Về miền Tây 'kết ní'
'Ní' là một người bạn rất thân, cùng tuổi. Nhưng cũng chưa đủ, để 'kết ní' cùng nhau phải thật tâm đầu ý hợp. Đã 'kết ní' thì cái gì cũng là của chung. Cha mẹ ní là cha mẹ mình, con cái ní cũng là con cái mình.
Cái gì cũng là của chung, trừ… vợ!
Vuông tôm (đầm tôm) vừa xổ xong, ông chủ vuông Trương Văn Hép ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) vừa đếm tiền vừa kêu đám thợ bày rượu ra. Rượu tới lúc ngà ngà, ông Sáu Hòa, 65 tuổi nâng ly ngó xa xăm: "Tui nay còn uống mạnh chớ mấy thằng ní của tui "đi" hết rồi…".
Thấy tôi ngạc nhiên, cả mâm hò reo đòi phạt: "Trời đất, về miền Tây mà không biết ní là gì thì coi như thua rồi".
Ngửa cổ trút cạn ly rượu cay xè, ông Sáu Hòa chậm rãi nói: "Tui có tới 6 thằng ní lận, giờ chỉ còn một thằng ở sông Trẹm. Sông Trẹm ở Cà Mau, tận U Minh Hạ, cách đây khoảng 100 cây số. Thằng đó cũng sắp "đi" rồi nên mai tui về dưới đó thăm nó".
Hỏi ra mới hay, "ní" là một người bạn, nhưng phải là rất thân. Nhưng thân thiết cũng chưa hẳn đã là ní. Ní về nguyên tắc phải là cùng tuổi, tức sinh cùng năm. Cùng ngày, cùng tháng, cùng năm thì càng có ý nghĩa hơn. Nhưng cũng chưa đủ, để "kết ní" cùng nhau phải tâm đầu ý hợp. Và khi đã "kết ní" với nhau rồi thì mối quan hệ bạn bè trước đó đã được… nâng lên một tầm cao mới.
Cũng ngồi trong bữa rượu ở vuông tôm, nhà văn Phan Trung Nghĩa ở Bạc Liêu giải thích: "Đã "kết ní" với nhau thì cái gì cũng là của chung. Cha mẹ ní là cha mẹ mình, con cái ní cũng là con cái mình. Nhà cửa, xe cộ, tiền bạc của ní cũng là của mình. Ní cần tiền là mình phải móc túi ra cưa đôi, ní cần cái gì thì đáp ứng cái đó nếu có điều kiện, không được từ chối. Cái gì cũng chung, chỉ có vợ là riêng". Ông Sáu Hòa gật gù: "Đúng là vậy đó".
Đã "kết ní" là phải sống có tình
Là dân cố cựu ở Bạc Liêu, lại mê uống rượu, quảng giao nên ông Sáu Hòa mới có nhiều ní. Ní không phải như anh em kết nghĩa đào viên Lưu - Quan - Trương, chỉ kết nghĩa một lần. Ní như kiểu ông Sáu là rượu ở đâu vui, thấy ai hợp cạ là "kết ní". Dù vậy, cũng không kết bừa bãi được. "Đã "kết ní" là phải sống tốt, có nghĩa có tình với nhau và cùng đẳng cấp", ông nói.
Theo nhà văn Phan Trung Nghĩa, hồi xưa quan hệ "kết ní" với nhau nhiều hơn, bây giờ thì thưa thớt rồi. Có thể là ngày xưa người ta sống quanh quẩn trong làng xóm, tình nghĩa bền chặt. Mặt khác, quan hệ nông nghiệp thường cần giúp đỡ nhau, cho nên "kết ní" đỡ đần nhau được nhiều hơn. Còn bây giờ môi trường sống rộng mở, mối liên hệ đã lỏng đi nhiều nên "kết ní" không còn phổ biến.
Không còn phổ biến mối quan hệ "kết ní" nhưng về miền Tây, từ Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang xuôi về Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng… rất hay nghe người ta gọi nhau bằng "ní", kể cả giới công chức.
Hai mươi năm trước, trong một chuyến công tác về An Giang làm việc với đội chống buôn lậu Hải quan Châu Đốc, người viết có làm việc với anh đội phó Võ Minh Hoàng, tâm đầu ý hợp lắm.
Vợ chồng anh hiếm muộn, mấy lần lên Bệnh viện Từ Dũ đều ghé nhà người viết để tá túc. Ơn trời, cuối cùng cũng có kết quả, thằng bé nay được 13 tuổi. Giờ đây mỗi lần gặp nhau, anh đều gọi người viết là "ní", cũng bởi chúng tôi cùng tuổi. Và đã "kết ní" với nhau rồi, lại là dân miền Tây, nên gặp lần nào cũng túy lúy càn khôn.
Nét văn hóa riêng biệt
Theo ông Trần Phước Thuận, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Bạc Liêu, việc "kết ní" khả năng có nguồn gốc từ điển tích "đào viên kết nghĩa" của ba anh em Lưu Bị - Quan Vân Trường - Trương Phi.
Khi đã "kết ní" sau thời gian mối quan hệ trở nên khăng khít, con cái bên gia đình này cũng sẽ coi bạn của cha mẹ mình như chính cha mẹ ruột, gọi là "cha ní, mẹ ní". Người cha, người mẹ "ní" cũng phải có bổn phận, trách nhiệm quan tâm, giúp đỡ cho con "ní" của mình. Đây là cái "ní" vừa có tính nhân văn, vừa tạo sự đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.
Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận
Tuy nhiên, "kết ní" có nét khác biệt với nghĩa của người Hoa mà ta thường thấy trong phim kiếm hiệp, đó là không thề "cùng sống cùng chết" kiểu Lưu - Quan - Trương trong truyện "Tam quốc chí" hay Kiều Phong - Hư Trúc - Đoàn Dự trong truyện "Thiên long bát bộ".
"Kết ní" chỉ ở mức quan hệ thân thiết, chia sẻ, tận tình, thủy chung và với dân miền Tây là… không say không về "Nói nôm na là anh em ruột sao thì khi đã "kết ní" giống như vậy, thậm chí còn hơn anh em ruột nữa", ông Thuận nói.
"Kết ní" cũng chỉ có ở trai với trai, không có gái với gái hoặc trai với gái. Đó cũng có thể là tàn dư của bất bình đẳng giới.
Ở miền Tây, Bạc Liêu là vùng có hình thức ní phát triển rộng nhất. Theo ông Thuận, có thể do vùng đất này có nhiều người Hoa. Vùng đất này còn có người Khmer, người Việt cùng sinh sống nên chữ "ní" dù phát âm có vẻ như "nị" trong tiếng Quảng Đông ("ngộ - nị", tức "anh - tôi") nhưng nghiên cứu của ông Thuận cho thấy chỉ có chữ "ní" trong tiếng Khmer, không có trong tiếng Hoa. "Đó là một bản sắc rất riêng biệt, có thể là giao thoa văn hóa", ông nhận định.
Nhà nghiên cứu Trần Phước Thuận cho biết, ngoài kiểu "kết ní" bốc đồng thì có những mối quan hệ khăng khít theo thời gian mới "kết ní". Đó là trường hợp của anh Văn Dũng và Văn Quân, cùng sinh 1982, người ở An Giang, người ở Kiên Giang.
Trước đó, Quân làm ở một doanh nghiệp, Dũng làm ở một cơ quan báo chí. Vì có một số thông tin phức tạp với doanh nghiệp của Quân nên Dũng "làm cho ra nhẽ". Nghĩ là Dũng "kiếm chuyện", Quân hẹn ra quán và đưa phong bì. Dũng không cầm.
Sau lần đó, hai người hiểu nhau hơn và sau nhiều năm đã "kết ní". Những năm 2021-2022, giữa đại dịch Covid-19, nhờ "ní Dũng" có giấy phép đi lại nên gia đình "ní Quân" được tiếp tế lương thực, thuốc men đầy đủ, lo như lo cho gia đình mình…