn hóa Lễ Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh năm 2024. Ảnh: L.Na

Việc đề xuất ghi danh các lễ hội không chỉ khẳng định tầm quan trọng của các lễ hội trong đời sống cộng đồng, mà đây còn là bước đi quan trọng để bảo tồn giá trị văn hóa trước nguy cơ mai một, thúc đẩy phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Đồng Nai đến với du khách trong và ngoài nước.

Thêm nhiều lễ hội được đề nghị ghi danh

Lễ Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh và Lễ hội Làm chay miếu Tổ sư là 2 trong số những lễ hội truyền thống được Đồng Nai lập hồ sơ, đề nghị ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025. Trong đó, Lễ Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức để tưởng nhớ công lao của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh, người có công trong việc mở mang bờ cõi phương Nam. Lễ giỗ gồm 2 phần, phần lễ với các nghi thức truyền thống như dâng hương, rước kiệu và phần hội với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Ông Nguyễn Trung Cang, Ban Quý tế đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, cho biết Lễ Giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh hàng năm gắn liền với Di tích lịch sử Đền thờ và mộ Nguyễn Hữu Cảnh - một trong những di tích tiêu biểu đánh dấu tiến trình hơn 325 năm hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Thông qua thực hành lễ giỗ, các tri thức văn hóa được trao truyền, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân ở địa phương, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong cộng đồng, tương trợ nhau trong cuộc sống.

Hàng năm, tại Di tích Miếu Tổ Sư (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) đều tổ chức Lễ Vía tam vị Tổ Sư vào ngày 13-6 âm lịch. Tuy nhiên, theo tục lệ xưa, đáo lệ 3 năm/lần, miếu Tổ Sư tổ chức lễ hội làm chay quy mô lớn với nhiều nghi thức lễ và hội kéo dài từ ngày 10 đến 13-6 âm lịch để tri ân, tưởng nhớ công đức tam vị Tổ Sư, Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan thánh Đế Quân và các chư vị thần khác. Đây là lễ hội lớn của cộng đồng người Hoa bang Hẹ ở Biên Hòa, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia.

Trưởng ban Trị sự Di tích Miếu Tổ Sư Trương Lâm Thủy cho hay, nhiều năm qua, ban trị sự đã chủ động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Miếu Tổ Sư và Lễ hội Làm chay bằng các việc làm cụ thể. Trong đó có việc cung cấp thông tin phục vụ nghiên cứu, học tập, tìm hiểu của học sinh, sinh viên; làm phim giới thiệu di tích, đăng tải các video lễ hội trên Youtube, Facebook để quảng bá, giới thiệu lễ hội trong nước và quốc tế. Lễ hội đã và đang duy trì, thực hành và quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống của cả người Hoa và người Việt trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Ngoài Lễ giỗ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh và Lễ hội Làm chay của người Hoa ở miếu Tổ sư, Đồng Nai đã xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị ghi danh Lễ hội Sayangva của người Chơro ở Đồng Nai vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là việc làm có ý nghĩa to lớn trong công cuộc bảo vệ di sản văn hóa, là cách để thế hệ hôm nay giữ gìn và trao truyền những giá trị quý báu cho thế hệ mai sau.

Bước đi quan trọng gìn giữ hồn cốt dân tộc

Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, thạc sĩ Trần Quang Toại cho biết, ý nghĩa của Lễ Giỗ Đức Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh quan trọng không riêng gì với người dân Biên Hòa - Đồng Nai, mà còn có tầm ảnh hưởng đối với cả vùng Nam Bộ. Ở nhiều tỉnh, thành phố hiện nay có thờ Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh. Bởi vậy, việc tổ chức Lễ Giỗ Đức ông nên phát triển thành lễ giỗ của cả vùng nhằm tạo sức lan tỏa trong nhân dân.

“Tôi cho rằng, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Đồng Nai nên phối hợp với Sở Văn hóa, thể thao du lịch tỉnh An Giang, tỉnh Quảng Bình… tổ chức các hoạt động giao lưu, họp mặt ban quý tế các đình trong Lễ Giỗ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Chính sự kết tinh của giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, khoa học, giá trị đạo đức, nhân văn của lễ giỗ góp phần tạo nên sức mạnh của văn hóa, phản ánh tâm thức văn hóa của dân tộc” - thạc sĩ Trần Quang Toại chia sẻ.

Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện và giới thiệu tour tham quan thực tế ảo 360 Di tích quốc gia Đền thờ - mộ Nguyễn Hữu Cảnh. Trong lộ trình sắp tới, bảo tàng tiếp tục lập hồ sơ khoa học nâng cấp Di tích Miếu Tổ Sư từ xếp hạng cấp tỉnh lên cấp quốc gia, xứng tầm với giá trị vốn có của di tích. Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai đã kiểm kê và sẽ xây dựng kế hoạch số hóa hiện vật di tích, làm phim 360 thực tế ảo giới thiệu Di tích Miếu Tổ Sư và Lễ hội Làm chay.

Những nỗ lực của Đồng Nai trong việc lập hồ sơ, đề nghị ghi danh các lễ hội truyền thống vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một bước đi quan trọng trong hành trình giữ gìn hồn cốt văn hóa dân tộc. Bởi, một khi di sản văn hóa được bảo tồn đúng cách, đó không chỉ là sự tôn vinh quá khứ, mà còn là nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa trong tương lai.

Ly Na

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202502/ghi-danh-le-hoi-de-bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the-7e36208/
Zalo