'Bật đèn xanh' cho dạy thêm, học thêm (Bài 3): Nới lỏng và quản lý

Giáo viên được đàng hoàng dạy thêm ngoài nhà trường. Nhưng nới lỏng không có nghĩa là tự do, tùy tiện. Đáng lo sợ nhất chính là tính thương mại hóa khi dạy vì tiền nhiều hơn vì tâm thì chất lượng dạy thêm, học thêm sẽ đi về đâu, đạo đức nhà giáo sẽ như thế nào... Nếu nới lỏng thì công tác quản lý, tổ chức thực hiện sẽ ra sao. Và làm thế nào để việc dạy thêm, học thêm diễn ra theo đúng nghĩa...

Công văn hướng dẫn tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ năm học 2023-2024 của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Công văn hướng dẫn tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ năm học 2023-2024 của Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Đã có tư tưởng vụ lợi...

Vấn đề dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh cần đặt trong bối cảnh chung của toàn quốc, mà trước hết cần định vị chất lượng giáo dục phổ thông của tỉnh Thanh Hóa so với các tỉnh, thành phố, khu vực. Trong nhiều năm liên tiếp, Thanh Hóa giữ vững danh hiệu lá cờ đầu về chất lượng giáo dục.

Để có sự ổn định này là sự cố gắng của người học, nỗ lực của thầy, cô giáo và sự đồng hành của phụ huynh. Trong đó, cần ghi nhận một cách khách quan vai trò và sự tác động của dạy thêm, học thêm (trong đó có dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường) đối với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Xã hội phát triển, nhu cầu học tập ngày càng cao, vì thế, ngoài học chính khóa, phụ huynh mong muốn con em mình được học thêm để củng cố, nâng cao kiến thức, đặc biệt là học sinh cuối cấp. Với đội ngũ giáo viên, đây sẽ là cơ hội để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tăng thu nhập chính đáng. Thực tế những năm gần đây, việc dạy thêm, học thêm đã tạo hiệu ứng tích cực đối với người dạy và người học. Đặc biệt, ở nhiều địa phương, cơ sở giáo dục vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không những không thu tiền của học sinh mà còn hỗ trợ đồ dùng học tập và các điều kiện khác để các em học tập tốt hơn.

Tuy nhiên, hiện nay công tác tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm còn nhiều bất cập. Ngày 26/8/2019, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT về việc bãi bỏ các quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tại Thông tư số 17 (do hết hiệu lực theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư ngày 26/11/2014). Thông tư số 17 bị vô hiệu khi Luật Đầu tư sửa đổi năm 2016 bỏ dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, ngành giáo dục Thanh Hóa gặp nhiều khó khăn trong quản lý việc cấp phép, quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Đồng thời, không có cơ sở để ban hành các văn bản chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường đạt hiệu quả và đúng quy định.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết: "Do chưa có các quy định thay thế các điều đã bãi bỏ tại Thông tư số 17, vì vậy các quy định về hoạt động tổ chức dạy thêm, học thêm vẫn còn lỏng lẻo, chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay. Một số giáo viên có tư tưởng vụ lợi nên ở một số nơi xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Quản lý dạy thêm, học thêm chưa đi vào các vấn đề cốt lõi. Bên cạnh đó, việc thanh tra, kiểm tra chưa được chú trọng thường xuyên, công tác tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo thực hiện quy định về dạy thêm, học thêm chưa được quan tâm đúng mức".

Nới lỏng không có nghĩa tùy tiện

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm cho phép từ hiệu trưởng tới giáo viên ai cũng có thể dạy thêm khi học sinh, phụ huynh có nhu cầu. Điều đó phù hợp với thực tế khách quan. Hơn nữa, Dự thảo thông tư cũng đưa ra các chế tài quản lý, giám sát nhiều cấp từ nhà trường, Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT, các quy định chi tiết nhằm hạn chế, ngăn ngừa tiêu cực trong dạy thêm, học thêm. Tiêu cực ở đây đề cập đến nhiều vấn đề là giáo viên không được ép buộc học sinh học thêm, không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường...

Đã có sự nới lỏng về dạy thêm, học thêm tại Dự thảo thông tư lần này. Đó là giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh chính khóa của mình. Đặc biệt, không còn cấm dạy thêm đối với giáo viên tiểu học.

Đầu năm học, các giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hà Trung (Hà Trung) đều viết bản cam kết không tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định.

Đầu năm học, các giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Hà Trung (Hà Trung) đều viết bản cam kết không tổ chức dạy thêm, học thêm trái quy định.

Vấn đề đặt ra, nếu nới lỏng thì công tác quản lý, tổ chức thực hiện sẽ như thế nào. Và làm thế nào để việc dạy thêm, học thêm diễn ra theo đúng nghĩa. Nới lỏng không có nghĩa là tự do, tùy tiện. Và điều quan trọng, đáng lo sợ nhất chính là tính thương mại hóa. Dạy vì tiền nhiều hơn vì tâm thì chất lượng dạy thêm, học thêm sẽ đi về đâu, đạo đức người thầy sẽ đi về đâu... Theo bà Phạm Thị Như, Phó trưởng Phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa, thì: "Thứ nhất về quản lý nội dung dạy thêm, vấn đề này nhà trường phải chịu trách nhiệm. Thứ hai về thời gian dạy thì chủ yếu địa phương phải quản lý vì địa điểm dạy thêm ngoài nhà trường nằm trong cộng đồng dân cư. Hiệu trưởng không thể một buổi tối đi hết phường này, xã kia để kiểm tra... Còn công tác quản lý chung, theo tôi là Phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT. Trong trường hợp yêu cầu đóng thuế thu nhập cá nhân thì giáo viên phải tuân thủ chấp hành. Vấn đề dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vừa củng cố kiến thức cho học sinh vừa nâng cao thu nhập cho giáo viên. Nếu giáo viên có thu nhập cao, theo quy định phải đóng thuế, đó cũng là một cách quản lý khoa học...". Ông Nguyễn Kim Ưng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, cho rằng: "Nới lỏng không có nghĩa mạnh ai nấy làm. “Cởi trói” để đáp ứng thực tế của các nhà trường, nhu cầu của phụ huynh học sinh hiện nay chứ không phải nới lỏng là trưng biển, ai muốn dạy thì “kéo quân”... Cần thiết phải có một văn bản chính thống cho việc quản lý dạy thêm, học thêm chặt chẽ hơn, bảo đảm nguyên tắc quản lý Nhà nước về giáo dục...".

Thực tế, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường tức dạy và học không nằm trong phạm vi trường học mà địa điểm sẽ là ở thôn, ở tổ dân phố... Nếu vậy, trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương cũng không hề nhỏ. Theo bà Lê Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên, TP Thanh Hóa thì: "Giao trách nhiệm đến đâu, phường thực hiện đến đó. Cán bộ và Nhân dân tổ dân phố có vai trò quan trọng trong phát hiện các hành vi vi phạm...".

Về phía Sở GD&ĐT tỉnh đã đưa ra những giải pháp căn bản để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người học. Trong đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và phụ huynh học sinh về các chủ trương của ngành về quản lý dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Chỉ đạo các nhà trường và cơ sở giáo dục thực hiện đúng quy định dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Sở GD&ĐT là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan, tổ chức phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy định dạy thêm, học thêm; chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm. “Điều cốt lõi là mỗi nhà giáo cần ý thức tốt hơn nữa về nghề nghiệp của mình, thực hiện tốt tám chữ: “Dân chủ - kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” để việc dạy và học ngày càng hiệu quả và mối quan hệ giữa thầy - trò càng thêm gắn bó”. Ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh nhấn mạnh.

“Bộ GD&ĐT không cấm giáo viên dạy thêm khi học sinh và phụ huynh thực sự mong muốn, có nhu cầu. Thầy, cô được đàng hoàng dạy học sinh của mình ngoài nhà trường nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của hai bên, tuyệt đối không được ép buộc. Nếu có vi phạm do nhà trường phát hiện, hoặc phản ánh từ Nhân dân thì sẽ có minh chứng phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; bảo đảm giảm thiểu các tiêu cực trong dạy thêm, học thêm”.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành,

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT

Vi An

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bat-den-xanh-cho-day-them-hoc-them-bai-3-noi-long-va-quan-ly-230682.htm
Zalo