Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Năm học 2024-2025, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai cho khối lớp 5, 9 và 12, là những khối lớp cuối cùng để ngành Giáo dục hoàn thành đầy đủ, đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện hiệu quả chu trình cuối của chương trình, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tập trung cao triển khai các nhiệm vụ năm học.
Đảm bảo các điều kiện triển khai thực hiện
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), cho biết: Năm học này, Chương trình giáo dục phổ thông mới mang tính tổng kết đối với các cấp học. Tổ chức đánh giá thực tiễn sử dụng sách giáo khoa, đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập; công tác tổ chức các kỳ thi, từ đó toàn ngành triển khai hiệu quả, từng bước đi vào chiều sâu. Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường bám sát nhiệm vụ năm học, bảo đảm chất lượng giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, tạo môi trường học tập, rèn luyện giúp các em tích lũy kiến thức, vận dụng thực tiễn đời sống.
Ngay trước năm học, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, khắc phục tình trạng không cân đối giáo viên ở một số trường, bảo đảm 100% giáo viên được phân công giảng dạy khối cuối cấp được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, tập huấn sách giáo khoa mới. Đồng thời, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Tại Trường THCS Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, năm học này có 99 học sinh khối lớp 9 học chương trình, sách giáo khoa mới. Cô giáo Lường Thị Minh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Trường bố trí 7 giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy chương trình GDPT mới. Mỗi phòng học trang bị ti vi thông minh có kết nối internet, giúp giáo viên thuận lợi trong triển khai các bài giảng; các phòng chức năng đầy đủ trang thiết bị, phục vụ học tập, học sinh được tăng cường thực hành, tiếp thu bài dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT chỉ đạo các trường học tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó, các trường mầm non nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Cấp phổ thông đổi mới phương pháp dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; tăng cường thực hành, thí nghiệm; tổ chức dạy học phân hóa phù hợp các đối tượng học sinh, nhằm phát triển phẩm chất, năng lực của các em.
Ông Ngô Ngọc Toàn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu, thông tin: Năm học 2024-2025, trên địa bàn huyện có 49 trường học. Phòng đã chỉ đạo các trường, cụm trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học. Tổ chức thực nghiệm đổi mới phương pháp giảng dạy một số tiết học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; trao đổi, thảo luận, chia sẻ, từ đó triển khai áp dụng rộng rãi trong toàn huyện. Các trường sử dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực; chú trọng dạy học tích hợp, liên môn, như xây dựng các chủ đề giáo dục STEM trong dạy học các môn toán, lý, hóa, sinh, công nghệ, tin học. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy, nâng chất lượng giáo dục.
Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới, với 4 môn thi, gồm 2 môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo các môn thi tốt nghiệp THPT. Các trường THPT tích cực tư vấn, hướng dẫn học sinh lựa chọn môn thi; xây dựng phương án ôn tập; tổ chức tập huấn, triển khai các quy định của kỳ thi, chuẩn bị tâm lý tốt nhất cho học sinh trước kỳ thi quan trọng.
Ông Đoàn Lê Huy, Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên, Sở GD&ĐT, chia sẻ: Phòng tham mưu cho Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức phân hóa học sinh theo từng môn. Chỉ đạo giáo viên bộ môn tổ chức ôn thi theo từng đối tượng. Thường xuyên kiểm tra, dự giờ ôn thi, theo dõi mức độ cải tiến chất lượng học tập của học sinh để điều chỉnh nội dung, phương pháp ôn thi. Phân tích ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT; các tổ giáo viên cốt cán cấp tỉnh tổ chức họp bàn, tổng hợp thành nguồn đề thi tham khảo dùng chung của toàn ngành.
Tại Trường THPT Cò Nòi, huyện Mai Sơn, trong tổng số trên 500 học sinh khối 12 chỉ có gần 20% em đăng ký các môn thi tốt nghiệp THPT thuộc tổ hợp khoa học tự nhiên. Thầy giáo Đinh Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng, chia sẻ: Trường tổ chức phân tích đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, nắm rõ cấu trúc, nội dung, và mức độ khó của đề thi để giáo viên xây dựng đề cương ôn luyện. Đồng thời, xây dựng lộ trình ôn tập và xác định các giai đoạn ôn tập; củng cố kiến thức cơ bản, luyện đề và rèn kỹ năng làm bài. Hiện nay, trường đang tập trung ra đề cương để tổ chức thi thử, nhằm phân hóa đối tượng học sinh, xây dựng chương trình ôn tập riêng cho học sinh khá, giỏi và học sinh yếu kém đảm bảo phù hợp với năng lực.
Qua thông tin tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT năm nay khó. Vì không chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản, mà có nhiều câu hỏi mang tính phân hóa, phân loại học sinh từ trung bình đến khá, giỏi; có những câu hỏi yêu cầu tư duy mở, giúp phát triển năng lực tư duy sáng tạo.
Cô giáo Vũ Thị Hiền, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Yên Châu, giáo viên cốt cán cấp tỉnh, nhận định: Đề thi môn ngữ văn năm nay có điểm kế thừa so với năm ngoái là giữ cấu trúc 2 phần đọc hiểu và làm văn; có kỹ năng nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Trong ôn luyện đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học tích cực, từ đó giúp học sinh phát huy tính chủ động cộng tác tìm kiếm thông tin tri thức, thể hiện chính kiến, quan điểm, khuyến khích sự phát triển tư duy phản biện của học sinh. Đây là yếu tố quan trọng cho sự phát triển năng lực, phẩm chất của người học, đáp ứng đúng mục tiêu, yêu cầu của chương trình GDPT 2018.
Khắc phục khó khăn, ngành GD&ĐT tỉnh nỗ lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đúng kế hoạch, lộ trình đề ra, từ đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong dạy và học, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.