'Địa chỉ đỏ' sáng mãi tương lai
Mỗi độ xuân về, người dân Việt Nam đều hướng về những địa chỉ đỏ để tưởng nhớ các vị tiền bối cách mạng đã dựng xây nên những mùa xuân vinh quang của dân tộc, đặc biệt các địa danh trên quê hương cách mạng Cao Bằng.
Pác Bó luôn ấm hơi Người
Khi tiết trời dần ấm áp, cây cối bắt đầu đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nhau khoe sắc thắm, hòa cùng dòng người, chúng tôi về thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng). Nơi đây, ngày 28/1/1941 (mùng hai Tết Tân Tỵ) sau hơn 30 năm xa Tổ quốc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí vượt qua mốc 108 biên giới Việt Nam - Trung Quốc về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Giây phút thiêng liêng đó cũng là mốc thời gian mở ra giai đoạn phát triển mới cho cách mạng Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm tại Đền thờ Bác Hồ, anh Nguyễn Thanh Tùng, thành phố Thái Nguyên cùng gia đình kính cẩn dâng hương, dâng hoa bày tỏ lòng thành kính và biết ơn vô hạn trước công lao to lớn của Bác, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta. Anh Tùng chia sẻ: Sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hòa bình, chúng tôi không quên những cống hiến, hy sinh của các anh hùng, liệt sỹ, các vị tiền bối cách mạng, nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hằng năm, mỗi dịp nghỉ tết, tôi và gia đình luôn dành thời gian đến dâng hương tri ân tại các địa chỉ đỏ trong cả nước. Năm nay là năm thứ 3 gia đình và bạn bè tôi về thăm lại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. Mặc dù đã nhiều đổi thay nhưng hình ảnh của Bác bên dòng suối Lê-nin, những ngày gian khó Bác đã sống và làm việc tại đây đều gợi lên trong tôi cảm xúc thật thiêng liêng cao quý... Qua những cuộc về nguồn, tôi muốn các con của mình hiểu hơn về lịch sử đấu tranh của cha ông, từ đó phấn đấu vươn lên trong lao động, học tập.
Đưa chúng tôi tham quan, chị Đoàn Mai Hiên, hướng dẫn viên Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó cho biết: Khu di tích rộng trên 295 ha, có trên 50 điểm di tích về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác Hồ và Trung ương Đảng thời kỳ 1941 - 1945. Ngày 20/2/1961 (mùng 6 Tết Tân Sửu), nhân dân Pác Bó vinh dự được đón Bác Hồ về thăm, chúc tết. Gặp lại đồng bào trong ngày đầu xuân năm mới, nhớ lại những ngày tháng khó khăn của cách mạng, được sống trong tình cảm yêu thương, đùm bọc của đồng bào, Người thân mật nói “20 năm trước ở căn cứ này, đồng bào đã bảo vệ Đảng, nuôi dưỡng cách mạng. Đảng dựa vào dân, nhân dân tin vào Đảng, đi theo Đảng, nhờ vậy mà lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh, đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945”. Sau đó, Bác đi thăm một số gia đình có công với cách mạng, thăm lại hang Pác Bó, ngắm núi Các Mác, suối Lê-nin, chiếc bàn đá và trồng cây trúc bên bờ suối. Người bồi hồi, xúc động đã làm 4 câu thơ: “Hai mươi năm trước ở hang này/Đảng vạch con đường đánh Nhật, Tây/Lãnh đạo toàn dân ta chiến đấu/Non sông gấm vóc có ngày nay”.
Trước những câu chuyện cảm động đó, chúng tôi và đoàn người hành hương về nguồn càng cảm thấy xúc động và tự hào. Quá khứ và hiện tại, lịch sử và tương lai luôn luôn hiện diện và hội tụ trong mùa xuân của toàn dân.
Nơi khai sinh đội quân anh hùng
Tiếp tục chuyến hành trình về nguồn, chúng tôi đến thăm Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim (Nguyên Bình) - nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ngày 22/12/1944), tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tận mắt chứng kiến nơi sinh hoạt của 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thông qua phục dựng khu nhà ở, thăm nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trải nghiệm hơn 500 bậc đá lên đỉnh Slam Cao; đứng trên đỉnh núi Slam Cao quan sát cảnh vật nơi rừng xanh núi thẳm, từng đàn chim én bay về lượn nghiêng, gợi lên bóng hình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với 34 chiến sĩ thuở ban đầu đã vượt bao khó khăn thử thách, làm nên những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Theo con đường nhỏ dưới tán rừng, Đại úy Nguyễn Văn Quân, Sư đoàn 365, Quân chủng Phòng không - Không quân cùng đồng đội và gia đình đến địa điểm đã diễn ra lễ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Từ đội quân ấy đã lập nên biết bao chiến công, từ chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy cho đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đọc lại từng chữ vàng trên tấm bia khắc toàn văn Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, 10 lời thề danh dự mà đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng 34 chiến sĩ đã hô vang ngày đó và danh sách 34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, anh Quân nghiêm nghị, dặn các con mình phải luôn yêu quê hương, yêu Tổ quốc, ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng dân tộc. Anh Quân chia sẻ: Xuân năm nào cũng vậy, cứ khi nào được nghỉ phép, tôi lại về thăm khu rừng Trần Hưng Đạo. Với tôi, 10 lời thề danh dự Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân vẫn luôn là kim chỉ nam đối với mỗi thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Là một quân nhân, bản thân tôi cùng các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn tâm niệm và khắc ghi, từ đó luôn phấn đấu thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ trên từng cương vị công tác, đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, luôn chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Mùa xuân tiếp nối những mùa xuân, hơn 80 năm đi qua nhưng lời thề danh dự ấy vẫn luôn vang vọng trong trái tim người lính, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử của Quân đội ta, thể hiện lòng trung thành vô hạn của người chiến sĩ với Tổ quốc, với nhân dân.
Trên địa bàn tỉnh có hàng chục quần thể di tích lịch sử văn hóa mang trong mình những giá trị lịch sử lớn lao, trong đó, 3 khu di tích quốc gia đặc biệt: Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo, Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 là những “địa chỉ đỏ” quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm trong chiến đấu cho các thế hệ người Việt Nam khi đến tham quan, học tập, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử cách mạng của dân tộc. Hằng năm, khi mùa xuân đến, quê hương cách mạng Cao Bằng lại hân hoan đón hàng triệu du khách, nhân dân đến tham quan, ôn lại lịch sử dân tộc.
Giám đốc Ban Quản lý các di tích quốc gia đặc biệt tỉnh Đào Văn Mùi cho biết: Đón xuân mới Ất Tỵ 2025, Ban quản lý tập trung tôn tạo các điểm di tích gốc đã xuống cấp, hao mòn, tạo không gian sống động xanh - sạch - đẹp tại tất cả các khu di tích, tổ chức các chương trình trải nghiệm, về nguồn cho khách tham quan. Đặc biệt, miễn phí tham quan đối với các đại biểu và du khách tại các khu di tích mà Ban quản lý trong dịp Tết Nguyên đán để tạo điều kiện cho công tác tổ chức các lễ hội và quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến với Cao Bằng.