Du lịch Lạng Sơn hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách, giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy ngành kinh tế này.
Những năm qua, ngành du lịch Lạng Sơn đã được quan tâm đầu tư, phát triển và đạt được những kết quả khả quan; từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế địa phương. Riêng năm 2024, lượng khách tới Lạng Sơn ước đạt trên 4,2 triệu lượt, doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 4.300 tỷ đồng... Dù vậy, những kết quả này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế du lịch của xứ Lạng.
Bàn về thương hiệu điểm đến và xây dựng sản phẩm du lịch: “Tìm đến Kỳ Cùng - tìm về cội nguồn nơi dòng sông chảy ngược”, PGS.TS Dương Văn Sáu, Nguyên trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nêu ý kiến: “Trong các tài nguyên vốn có thì Lạng Sơn sở hữu 1 điểm đến đặc biệt, đó là sông Kỳ Cùng - một dòng sông đặc biệt ở Việt Nam. Khác với các dòng sông khác chảy xuôi, thì dòng sông này lại bắt đầu từ Việt Nam, quanh co trong núi rừng xứ Lạng, rồi chảy ngược về Trung Quốc. Đối với du lịch, dòng sông này là một tài nguyên sinh thái, văn hóa đặc sắc, duy nhất có ở Lạng Sơn. Đây là điểm đến tuyệt vời về thiên nhiên sinh thái, cần phải được nghiên cứu, đầu tư, khai thác và phát triển để trở thành điểm đến độc đáo ở Việt Nam”.
Cùng với việc huy động các nguồn lực xã hội đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, tỉnh Lạng Sơn cũng chú trọng tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch để từ đó có những chính sách phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch Lạng Sơn từ nay đến năm 2030.
Ông Kiều Bắc Dương, đại diện một doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho rằng: “Lạng Sơn có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, là một nơi để phát triển du lịch rất tốt. Để phát triển bền vững và lâu dài thì Lạng Sơn cần phát triển nguồn nhân lực trực tiếp làm trong ngành du lịch. Bên cạnh đó cũng cần phát triển về giao thông, cơ sở hạ tầng thực sự đồng bộ từ các điểm, khu du lịch để thuận lợi cho du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng".