Đón Tết xa quê, thầy cô người Việt không quên tái hiện phong tục cổ truyền

Dù sống xa quê hương, các thầy cô giáo Việt vẫn luôn hướng về gia đình và gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống vào mỗi dịp Tết.

Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn nhất trong năm của người Việt Nam, là thời gian để gia đình sum vầy, chia sẻ niềm vui và hy vọng cho một năm mới bình an, thịnh vượng.

Đối với những thầy cô giáo người Việt làm việc ở nước ngoài, dù không được đón Tết cùng gia đình, họ vẫn tìm cách tái hiện không khí Tết qua những phong tục cổ truyền hay các món ăn truyền thống.

Dù ở bất kỳ nơi đâu, họ vẫn duy trì phong tục đón Tết như một cách kết nối với quê hương, gia đình, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa Việt giữa cộng đồng quốc tế.

Tái hiện không khí Tết Việt để giữ gìn những phong tục truyền thống

Thầy Vũ Đức Minh (30 tuổi), giảng viên tại UTS College, trực thuộc University of Technology Sydney (Đại học Công nghệ Sydney, Úc) đã có nhiều năm sinh sống và đón Tết Nguyên đán tại nước ngoài, kể từ năm 2010, khi còn là du học sinh.

Trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Minh chia sẻ, mỗi khi Tết đến, bản thân cảm thấy nhớ nhà, đặc biệt là những khoảnh khắc sum vầy bên mâm cơm gia đình và thời khắc đón giao thừa.

“Không khí Tết ở Việt Nam luôn có một sức hút đặc biệt với tôi. Tại Úc, người dân không có kỳ nghỉ lễ dành cho Tết âm lịch, và cũng không có văn hóa đón Tết như ở Việt Nam. Ngày 29, 30 hay mùng 1 Tết, tôi vẫn đi làm bình thường, nhưng trong lòng lại luôn nhớ về không khí chuẩn bị Tết rộn ràng ở quê nhà.

Tết ở Việt Nam là thời gian để gia đình sum vầy, cùng nhau đi mua đào, quất, trang trí nhà cửa, mua quần áo mới. Người người, nhà nhà đều tạo nên không khí rất náo nhiệt. Tôi luôn nhớ cảm xúc hân hoan khi gặp ông bà, họ hàng và gửi những lời chúc bình an, may mắn đến từng người thân thương”, thầy Minh xúc động chia sẻ.

 Thầy Vũ Đức Minh - Giảng viên tại UTS College - Đại học Công nghệ Sydney (thành phố Sydney, Úc). Ảnh: NVCC

Thầy Vũ Đức Minh - Giảng viên tại UTS College - Đại học Công nghệ Sydney (thành phố Sydney, Úc). Ảnh: NVCC

Sinh sống xa quê hương, nam giảng viên vẫn giữ những phong tục cổ truyền trong dịp Tết Nguyên đán. Dù bận đến mấy, thầy vẫn cố gắng chuẩn bị mâm ngũ quả hay mâm cỗ nhỏ cho đêm giao thừa.

Mâm cỗ của nam giảng viên đơn giản với các món quen thuộc như bánh chưng, nem rán, giò lụa,… Nếu có thời gian, thầy cùng bạn bè gói bánh chưng, hoặc vào mùng 2, mùng 3 Tết đi chùa cầu may. Càng đi xa, nam giảng viên càng thấm thía và trân trọng hơn giá trị của những phong tục truyền thống ở quê hương.

Giảng viên trẻ kể lại kỉ niệm khiến thầy nhớ mãi khi lần đầu tự tay chuẩn bị mâm cơm đón giao thừa: “Theo tư vấn của mẹ, tôi chuẩn bị xôi, gà luộc và rượu vang. Vì lúc đó không tìm được trái gấc để tạo màu đỏ cho xôi nên tôi đã sử dụng màu thực phẩm ngâm với gạo để xôi có màu đỏ đẹp và nấu bằng nồi cơm điện. Nhưng sau đó có một “sự cố” khiến tôi không thể quên.

Khi mua gà tại chợ tây, tôi đã không để ý rằng gà ở đây được sơ chế khác so với ở Việt Nam. Tôi rất lo lắng vì đã gần đến giờ đón giao thừa mà vẫn chưa mua đủ nguyên liệu để hoàn thành mâm cơm, các cửa hàng bên Úc cũng sắp đến giờ đóng cửa. Sau đó, tôi đã nhanh chóng mượn xe và tức tốc đến khu chợ Việt Nam để hỏi mua gà. Rất may sau đó tôi vẫn đến kịp trước khi cửa hàng thịt đóng cửa”.

Thầy Minh cho biết thêm, những năm đầu xa quê, nam giảng viên đón Tết cùng một vài người thân sinh sống tại Úc nên không cảm thấy quá cô đơn. Tuy nhiên, vài năm sau đó, khi người thân về Việt Nam, phải đón Tết một mình khiến thầy cảm thấy lạc lõng và cô đơn hơn rất nhiều.

“Đã có lúc tôi thấy mình lạc nhịp với cuộc sống nơi xứ người. Thời gian đầu chưa biết nấu ăn nên tôi ăn uống qua loa, đôi khi tôi cảm thấy rất tủi thân. Những lúc buồn, tôi lại bật chương trình Gặp nhau cuối năm trên YouTube rồi tua đi tua lại để có âm thanh ngày Tết.

Sau đó, tôi nhận ra rằng, dù xa nhà nhưng bản thân vẫn có thể tái hiện không khí ngày Tết. Tuy không thể giống hoàn toàn nhưng điều đó vẫn giúp tôi như được về Việt Nam đón Tết cùng gia đình, người thân”.

Cô Nguyễn Cẩm Tú (41 tuổi), giảng viên tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cũng chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi đón Tết xa quê hương.

Cô Tú cho biết bản thân bắt đầu học tập và làm việc tại Nhật Bản và Trung Quốc từ năm 2008 và đã trải qua hơn 16 năm sống xa gia đình. Mỗi đất nước, mỗi giai đoạn đều mang đến cho nữ giảng viên những cảm nhận rất khác nhau về không khí đón Tết Nguyên đán.

“Khi còn là sinh viên, tôi cảm nhận được không khí Tết ở nước ngoài sôi động và đầy sự gắn kết trong cộng đồng người Việt. Sau này, khi đã lập gia đình và có con, những cái Tết bên gia đình nhỏ của mình mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm mới mẻ, ấm áp”, nữ giảng viên chia sẻ.

Hiện cô Cẩm Tú sinh sống tại Trung Quốc, nơi có nhiều phong tục đón năm mới tương đồng với Việt Nam, như bữa cơm tất niên, du xuân hay lì xì đầu năm. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc cũng có những nét khác biệt so với Việt Nam.

Nữ giảng viên kể: “Khác với Việt Nam, người Trung Quốc thường làm sủi cảo để đón Tết. Cũng như bánh chưng là món ăn truyền thống của người Việt, sủi cảo là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết của người Trung Quốc. Trước đêm giao thừa, cả gia đình ngồi quây quần gói sủi cảo và thưởng thức cùng nhau.

Ngoài ra, người dân Trung Quốc còn tổ chức các nghi lễ tiễn ông Công ông Táo theo cách riêng và phong tục lì xì cũng dần chuyển sang hình thức điện tử”.

 Cô Cẩm Tú cùng con trai trong trang phục áo dài Việt Nam đón Tết. (Ảnh: NVCC)

Cô Cẩm Tú cùng con trai trong trang phục áo dài Việt Nam đón Tết. (Ảnh: NVCC)

Gia đình cô Cẩm Tú thường luân phiên đón Tết Nguyên đán tại Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng dù ở đâu, cô luôn chuẩn bị thêm bánh chưng và một số món truyền thống của Việt Nam để giữ không khí Tết quê nhà.

“Tết luôn là dịp mà tôi mong muốn trở về nhà nhất. May mắn thay, trong năm đầu xa quê hương, tôi có nhiều bạn bè và anh chị người Việt đồng hành bên cạnh, giúp tôi vơi bớt cảm giác nhớ nhà.

Cộng đồng người Việt tại nơi tôi sinh sống thường tổ chức các hoạt động đón Tết. Đây không chỉ là dịp để mọi người sum họp mà còn là cơ hội để giới thiệu với bạn bè quốc tế về phong tục truyền thống Việt Nam. Mọi người đều rất ấn tượng với nét đẹp văn hóa Việt, đặc biệt là ẩm thực truyền thống của Việt Nam.

Do công việc và học tập không quá xa, tôi cũng thường thu xếp để về Việt Nam đón Tết, giữ trọn vẹn ý nghĩa của những ngày đầu năm bên gia đình”, cô Cẩm Tú chia sẻ.

Kỷ niệm đáng nhớ nhất khi đón Tết ở nước ngoài là vào năm 2021, khi gia đình nữ giảng viên vừa đoàn tụ sau thời gian dài xa cách vì Covid-19. Trước đó, cô Cẩm Tú và người con lớn đã về Việt Nam và bị kẹt lại gần một năm mới có thể trở lại Trung Quốc. Đón Tết trong hoàn cảnh dịch bệnh, gia đình cô hạn chế gặp gỡ mọi người và chủ yếu dành thời gian quây quần bên nhau. Dù cảm giác lo lắng và hy vọng đan xen nhưng với cô Cẩm Tú, sự đoàn tụ đã làm cho Tết năm ấy trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Gìn giữ nét đẹp Tết Nguyên đán, truyền cảm hứng văn hóa Việt cho con

Từ khi còn là du học sinh cho đến khi lập gia đình và làm việc tại Mỹ, cô Tô Minh Tú (27 tuổi), giảng viên ngành Kiểm toán tại Đại học Troy (bang Alabama, Mỹ), đã trải qua 9 năm đón Tết xa quê. Cô tâm sự, dịp Tết Nguyên Đán ở Mỹ thường trùng với ngày làm việc và học tập bình thường nên không được sum vầy cùng gia đình.

Nhớ lại không khí đón Tết tại Việt Nam, cô Minh Tú chia sẻ: “Những ngày Tết đặc biệt vui vẻ, không chỉ ở những khoảnh khắc sum họp mà còn ở công việc chuẩn bị cho Tết như dọn dẹp nhà cửa, mua sắm quần áo mới, gói bánh chưng,... Tôi cảm nhận không khí đường phố nhộn nhịp, mọi người đều háo hức. Tết còn là dịp nghỉ dài ngày, mang lại nhiều thời gian cho gia đình quây quần, trò chuyện, tạo nên bầu không khí thân mật và ấm cúng”.

Hiện tại, gia đình cô Minh Tú đang sống tại một thành phố nhỏ ở Mỹ. Mỗi dịp Tết đến, nữ giảng viên đều lái xe vài tiếng đến khu chợ Việt Nam tại thành phố lớn để mua sắm các món ăn truyền thống và đồ trang trí.

Mỗi năm, gia đình cô Tú đều duy trì những phong tục truyền thống của người Việt như cùng nhau trang trí nhà cửa và làm các món ăn đặc trưng như gà luộc, xôi, bánh chưng, giò lụa. Đây cũng là cách để cô vơi đi nỗi nhớ nhà và giữ gìn nét đẹp văn hóa của quê hương.

“Vào dịp này, khi lên giảng đường, tôi cũng hay chia sẻ với sinh viên và đồng nghiệp về truyền thống ăn Tết của người Việt Nam. Ai nghe cũng đều cảm thấy thích thú”, cô Tú cho biết.

 Gia đình cô Tô Minh Tú - giảng viên tại Đại học Troy (bang Alabama, Mỹ). (Ảnh: NVCC)

Gia đình cô Tô Minh Tú - giảng viên tại Đại học Troy (bang Alabama, Mỹ). (Ảnh: NVCC)

Khi còn là du học sinh, cô Tú thường tham gia vào các buổi liên hoan đón Tết được tổ chức bởi hội du học sinh Việt Nam. Mọi người cùng nhau hát, múa bằng tiếng Việt và tiếng Anh, nấu các món ăn truyền thống, tạo nên một không gian ấm cúng và đầy nghĩa tình.

Kể từ khi làm mẹ, cô Minh Tú càng chú trọng hơn đến việc truyền dạy văn hóa Việt Nam cho con. Trước đây, khi chưa có con, vào dịp Tết Nguyên đán cô chỉ thường gọi điện về cho gia đình hoặc ăn một vài món truyền thống. Nhưng giờ đây, nữ giảng viên trẻ dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, truyện về ngày Tết, cùng con nấu những món ngon, trang trí nhà cửa và tặng quà. Thông qua việc này, cô muốn con trai mình hiểu và yêu mến hơn văn hóa Tết của dân tộc Việt Nam.

“Theo phong tục vào những ngày Tết, tôi lì xì cho con để con biết được những nét đẹp truyền thống của Việt Nam. Gia đình tôi cũng chuẩn bị bao lì xì và kẹo sô-cô-la hình đồng xu để con trai có thể mang đến lớp và lì xì cho các bạn học”, nữ giảng viên tâm sự.

Để về Việt Nam đón Tết cần chuẩn bị trước 6-8 tháng, chi phí cũng là vấn đề lớn

Cô Minh Tú cho biết, chi phí di chuyển giữa Mỹ và Việt Nam trong dịp Tết khá cao và việc sắp xếp thời gian về Việt Nam cũng không dễ dàng nên cô cũng khó có thể về thăm gia đình vào dịp Tết Nguyên đán.

“Do công việc bận rộn và không có kỳ nghỉ, gia đình tôi khó có thể về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt, khi con trai lớn lên và phải đi học, việc về Việt Nam vào dịp này càng trở nên khó khăn.

Mỗi lần về thăm quê, gia đình tôi sẽ ở lại ít nhất hai tuần. Nếu có kế hoạch về Việt Nam ăn Tết, chúng tôi phải lên kế hoạch rất sớm, ít nhất 6-8 tháng trước. Việc đầu tiên là mua vé máy bay, vé khứ hồi có giá dao động từ 1.500 - 2.500 USD/người (khoảng 38-50 triệu đồng), tùy vào từng địa điểm. Nhiều gia đình thường kết hợp về Việt Nam để đón Tết và du lịch, nên họ cũng phải lên kế hoạch hành trình và đặt chỗ sớm.

Tổng chi phí cho một gia đình 4 người về Việt Nam sẽ dao động từ 15.000 - 25.000 USD (khoảng 379-631 triệu đồng, tùy theo kế hoạch và cách chi tiêu”, cô Minh Tú thông tin thêm.

Trong khi đó, thầy Vũ Đức Minh cho biết, để về Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán là một bài toán lớn về chi phí và thời gian di chuyển. Vé máy bay dịp cận Tết khá đắt đỏ và số lượng vé có thể hết nhanh chóng. Chính vì vậy, nếu muốn về về nước đón Tết thì việc lên kế hoạch từ sớm là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, vì Tết Nguyên đán không phải là ngày lễ chính thức ở Úc, các công ty, cơ quan không có chế độ nghỉ lễ. Do vậy, khi có dự định về nước vào dịp này, nam giảng viên cần phải tính toán nghỉ phép sao cho hợp lý để vừa có thể về quê đón Tết vừa không ảnh hưởng đến công việc.

 Cô Minh Tú và chồng trong 1 sự kiện đón Tết của hội du học sinh Việt Nam tại Đại học Troy (Mỹ). (Ảnh: NVCC)

Cô Minh Tú và chồng trong 1 sự kiện đón Tết của hội du học sinh Việt Nam tại Đại học Troy (Mỹ). (Ảnh: NVCC)

Cùng chia sẻ về chi phí về Việt Nam đón Tết, cô Nguyễn Cẩm Tú thông tin, vì nữ giảng viên sinh sống tại Trung Quốc, giáp với Việt Nam nên chi phí thấp các quốc gia khác. Do đó, gia đình cô cũng có cơ hội về Việt Nam đón Tết nhiều hơn.

Theo nữ giảng viên, chi phí cho mỗi chuyến đi từ Trung Quốc về Việt Nam khoảng 6 triệu đồng cho một người. Mỗi lần về thăm nhà, cô thường mang theo một vài món quà nhỏ đặc trưng từ Trung Quốc như trà hoặc mứt để gửi tặng gia đình, bạn bè. Đây cũng là dịp để các thành viên cô chia sẻ thêm với chồng, con về phong tục Tết cổ truyền của dân tộc.

Nữ giảng viên cho hay: “Cách tôi cảm nhận về Tết Nguyên đán không thay đổi nhiều qua thời gian. Có lẽ vì hay đón Tết ở nước ngoài nên tôi càng hướng về Tết quê hương, gắn bó với những thói quen và ký ức tuổi thơ. Mỗi dịp Tết đến, tôi lại mong tìm thấy những cảm giác thân thuộc đó – từ âm thanh, hương vị đến bầu không khí ngày Tết”.

Ngọc Trâm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/don-tet-xa-que-thay-co-nguoi-viet-khong-quen-tai-hien-phong-tuc-co-truyen-post248740.gd
Zalo