Họa sĩ, nhà điêu khắc Bùi Đức Thành:Cảm hứng nghệ thuật từ yoga
15 năm theo đuổi bộ môn yoga, họa sĩ, nhà điêu khắc Bùi Đức Thành đã tìm cho mình lối đi riêng trong nghệ thuật khi chuyển tải những hình ảnh đẹp của yoga và người phụ nữ qua những bức tranh lụa, tượng gốm, tượng đồng.
Mới đây, anh giới thiệu đến công chúng yêu hội họa triển lãm “Hít thở 2” giới thiệu 45 bức tranh lụa và 18 tượng điêu khắc, tiếp tục khai thác vẻ đẹp của người phụ nữ trong các thế yoga, từ đó tôn vinh vẻ đẹp hình thể cũng như tinh thần của phái đẹp.

Họa sĩ, nhà điêu khắc Bùi Đức Thành.
- Thưa họa sĩ Bùi Đức Thành, ông có dụng ý gì không khi chọn thời điểm ra mắt những tác phẩm mới nhất của mình về chủ đề yoga và những người phụ nữ đúng dịp đầu năm mới 2025?
- Yoga và những con giáp là một ý tưởng tôi đang thực hiện. Năm Giáp Thìn 2024, tôi cũng vẽ một tác phẩm chào xuân mới có hình ảnh yoga lồng ghép với rồng. Trong 45 bức tranh lụa và 18 tượng điêu khắc lấy cảm hứng từ yoga trong triển lãm lần này có bức tranh hoa chuối rừng, mang ý nghĩa về sự sinh sôi nảy nở. Bên cạnh đó là hai bức tranh yoga với động tác “Rắn hổ mang”, hình ảnh cô gái đang tập yoga trong khung cảnh thiên nhiên với lá trầu bà.
Tôi có duyên với yoga 15 năm nay. Là người tập yoga nên tôi cảm thấy có nhiều năng lượng tích cực, đặc biệt trong không khí mùa xuân và muốn truyền cảm hứng đó tới người xem. Thông qua vẻ đẹp của yoga, tôi muốn chuyển tải đến mọi người những nét đẹp của người phụ nữ mà con người thường hướng tới, với những hình ảnh hoặc những động tác khó.
- Phải chăng nét thú vị ẩn giấu sau những tác phẩm của ông, ngoài chủ đề riêng, là sự tương phản chất liệu: Sự mềm mại của lụa và sự rắn rỏi của những tác phẩm điêu khắc bằng đồng, gốm?
- Lụa là chất liệu truyền thống của hội họa nước ta. Các thế hệ họa sĩ trước vẽ lụa truyền thống thường vẽ đậm, rửa nhiều lần và cũng khá kiệm màu. Tôi cố gắng thoát ra khỏi những gò bó của truyền thống, với những màu sắc vừa giữ được êm dịu, trong trẻo và đa màu sắc hơn. Đáng lưu ý trong triển lãm này, tôi có hai bức tranh lụa mang tính thử nghiệm khi sử dụng những đường cắt chéo, tạo thành hình tam giác, hình thoi để tạo nên bức tranh, mang hơi hướng của phong cách lập thể.
Tôi đến với lụa và sau đó là làm tượng đồng, tượng gốm như một cơ duyên rất ngẫu nhiên. Năm 2018, tôi và một người bạn cùng sang Bát Tràng chơi. Anh bạn tôi thì sửa tượng, còn tôi thì “nghịch đất” rồi mê luôn. Từ đó, tôi vừa sang Bát Tràng học hỏi, vừa tự làm ở nhà. Các bạn của tôi cũng rất ủng hộ, bày tỏ sự thích thú với những tác phẩm và cho rằng có gì đó rất riêng. Điều đó như một động lực để tôi làm tượng cũng như vẽ tranh về đề tài yoga. Triển lãm cá nhân đầu tiên của tôi là “Hít thở 1” năm 2023 thành công và cho đến nay tôi đã thực hiện được mong muốn của mình khi tiếp tục theo đuổi đề tài này, tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ qua những động tác yoga với tranh và tượng.
- Như ông chia sẻ: Yoga là một mảnh đất màu mỡ có thể tiếp tục khai phá. Nhìn lại hai triển lãm “Hít thở 1” và “Hít thở 2”, bản thân ông đã có sự thay đổi như thế nào?
- Trước đây tôi tham gia nhiều triển lãm nhóm, khu vực cùng với mọi người. Trong những năm Covid, tôi tập trung cho công việc sáng tác nhiều hơn, vừa vẽ vừa nặn tượng. Ý tưởng triển lãm cá nhân cũng hình thành sau đó. Hôm trước khai mạc triển lãm cá nhân đầu tiên, đứng trước những tác phẩm đã được treo lên, tôi rất xúc động và đôi khi cũng tự ngạc nhiên, bởi mình đã làm được một khối lượng công việc rất lớn trong hơn 2 năm. Đó là gần 100 tác phẩm, sau đó chọn ra 54 tác phẩm để giới thiệu với mọi người trong triển lãm “Hít thở 1”. Điều tôi vui hơn nữa là những tác phẩm của mình được hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và sau triển lãm tôi đã bán được 40% số lượng tác phẩm trưng bày.
Với loạt tranh trong triển lãm “Hít thở 2”, tôi vẫn ca ngợi vẻ đẹp người phụ nữ trong những động tác yoga, nhưng có thay đổi một chút về hình thức nghệ thuật, một số góc nhìn khác để bức tranh có chiều sâu hơn, về mặt ngôn ngữ cũng được sáng rõ hơn. Những động tác yoga rất đẹp, có những động tác khó mà người tập lâu năm, có cơ địa mềm dẻo mới có thể làm được. Ngoài những động tác ấy, tôi cũng muốn cường điệu hơn để giống những hình ảnh mà con người luôn khao khát vươn tới, chiến thắng bản thân mình.
- Ông là người được đào tạo bài bản về hội họa tại Đại học Mỹ thuật, có nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy nhưng tại sao khi ở tuổi 68 mới thực hiện triển lãm cá nhân?
- Thời bao cấp, tôi là một giáo viên dạy mỹ thuật. Tuy vậy, đời sống khó khăn nên tôi cũng lao vào cuộc sống mưu sinh như bao người. Năm 2003, người vợ đầu của tôi mất. Tôi vừa nuôi con, vừa đi dạy, vừa làm thêm để trang trải cuộc sống gia đình. Lúc đó, tôi bận nhiều công việc ở trường cũng như việc gia đình nên việc vẽ có phần sao nhãng. Tuy vậy, những năm tháng khó khăn ấy, thi thoảng, tôi cũng tham gia một số triển lãm cùng đồng nghiệp. Mãi tới khi về hưu, các con đã trưởng thành, tôi dành thời gian để vẽ nhiều hơn, sống cho mình và cho hội họa nhiều hơn. Tôi cảm thấy mình thiếu thời gian, trân quý thời gian nhiều hơn.
- Trân trọng cảm ơn ông!