Cuộc đua nâng tỉ lệ giảng viên trình độ tiến sĩ

Các trường ĐH đang nỗ lực tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, tăng uy tín thương hiệu

Số liệu từ Hệ thống HEMIS do các cơ sở đào tạo kê khai, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong năm 2024 là 91.297, trong đó giảng viên GS-TS là 743 người, PGS-TS là 5.629 người, TS là 23.776, ThS là 53.412 người.

Gấp rút nâng tỉ lệ giảng viên tiến sĩ

Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành chuẩn cơ sở giáo dục ĐH có quy định tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ TS không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục ĐH không đào tạo TS; không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo TS. Như vậy, nếu các trường ĐH muốn đạt chuẩn cơ sở giáo dục ĐH thì phải đạt tỉ lệ TS như quy định.

Đối với các trường ĐH, tùy theo chiến lược phát triển, mục tiêu phấn đấu và lộ trình phát triển mà nhà trường, từng trường có kế hoạch nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ TS. Tại Trường ĐH Công Thương TP HCM, cuối tháng 9 vừa qua, trường đã ban hành thông báo rà soát và đăng ký giảng viên đi học nâng cao trình độ. Theo đó, trường yêu cầu giảng viên nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi, phải đăng ký học TS trong vòng 3 năm. Khi đăng ký, giảng viên phải báo tiến độ học tập, thời gian dự kiến hoàn thành và nhận bằng tốt nghiệp, không quá 6 năm. Nếu không thực hiện, sau 3 năm, giảng viên sẽ bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ. PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau khi trường ban hành thông báo rà soát và đăng ký giảng viên đi học nâng cao trình độ, đến nay đã có 102 giảng viên đăng ký đi học từ năm 2025, 116 người đi học từ năm 2026 và 184 giảng viên đăng ký đi học vào năm 2027.

Theo ông Hoàn, mục đích của việc rà soát, đăng ký giảng viên học lên TS nhằm nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý, giảng dạy của đội ngũ giảng viên; đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục ĐH theo thông tư quy định. Hiện nay, tỉ lệ giảng viên có trình độ TS trở lên của trường đạt khoảng 38% trên tổng số giảng viên toàn trường. Bênh cạnh việc nâng tỉ lệ giảng viên có trình độ TS từ lực lượng giảng viên hiện hữu, Trường ĐH Công Thương TP HCM còn có chính sách thu hút TS từ bên ngoài về trường công tác. Năm 2023, có 21 TS, 2 PGS về trường công tác.

Tại các trường ĐH khác, việc nâng cao tỉ lệ giảng viên có trình độ TS cũng được đẩy mạnh. Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, tính đến ngày 20-11, tỉ lệ giảng viên có trình độ TS của trường hiện là 30%, mục tiêu đến 2027 là 55%. Để đạt được mục tiêu trên, một mặt trường quy định giảng viên có trình độ ThS dưới 45 tuổi trong 3 năm tới phải học lên TS. Ngoài ra, trường cũng tăng cường tuyển dụng những giảng viên có trình độ TS từ bên ngoài về trường công tác.

Trường ĐH Công nghiệp TP HCM hiện có 38% tỉ lệ giảng viên có trình độ TS, mục tiêu đến 2025 là 40% bằng cách nâng cao trình độ từ lực lượng giảng viên tại chỗ và từ ngoài trường về. Trường ĐH Ngân hàng TP HCM mỗi năm tăng từ 20 đến 35 giảng viên có trình độ TS, PGS, GS từ nguồn giảng viên tại chỗ và từ bên ngoài về. Hiện nay, tỉ lệ giảng viên có trình độ TS là 55,5%, trường đặt mục tiêu đến năm 2026 nâng tỉ lệ này lên 80%.

Các trường ĐH có nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút giảng viên có học hàm, học vị

Các trường ĐH có nhiều chính sách hấp dẫn để thu hút giảng viên có học hàm, học vị

Nhiều chính sách khuyến khích

Nhiều trường ĐH tại TP HCM cho biết khi thực hiện tự chủ hoàn toàn, trường có thêm nguồn thu và các cơ chế chính sách để tăng thu nhập cho giảng viên cũng như thu hút giảng viên có trình độ chuyên môn cao từ bên ngoài về trường.

PGS-TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết ngoài lực lượng giảng viên có trình độ TS trong nước, hiện nay trường chú ý đến những giảng viên, nhà khoa học người Việt đầu ngành đang giảng dạy và nghiên cứu tại nước ngoài, đặc biệt là tại Anh và Úc. Hai quốc gia này có chính sách siết chặt tiếp nhận sinh viên quốc tế nên trường ĐH ở đó đang có nguy cơ dư thừa giảng viên. Nếu về giảng dạy tại trường, lương của lực lượng này khoảng 1.000 - 1.200 USD/tháng, tương đương với một nửa mức họ nhận được ở nước ngoài (sau khi đã trừ thuế).

Còn tại Trường ĐH Công Thương TP HCM, để tạo điều kiện cho giảng viên học lên TS, trường giảm 50% giờ dạy và miễn 100% học phí học TS; trường cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút TS về trường công tác. Theo đó, mỗi TS về trường sẽ nhận 100 triệu đồng, người có học hàm PGS là 150 triệu đồng, GS nhận 200 triệu đồng... các chính sách này đã phát huy hiệu quả. Để tăng tỉ lệ giảng viên có trình độ TS, trường đã có các chính sách đãi ngộ nhằm tăng thu nhập cho cán bộ giảng viên. Ngoài lương, cán bộ giảng viên mỗi tháng còn được hưởng các phụ cấp phúc lợi và thu nhập theo vị trí việc làm, học hàm - học vị.

Trường ĐH Tài chính - Marketing cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giảng viên học nâng cao trình độ cũng như thu hút từ bên ngoài. PGS-TS Phạm Tiến Đạt, hiệu trưởng nhà trường cho biết đối với giảng viên là ThS học lên TS, trường thanh toán toàn bộ học phí, chi phí đi lại (nếu học ngoài TP HCM), mỗi học kỳ chỉ dạy 1-2 lớp và hưởng nguyên lương cũng như thu nhập khác. Khi có bằng TS, giảng viên còn được nhận thêm 60 triệu đồng nếu là đào tạo trong nước, đào tạo ở nước ngoài là 100 triệu đồng. Với giảng viên có học hàm PGS được tặng thưởng 300 triệu đồng, học hàm GS thưởng 400 triệu đồng (dưới 50 tuổi); chính sách thu hút TS, PGS, GS từ ngoài trường về cũng tương tự.

Phải có tiềm lực tài chính tốt

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Trung, để giữ chân thu hút và thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ TS, nhà trường cam kết mang đến một môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động và đầy đủ tiện nghi. Bên cạnh mức lương cạnh tranh, trường còn cung cấp nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Nhà trường luôn tạo điều kiện để giảng viên được phát huy tối đa khả năng sáng tạo và đóng góp vào sự phát triển chung của trường.

Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP HCM cho biết để duy trì và phát triển lực lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao thì trường phải có tiềm lực tài chính tốt.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn cũng cho biết khi tỉ lệ giảng viên có trình độ TS, có học hàm GS, PGS tăng lên đồng nghĩa với quỹ lương cũng phải tăng theo. Việc này tạo rất nhiều áp lực nhưng trường phải tìm mọi cách để bảo đảm thu nhập cho giảng viên, người làm nghiên cứu khoa học ngày càng tốt hơn.

Bài và ảnh: Huy Lân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuoc-dua-nang-ti-le-giang-vien-trinh-do-tien-si-196241121223822365.htm
Zalo