Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục vùng biên

Bám sát đặc điểm địa bàn khu vực biên giới, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Hà Quảng triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp dạy học. Nhờ vậy, sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện có những bước phát triển tích cực, chất lượng GD&ĐT ngày càng nâng lên.

Là ngôi trường thuộc xã biên giới, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (TH&THCS) Pác Bó luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Phòng GD&ĐT, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Trường Hà trong công tác GD&ĐT. Năm học 2023 - 2024, trường đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Để đảm bảo duy trì các tiêu chuẩn, tiêu chí trường chuẩn quốc gia, phấn đấu nâng cao các chỉ tiêu về số lượng, chất lượng giáo dục, ngay từ đầu năm học, Trường TH&THCS Pác Bó chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên tích cực đổi mới, áp dụng phương pháp giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, đặc biệt là với lớp 5, lớp 9 gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Nhà trường quan tâm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học. Chú trọng tăng cường kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh, kịp thời đưa ra những phương pháp dạy học phù hợp với tình hình thực tế địa phương; xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên trực tiếp giảng dạy chịu trách nhiệm phụ đạo bộ môn với số lượng 1 buổi chiều/tuần đối với cấp THCS, dạy 7 buổi/tuần trở lên đối với cấp TH. Qua đó, học sinh được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng đối với tất cả các môn học.

Cô giáo Đàm Thị Luyến, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Năm học 2023 - 2024, trường có 19 lớp, 387 học sinh. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, tỷ lệ hoàn thành chương trình lớp học đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh vào lớp 1 và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; 100% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS. Toàn trường có 10 học sinh đạt giải Olympic môn Toán, tiếng Việt lớp 5 cấp huyện, 8 học sinh đạt giải Trạng nguyên tiếng Việt cấp huyện, tỉnh; 5 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa cấp trường, huyện…

Năm học 2023 - 2024, toàn huyện có 75 trường học và trung tâm (28 trường mầm non, 11 trường TH, 19 trường TH&THCS, 12 trường THCS 4 trường THPT, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với 16.725 trẻ em, học sinh, học viên (mầm non 4.004 trẻ, TH 6.174 học sinh, THCS 4.202 học sinh, THPT 1.720 học sinh, giáo dục thường xuyên 175 học viên). Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học từng bước được đầu tư đáp ứng căn bản nhu cầu dạy học của các trường học. Hết năm 2023, toàn huyện có 26 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hà Quảng Nguyễn Quốc Hưng cho biết: Những năm gần đây, hệ thống trường lớp được đầu tư xây dựng ngày một khang trang, quy mô được mở rộng. Tỷ lệ học sinh theo học các bậc học, đặc biệt là bậc TH&THCS được cải thiện đáng kể. Các chương trình vận động học sinh đến trường, hỗ trợ học phí cho học sinh nghèo giúp nâng cao tỷ lệ học sinh ra lớp. Chất lượng giáo dục tiếp tục được duy trì,. 100% cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần cho trẻ. Công tác giảng dạy sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương được triển khai hiệu quả, đảm bảo tiến độ, đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Tổng Cọt (Hà Quảng).

Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Tổng Cọt (Hà Quảng).

Đến nay, toàn huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1... Tỷ lệ huy động trẻ ra lớp đạt 99%, tỷ lệ học sinh TH hoàn thành nhiệm vụ chiếm trên 99%, tỷ lệ học sinh THCS tốt nghiệp đạt 100%, tỷ lệ tốt nghiệp hệ THPT toàn huyện đạt trên 98%. Công tác xóa mù chữ gắn với kết quả bền vững và bảo đảm chất lượng. Các trung tâm học tập cộng đồng ngày càng phát huy tốt vai trò phổ biến kiến thức và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Bên cạnh chất lượng đại trà, học sinh còn khẳng định tài năng trong các cuộc thi học sinh giỏi, học sinh tài năng. Nổi bật, năm học 2023 - 2024, có 13 học sinh TH đạt giải Tiếng Anh IOE cấp huyện, 88 học sinh đạt Trạng nguyên tiếng Việt cấp huyện, tỉnh; 55 học sinh đạt giải Olympic Toán, tiếng Việt lớp 5 cấp huyện. Đặc biệt, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi THCS cấp huyện có 116 học sinh đạt giải, trong đó 2 giải nhất, 15 giải nhì, 32 giải ba, 67 giải khuyến khích; cấp tỉnh có 51 học sinh đạt giải, trong đó 2 giải nhất, 5 giải nhì, 21 giải ba, 32 giải khuyến khích và đạt nhiều thành tích cao trong hội thi Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ XI năm 2024 với 10 Huy chương vàng, 12 Huy chương bạc, 11 Huy chương đồng.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học và quản lý giáo dục tiếp tục phát huy hiệu quả. 100% trường trên địa bàn có nối mạng Internet và khai thác hiệu quả hệ thống email trong truyền tải thông tin, báo cáo. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT triển khai thực hiện tốt cơ sở dữ liệu quản lý ngành theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đồng bộ, thống nhất ở tất cả các cấp học để nhập dữ liệu cơ sở phục vụ công tác tổng hợp, thống kê và khai thác thông tin phục vụ quản lý giáo dục.

Nông Hậu

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doi-moi-nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-bien-3173727.html
Zalo