Ngôi trường hạnh phúc

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây là ngôi trường THCS đầu tiên của huyện miền núi Sơn Tây. Từ ngày thành lập đến nay, trường luôn tiên phong thực hiện sứ mệnh 'trồng người' cho địa phương, giúp vùng cao Sơn Tây vươn lên hội nhập và phát triển.

Chiếc nôi “mở lớp, tạo nguồn”

Tháng 5/1995, Trường Phổ thông Dân tộc (PTDT) nội trú THCS Sơn Tây được thành lập. Giữa bộn bề gian khó, bằng sự mách bảo của trái tim, các thầy, cô giáo gánh vác sứ mệnh “gieo chữ” đã đoàn kết, tận tâm, không ngừng sáng tạo, cùng nhau hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trải qua 29 năm, Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây đã không ngừng phát triển, xứng đáng với niềm tin yêu của phụ huynh và học sinh, tự hào là ngôi trường THCS đầu tiên ở huyện vùng cao này.

Thầy giáo Lê Hoài Thạnh cùng học trò trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

Thầy giáo Lê Hoài Thạnh cùng học trò trong giờ sinh hoạt ngoại khóa.

Hành trình 29 năm thành lập và phát triển của Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây chứa đựng nhiều sự "khó tin". Năm học 1996 - 1997, nhà trường đã tự làm 3 phòng học bằng tranh tre nứa lá; bàn ghế là những thanh lồ ô ghép lại để mở 3 lớp 6. Năm học 1999 - 2000, lần đầu tiên trường có 70 học sinh học lớp 9 và kết thúc năm học, các em đã được công nhận tốt nghiệp THCS. Đặc biệt, đến năm học 2000 - 2001, trường thực hiện mở các “lớp nhô” gồm khối 10, rồi khối 11 và học kỳ I của khối 12 cho bậc THPT. Vì thế, Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây trong giai đoạn 2000 - 2004 được xem là tiền thân của Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Sơn Tây) sau này.

Với niềm hạnh phúc ở ngôi trường mà bản thân có hai lần làm hiệu trưởng, thầy giáo Lê Hoài Thạnh đã sáng tác bài thơ “Điệp khúc đại ngàn”, viết về Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây thân yêu và được nhạc sĩ Sỹ Hùng phổ nhạc. Năm 2022, tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc diễn ra ở Đắk Lắk, bài hát “Điệp khúc đại ngàn” đã xuất sắc giành giải A.

Về cơ sở vật chất, ngày mới thành lập, trường không có chỗ ăn ở nội trú, học sinh phải ở nhờ nhà người dân xung quanh hoặc tự dựng một số lều, lán trại tạm bợ để sinh hoạt và nghỉ ngơi. Đến nay, trường đã có khu phòng học đảm bảo cho công tác giảng dạy; ký túc xá 24 phòng phục vụ cho hơn 200 học sinh; có nhà ăn, khu vui chơi, tập thể dục; phòng tin học; thư viện... Năm học 2019 - 2020, trường xây dựng mô hình “Vườn thuốc nam” để giáo dục học sinh ý thức bảo tồn nguồn gen từ các loại cây dược liệu quý. Đặc biệt, tháng 9/2021, trường thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian, phần giáo dục học sinh nhà trường giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong huyện Sơn Tây.

Từ ngày thành lập đến nay, đã có hơn 1.000 học sinh của Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây tốt nghiệp bậc THCS, góp phần quan trọng trong việc phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Nhiều cựu học sinh nhà trường được vào các trường THPT, rồi học cao đẳng, đại học. Từ đó, góp phần tạo nguồn cán bộ tại chỗ cho huyện Sơn Tây. Hiện nay, nhiều học sinh đã từng theo học tại Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây giữ nhiều vị trí quan trọng của huyện và các xã, hay có người trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo...

Gìn giữ những điều tốt đẹp

Những ngày mưa lạnh, chúng tôi trở lại huyện Sơn Tây để gặp các thầy cô giáo đã chung sức lập nên ngôi trường từ những ngày đầu tiên. Trong câu chuyện của "những người tiên phong" ấy, ký ức của 29 năm về trước cứ lần lượt hiện ra, với cảm xúc bồi hồi, xanh tươi, trong trẻo và đầy tự hào. Thầy giáo Lê Hoài Thạnh - Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây bây giờ, cũng chính là thầy hiệu trường của ngôi trường này 29 năm trước.

Thầy Thạnh nhớ lại, khi tái lập huyện Sơn Tây, tôi đã công tác ở ngành GD&ĐT huyện Sơn Hà được 10 năm. Tôi được động viên và tình nguyện lên Sơn Tây công tác, thực hiện mệnh lệnh “giáo dục phải đi trước một bước để tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội huyện Sơn Tây". Đến nay, tôi đã gắn bó với ngành giáo dục huyện Sơn Tây hơn 30 năm.

Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây biểu diễn văn nghệ.

Câu lạc bộ Văn hóa dân gian Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây biểu diễn văn nghệ.

Thầy Lê Hoài Thạnh kể, ngày ấy, khó khăn chồng chất, mặc dù chưa hội đủ các điều kiện nhưng huyện vẫn tham mưu cho UBND tỉnh ký Quyết định số 524/QĐ-UB ngày 25/5/1995 để thành lập Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây. Đây cũng chính là ngôi trường THCS đầu tiên, chuyên biệt dành riêng cho đồng bào Ca Dong nơi đây. Những năm đầu, nhiệm vụ đào tạo của trường liên tục thay đổi theo yêu cầu của thực tiễn huyện Sơn Tây.

“Tôi may mắn, hạnh phúc khi là người được chọn làm hiệu trưởng đầu tiên, cùng đồng cam cộng khổ với tập thể nhà trường vượt mọi gian nan, hoàn thành sứ mệnh của ngành giáo dục Sơn Tây khi ấy. Đúng 20 năm sau, tôi cảm thấy rất hạnh phúc và may mắn khi được tin tưởng giao giữ trọng trách Hiệu trưởng Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây một lần nữa. Ở lần thứ hai làm hiệu trưởng ngôi trường này, tôi cùng tập thể vui đón những quả ngọt của nhà trường sau gần 3 thập kỷ vun trồng, chăm sóc”, thầy Thạnh chia sẻ.

Thầy giáo Lê Hoài Thạnh cũng chính là người sáng lập và duy trì hoạt động mô hình Câu lạc bộ Văn hóa dân gian của trường. Vì đồng cảm với cách làm này mà nhiều nghệ nhân người Ca Dong đã trao tặng nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống của dân tộc mình cho câu lạc bộ. Nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian đã đến trường giao lưu, truyền thụ kinh nghiệm sáng tác, biểu diễn văn hóa dân gian của người Ca Dong và đồng bào các dân tộc thiểu số khác.

Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây trong giờ học.

Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Sơn Tây trong giờ học.

Từ khi còn là học sinh tiểu học, em Đinh Thị Khổng Ý mong một ngày sẽ bước chân vào Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây. Mơ ước ấy của Ý đã thành hiện thực và bây giờ, em đã là học sinh lớp 9 của trường. "Suốt những năm qua, sống, học tập dưới mái trường này, em nhận thấy thầy, cô giáo như cha mẹ, bạn bè như người thân. Em thấy mình vô cùng hạnh phúc khi là học sinh của trường. Em rất biết ơn thầy, cô giáo đã tận tình truyền dạy kiến thức, kỹ năng sống cho em và các bạn, để chúng em có nhiều hành trang bước vào đời", em Ý tâm sự.

Trong suốt hành trình 29 năm qua, chất lượng dạy và học của Trường PTDT nội trú THCS Sơn Tây không ngừng được nâng lên. Công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh người dân tộc Ca Dong được chú trọng, nhằm giúp các em phát triển toàn diện. Nhìn lại chặng đường đã qua, các thầy, cô giáo đã và đang công tác tại ngôi trường này bảo rằng “đây là ngôi trường hạnh phúc” của học sinh vùng cao Sơn Tây.

Mỗi năm học đi qua là một mùa quả ngọt được gặt hái, là những chuyến đò thầm lặng lại cập bến bờ trong niềm hạnh phúc lớn lao của người thầy. Còn người Ca Dong huyện Sơn Tây, đặc biệt là các bậc phụ huynh, nhìn những thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên, được học tập dưới mái trường này, rồi học lên cao hơn, được trang bị đầy đủ tri thức cho hành trình lập thân, lập nghiệp, càng thêm biết ơn Đảng, thêm tự hào về quê hương...

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/phong-su-ky-su/202411/ngoi-truong-hanh-phuc-67c1bc2/
Zalo