Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận: Phải đảm bảo an toàn và tự chủ công nghệ
Bên lề kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đã chia sẻ những ý kiến đóng góp vào việc triển khai dự án này, hướng đến mục tiêu an toàn, hiệu quả và tự chủ công nghệ.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là một dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Để dự án thành công, cần có sự đồng lòng, nhất trí của toàn hệ thống chính trị, sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và sự ủng hộ của người dân.
Hoàn thiện khung pháp lý
Sáng ngày 14/2, Quốc hội đã chính thức lắng nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Đây là một bước tiến quan trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tái khởi động chương trình điện hạt nhân, hướng đến đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta nên rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện."
Theo Bộ trưởng, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Chương trình điện hạt nhân và Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp đó, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174 ngày 30/11/2024 về việc “Tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.”
Mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là đưa Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong giai đoạn 2030-2031. Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần phải có những giải pháp đồng bộ và hiệu quả, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Trịnh Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) cho hay việc hoàn thiện khung pháp lý và xây dựng cơ quan pháp quy độc lập là hai vấn đề cấp bách cần được ưu tiên hàng đầu.
"Tôi nghĩ có hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất là cần phải hoàn thiện quy định về pháp luật về năng lượng nguyên tử," đại biểu Trịnh Tú Anh nhấn mạnh. Theo đó, Luật Năng lượng Nguyên tử cần phải là một luật chuyên ngành đặc thù, với mục đích đảm bảo an toàn và an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung, cũng như nhà máy điện hạt nhân nói riêng.
Cụ thể, Luật Năng lượng Nguyên tử sẽ quy định rõ các chính sách của Nhà nước và các nguyên tắc về đảm bảo an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử quốc gia, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng các quy định pháp luật trong lĩnh vực này. Cùng với đó, đại biểu Tú Anh cho biết dự thảo Luật Năng lượng Nguyên tử đã và đang được các cấp có thẩm quyền xây dựng và sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tiếp theo.
Thứ hai, đại biểu Trịnh Tú Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một cơ quan pháp quy độc lập. Theo quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), cơ quan pháp quy phải là một cơ quan độc lập với các hệ thống đang vận hành.
"Chúng ta chưa có một cơ quan như thế mà hiện nay đang tích hợp chức năng quản lý ở trong các Bộ, ngành. Vì vậy, chúng ta cần thiết cấp thiết phải có một cơ quan pháp quy hạt nhân chuyên nghiệp và thực sự thực hiện chức năng pháp quy hạt nhân theo đúng định nghĩa, theo đúng quy định của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế," đại biểu Trịnh Tú Anh cho biết.
Cần xây dựng chương trình đào tạo đặc biệt về nguồn nhân lực
Đánh giá về chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Trịnh Tú Anh nhấn mạnh chủ trương xây dựng, khởi động, tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là rất đúng đắn và kịp thời của các cấp có thẩm quyền.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2030-2050. Việc phát triển điện hạt nhân sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời đáp ứng các cam kết về giảm phát thải mà Việt Nam đã đưa ra tại COP26.
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Tú Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vẫn còn nhiều điều mới mẻ đối với Việt Nam. Để dự án có thể thực hiện thành công, cần phải chú trọng đến ba yếu tố quan trọng là năng lực của chủ đầu tư, cơ quan pháp quy độc lập và các nhà cung cấp trang thiết bị uy tín. Thêm vào đó, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
"Nguồn nhân lực là một yếu tố đảm bảo cho sự thành công của bất cứ một dự án nào," đại biểu Tú Anh nói.
Trước đây, khi Việt Nam có ý định xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhiều chuyên gia đã được cử đi đào tạo tại nước ngoài. Theo đó, đội ngũ chuyên gia trong nước cũng đã dần làm chủ công nghệ vận hành, đặc biệt là vận hành lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt.
Song, đại biểu Trịnh Tú Anh cho rằng nguồn nhân lực hiện tại vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
"Theo tính toán đối với một tổ máy có thể có 1.600 người nhận nhân lực để thực hiện làm việc tại nhà máy điện này," đại biểu cho biết.
Để giải quyết yêu cầu này, đại biểu Tú Anh đề xuất chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, để xây dựng những chương trình đào tạo đặc biệt, khẩn cấp, nhằm xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.
"Tôi xin nhấn mạnh là chúng ta cần làm chủ công nghệ vận hành, bảo trì, bảo dưỡng nhà máy để nhà máy hoạt động đạt ra trong điều kiện tốt nhất," đại biểu Trịnh Tú Anh nói./.