Qua Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh năm 2024: Lan tỏa những kinh nghiệm hay trong giảng dạy

Hội thi giáo viên dạy giỏi THPT cấp tỉnh (Hội thi) năm 2024 vừa được Sở GD và ĐT tổ chức, với sự tham gia của 183 thầy, cô giáo đến từ 47 trường THPT (gồm 45 trường công lập và 2 trường ngoài công lập). Đây là hoạt động quan trọng nhằm góp phần lan tỏa những kinh nghiệm hay trong quá trình giảng dạy và tôn vinh những giáo viên xuất sắc, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Tại Hội thi, nhiều bài giảng sinh động, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của học sinh.

Tại Hội thi, nhiều bài giảng sinh động, hấp dẫn, thu hút sự chú ý của học sinh.

Cuộc trình diễn
những kinh nghiệm hay
trong giảng dạy

Hội thi diễn ra từ ngày 5 đến ngày 9/11 tại 2 trường THPT Nguyễn Khuyến và Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định). Mỗi giáo viên tham dự hội thi trải qua 2 phần thi: Thực hành giảng dạy 1 tiết theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và trình bày một biện pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác giảng dạy tại nơi công tác với 6 môn: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Vật lý, Địa lý, Tin học.

Với các phần thi của các giáo viên thể hiện, Hội thi đã tạo ra một không khí học thuật sôi động. Các tiết dạy của giáo viên đã để lại ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là sự đa dạng về phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của giáo viên vào hoạt động giảng dạy. Các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy đã thể hiện sự sáng tạo và đột phá đáng kể, tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình dạy và học. Tiêu biểu như thầy Trần Mạnh Sang, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (thành phố Nam Định) ở môn thi Toán; cô Trần Thị Hương Giang, Trường THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) ở môn thi Ngữ văn; cô Trần Thị Hồng, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở môn Tiếng Anh; cô Trương Thị Thoa, Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) ở môn Địa lý; thầy Vũ Văn Đạm, Trường THPT A Hải Hậu (Hải Hậu) ở môn Vật lý; cô Trần Thị Phương, Trường THPT Nghĩa Minh (Nghĩa Hưng) ở môn Tin học.

Thầy Vũ Văn Đạm, giáo viên dạy môn Vật lý, Trường THPT A Hải Hậu cho biết: “Tại Hội thi, tôi đã bốc thăm vào bài thi “Sóng dừng”. Đây là bài có yếu tố làm thí nghiệm thực tế. Để đáp ứng được mục đích của chương trình GDPT 2018 là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh, trong giờ dạy của mình, tôi đầu tư công phu cho việc tổ chức các hoạt động dạy học để giúp các em qua làm thí nghiệm có được cảm nhận thực tế về các hiện tượng vật lý. Việc tổ chức thực hiện tốt các hoạt động dạy học, nhất là tiết dạy có thí nghiệm thực hành, sẽ đem lại cho học sinh hứng thú rất lớn do được tiếp xúc với hiện tượng thực tế, kích thích năng lực khám phá và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Đó là điểm mới của chương trình GDPT 2018 so với chương trình cũ. Chúng tôi coi Hội thi này là “Ngày hội” lan tỏa những giá trị tốt đẹp, là những kinh nghiệm, những phương pháp dạy học tốt của mình tới đồng nghiệp và bản thân cũng học hỏi được những kinh nghiệm hay từ đồng nghiệp".

Quá trình diễn ra Hội thi đã thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh. Cô Trần Thị Hồng, giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong chia sẻ: “Hội thi là cơ hội để tôi thể hiện năng lực bản thân, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn đồng thời cũng học hỏi từ đồng nghiệp về phương pháp giảng dạy để ứng dụng và chia sẻ tại nơi mình đang công tác. Hội thi là một trong những biện pháp thúc đẩy nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và lan tỏa được những nỗ lực đổi mới sáng tạo cũng như tình yêu nghề, nhiệt huyết trong giảng dạy”.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Giấy khen cho giáo viên đạt giải Nhất tại hội thi.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo trao Giấy khen cho giáo viên đạt giải Nhất tại hội thi.

Lan tỏa
hiệu ứng tích cực từ Hội thi

Điểm nổi bật của Hội thi năm nay, đó là năm đầu tiên Sở GD và ĐT tổ chức Hội thi theo chương trình GDPT 2018 với điểm khác cơ bản là 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa (SGK). Thay vì tập trung vào truyền thụ nội dung kiến thức, giáo viên đặt trọng tâm giảng dạy vào việc khám phá, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh dựa trên những yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục. Các thầy cô đã thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo khi không còn bó buộc vào khuôn khổ kiến thức của một bộ SGK duy nhất. SGK chỉ là một công cụ hỗ trợ, giúp giáo viên đa dạng hóa các hoạt động dạy học.

Đặc biệt, việc lồng ghép các hoạt động thực hành, khám phá và khuyến khích học sinh “học qua làm” đã tạo được những tiết học sinh động, hấp dẫn, giúp các em chủ động tìm tòi kiến thức và phát triển tư duy sáng tạo. Điều này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học mà chính là đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay.

Theo đánh giá của Ban giám khảo, từ yêu cầu cần đạt của chương trình, các giáo viên đã thành công trong việc xây dựng các tiết dạy có cấu trúc logic và khoa học. Bằng cách phân loại rõ ràng các năng lực đặc thù của môn học, giáo viên đã lựa chọn và áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực phù hợp như: Phương pháp chạm, góc, giải quyết vấn đề, mảnh ghép, sơ đồ tư duy..., giúp học sinh chủ động khám phá và chiếm lĩnh kiến thức. Đồng thời, giáo viên đã kết hợp một cách logic giữa các mô-đun trong thiết kế giáo án, đảm bảo sự liên kết chặt chẽ giữa chương trình, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và ứng dụng CNTT. Nhờ đó, không khí lớp học trở nên sôi động, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh phát huy tối đa năng lực bản thân.

Đặc biệt, các giáo viên tham gia Hội thi đã thể hiện sự thành thục về công nghệ thông tin và khả năng ứng dụng linh hoạt các công cụ hiện đại vào giảng dạy. Các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy đã thể hiện sự sáng tạo và đột phá đáng kể, tạo ra những thay đổi tích cực trong quá trình dạy và học. Việc tận dụng các công cụ như ChatGPT, Canva, Capcut, Camtasia, mua phần mềm có bản quyền... đã tạo nên những bài giảng sinh động, tương tác cao, thu hút sự chú ý của học sinh. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ QR CODE vào chấm trắc nghiệm, chữa bài tập đã giúp tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả đánh giá thường xuyên đồng loạt. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công cụ ứng dụng thiết kế đồ họa, video đã tạo ra những bài giảng sinh động, hấp dẫn, thu hút học sinh. Sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ hiện đại và các phương pháp dạy học truyền thống đã tạo ra một môi trường học tập năng động, sáng tạo, nơi học sinh được khuyến khích chủ động khám phá và vận dụng kiến thức.

Một “điểm nhấn” đáng chú ý khác của Hội thi là hầu hết các giáo viên đều tự thiết kế và sử dụng các thiết bị dạy học tự làm trong quá trình giảng dạy. Điều này không chỉ thể hiện sự sáng tạo, nhiệt huyết của giáo viên mà còn góp phần tạo ra những tiết học sinh động, hấp dẫn, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả. Việc tự làm đồ dùng dạy học còn giúp giáo viên tiết kiệm chi phí và phù hợp hóa các thiết bị với điều kiện cụ thể của từng lớp học.

Đồng chí Ngô Hà Vũ, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD và ĐT), Phó Trưởng Ban chấm thi nhận định: Kết quả Hội thi là minh chứng cho chất lượng giáo dục của tỉnh, sự nỗ lực không ngừng của các nhà giáo trong việc áp dụng các kỹ thuật và phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực mà Sở GD và ĐT đã triển khai tập huấn theo Chương trình GDPT 2018 trong những năm qua. Hội thi góp phần nâng cao hiệu quả sinh hoạt chuyên môn, đẩy mạnh phong trào thi đua dạy và học trong các nhà trường; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội cho giáo viên rèn luyện khả năng tự học, tự sáng tạo, học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm trong giảng dạy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đây là động lực để các nhà trường tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần đưa sự nghiệp GD và ĐT của tỉnh ngày càng phát triển.

Bài và ảnh: Minh Thuận

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202411/qua-hoi-thi-giao-vien-day-gioi-thpt-cap-tinh-nam-2024-lan-toa-nhung-kinh-nghiem-hay-trong-giang-day-fe244af/
Zalo