Trẻ mới học mẫu giáo đã đi học thêm để 'luyện thi' vào lớp 1

Để chuẩn bị cho con vào lớp 1 trường chất lượng cao, trường tư, nhiều phụ huynh đã cho con đi học thêm để ôn luyện, dù con mới chỉ 4-5 tuổi.

- Bé nhà em sinh năm 2019, muốn học trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thì cần ôn luyện như thế nào ạ? Hiện tại, bé đang học trường tư và cũng đang học tiền tiểu học rồi ạ.

- Bé nhà mình sinh năm 2019, đang học mẫu giáo 5 tuổi. Gia đình đang có định hướng cho con học trường Tiểu học Nguyễn Siêu, muốn tìm trung tâm ôn thi cho bé. Nhờ các mẹ giới thiệu giáo viên giúp mình ạ.

- Mình muốn tìm nơi học tiền tiểu học ôn thi vào Đoàn Thị Điểm cho bé sinh năm 2020. Bé hiện chỉ mới biết đếm, cộng trừ đơn giản, chữ cái chữ biết chữ không, tiếng Anh cũng chỉ mới bập bẹ.

Đó chỉ là 3 trong số nhiều bài viết được chia sẻ trên diễn đàn của các phụ huynh có con đang học mẫu giáo 4-5 tuổi. Hầu hết phụ huynh này đều định hướng cho con học lớp 1 tại trường chất lượng cao hoặc tư thục, quốc tế.

Các trường này thường áp dụng đánh giá đầu vào đối với học sinh lớp 1. Trẻ có thể phải làm bài kiểm tra đánh giá, phỏng vấn hay tham gia các câu lạc bộ do trường tổ chức để đo lường năng lực, khả năng nhận thức, tư duy các môn học như Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh.

Chính vì vậy, không riêng năm nay mà từ những năm trước, con mới học mẫu giáo, nhiều phụ huynh đã sốt sắng tìm các lớp học thêm cho trẻ để ôn “thi” vào lớp 1. Giáo viên, trung tâm cũng đua nhau thông báo tuyển sinh, chào mời học sinh tham gia các lớp tiền tiểu học.

Phụ huynh tìm kiếm các lớp học ôn trên mạng xã hội, đồng thời nhiều nơi cũng đăng tải thông tin chào mời. Ảnh: Ngọc Bích.

Phụ huynh tìm kiếm các lớp học ôn trên mạng xã hội, đồng thời nhiều nơi cũng đăng tải thông tin chào mời. Ảnh: Ngọc Bích.

Vào lớp 1 cũng “nóng”

Xác định cho con học trường tư thục, chị Hải Hà (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã tìm được 2 trường gần nhà. Chia sẻ với Tri Thức - Znews, phụ huynh cho biết để vào lớp 1 hai trường này, con trai chị sẽ phải trải qua đánh giá đầu vào.

Trong đó, một trường yêu cầu trẻ tham gia câu lạc bộ hoặc chương trình riêng. Ở đây, các con sẽ được phỏng vấn trực tiếp và làm bài khảo sát; hoặc đánh giá năng lực tư duy, nhận thức thông qua các hoạt động của câu lạc bộ.

Trường con lại chưa công bố thông tin tuyển sinh năm tới, nhưng như năm trước, các con sẽ được khảo sát, đánh giá năng lực đầu vào thông qua tương tác với giáo viên, bài khảo sát ngôn ngữ và bài khảo sát tư duy.

Nắm thông tin sớm nên từ đầu năm 2024, chị Hà cũng tìm hiểu thêm các địa điểm ôn thi vào lớp 1. Cuối cùng, chị “chốt” đăng ký một trung tâm gần nhà, chuyên đào tạo trẻ thi vào các trường tiểu học.

“Hiện tại, ngoài giờ học ở trường mẫu giáo, tôi đang cho con học thêm 5 buổi/tuần, ba môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh. Học phí 150.000 đồng/buổi”, chị Hà nói.

Phụ huynh cho biết con sẽ học vào buổi tối từ thứ hai đến thứ sáu, sau giờ cơm. Mỗi buổi con chỉ học 1 giờ với kiến thức đơn giản, vui vẻ nên con cũng thích và quen dần, không căng thẳng.

Học từ tháng 3/2024, đến nay, con trai chị Hà đã biết đánh vần Tiếng Việt, có tư duy Toán, Tiếng Anh có thể giao tiếp đơn giản, chỉ có viết là có phần yếu hơn chút.

Tương tự chị Hà, chị Trần Hằng (quận Hà Đông) cho biết chị tìm hiểu 6-7 trường tư thục, quốc tế thì tất cả trường này đều yêu cầu đánh giá đầu vào qua kiểm tra hoặc trải nghiệm câu lạc bộ. Trong khi đó, khối trường công thì chỉ có một trường chất lượng cao của quận là có yêu cầu này.

Ngôi trường chị Hằng tính đăng ký cho con yêu cầu trẻ tham gia đánh giá năng lực qua một buổi học. Trong buổi đó, các con sẽ học Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh. Sau mỗi tiết sẽ có bài kiểm tra nhỏ. Cuối ngày, trường sẽ đánh giá tổng hợp xem con có phù hợp với định hướng và theo được chương trình học của trường không.

Chị Hằng không quá lo lắng về buổi đánh giá này bởi từ khi con 4 tuổi, chị đã dạy con học đếm số, đánh vần và học tiếng Anh tại trường mẫu giáo. Đến hiện tại, các cô ở trường cũng dạy tiền tiểu học nên con đã biết ghép vần, cộng trừ trong phạm vi 20.

 Con trai chị Hà đang học thêm Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh để chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: NVCC.

Con trai chị Hà đang học thêm Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh để chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: NVCC.

Không cho con học tại trường tư, quốc tế, nhưng năm ngoái, để con được học lớp chất lượng cao của trường công, chị Việt Anh (sống tại Vĩnh Phúc) cũng vội vàng cho con trai (khi ấy 5 tuổi) cắp sách đến lớp tiền tiểu học để học chữ.

Chị cho hay dù trường không ghi rõ yêu cầu con phải biết đọc - viết trước nhưng những phụ huynh có dự định đăng ký vào lớp này như chị đều ngầm hiểu con phải đạt yêu cầu này. Vậy nên, chị phải chuẩn bị cho con có hồ sơ đẹp, có chứng nhận “hoàn thành 36 buổi tiền tiểu học".

Tranh cãi có nên “thi” vào lớp 1

Theo khảo sát của Tri Thức - Znews tại Hà Nội, nhiều trường chất lượng cao, tư thục, quốc tế sẽ có đánh giá đầu vào để tuyển sinh lớp 1. Song có một số trường “hot” được phụ huynh đánh giá đầu vào khó hơn như trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Archimedes, Ngôi sao Hà Nội, Lê Quý Đôn (quận Nam Từ Liêm), Newton...

Ví dụ, đăng ký vào trường Ngôi sao Hà Nội, học sinh sẽ phải gửi video sơ tuyển bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Sau đó, trường sẽ đánh giá học sinh qua bài kiểm tra WISC - IV (thang đo trí thông minh Wechsler dành cho trẻ em) và ban giám hiệu phỏng vấn trực tiếp. Học sinh đăng ký học lớp Tiếng Anh nâng cao sẽ tham gia đánh giá trình độ tiếng Anh sau khi nhập học.

Hay tại trường Newton, học sinh phải làm bài thi trực tiếp tại trường và qua vòng phỏng vấn cùng giáo viên.

Với các hình thức tuyển sinh trên, nhiều phụ huynh mang tâm lý không cho con học trước sẽ khó trúng tuyển.

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, chị Trần Hằng cho rằng việc các trường tiểu học tuyển sinh lớp 1 qua đánh giá đầu vào là điều dễ hiểu. Thậm chí, chị ủng hộ các trường “hot” dùng phương án này bởi mục tiêu của các trường là đào tạo ra học sinh có chất lượng tốt, nên việc tuyển chọn đầu vào là việc nên làm.

“Trường muốn tạo ra người giỏi, đảm bảo danh tiếng thì buộc phải ‘lọc’ đầu vào. Tôi thấy hợp lý bởi không thể nào cho những em kém hẳn học với những em giỏi. Muốn chất lượng đồng đều thì phải tuyển chọn”, chị Hằng nói.

Phụ huynh cũng cho hay nói là thi nhưng thực chất, các bài kiểm tra đầu vào khá đơn giản, không yêu cầu cao, nên trẻ không quá căng thẳng.

Chị lấy ví dụ trước đây, khi con gái lớn của chị thi vào trường Tiểu học Lê Quý Đôn, bài thi chỉ đơn giản đánh giá tư duy Toán học qua hình ảnh hoặc giáo viên đọc câu hỏi; phỏng vấn để đánh giá giao tiếp, ngôn ngữ; Tiếng Anh thì nói chuyện với thầy cô nước ngoài…

Dù vậy, phụ huynh này cũng cho rằng không phải trường nào cũng cần tổ chức kiểm tra đầu vào. Theo chị, có những trường tổ chức kiểm tra chỉ để tăng độ uy tín "ảo" cho trường. Trong khi đó, có những lớp đại trà, trẻ nào đăng ký thi cũng đỗ, nhưng vẫn phải thi.

 Chị Hải Hà không ủng hộ việc các trường tổ chức đánh giá đầu vào lớp 1. Ảnh: Freepik.

Chị Hải Hà không ủng hộ việc các trường tổ chức đánh giá đầu vào lớp 1. Ảnh: Freepik.

Chị Hải Hà cũng cho rằng các trường tổ chức đánh giá đầu vào lớp 1 nhằm sàng lọc được chất lượng học sinh, cũng như đảm bảo về mặt sĩ số. Tuy nhiên, chị không hoàn toàn ủng hộ việc này, thậm chí có phần phản đối.

Chị coi đây là hành động phản giáo dục bởi trẻ mẫu giáo còn quá nhỏ để tham gia vào cuộc thi hay cạnh tranh nhau, dù bài kiểm tra chủ yếu chỉ đánh giá sự nhanh nhạy trong tiếp nhận kiến thức của trẻ.

Tuy nhiên, vì muốn con học ngôi trường đúng với định hướng gia đình, chị vẫn phải đăng ký. Để giảm áp lực cho con, chị chọn ít trường để con không phải tham gia kiểm tra, phỏng vấn nhiều. Đồng thời, người mẹ cũng chọn ngôi trường có mức độ đánh giá nhẹ hơn so với các trường “hot” để hạn chế căng thẳng cho con.

“Chọn trường tư để con giảm áp lực thi cử, học hành. Nhưng các trường tư đặt trẻ vào cạnh tranh ngay từ đầu, bố mẹ thậm chí cũng áp lực theo, nên tôi không đồng ý”, chị Hà nói.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tre-moi-hoc-mau-giao-da-di-hoc-them-de-luyen-thi-vao-lop-1-post1512801.html
Zalo