Nữ trưởng bản làm tuyên truyền viên, tạo sự tin tưởng cho đồng bào Vân Kiều
Nhiều nữ trưởng bản nói được làm được, đi trước làm trước, tuyên truyền kiểu 'mưa dầm thấm lâu', dần xây dựng niềm tin cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
Trường Sơn là một xã biên giới nằm ở phía tây của huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, giao thông đi lại khó khăn, có những bản cách rất xa trung tâm xã, không có điện lưới và nước sạch để sinh hoạt. Xã có 4 thôn và 15 bản, có 2 dân tộc anh em cùng sinh sống là dân tộc Kinh và dân tộc Bru - Vân Kiều. Trong đó, đồng bào Bru – Vân Kiều chiếm hơn 60%, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống của bà con nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Chị Hồ Thị Thư (SN 1972, người Bru-Vân Kiều) là trưởng bản Đá Chát, chị được bầu làm trưởng bản vào tháng 10/2015. Ban đầu, chị chưa thực sự nhận được sự tin tưởng của bà con nhưng phương châm “vì quyền lợi của bà con trên hết, luôn công khai, minh bạch trong mọi công việc”, chị luôn nhẫn nại, kiên trì.
Những năm đầu bản có người nghe, người không nhưng chị không nản. Có lúc, chị cũng nhận ra, cũng biết bản thân làm chưa đúng nên luôn lắng nghe, học hỏi và sửa chữa kịp thời. Đến nay, sau hơn 9 năm kiên trì, bà con dân bản đã tin tưởng và lắng nghe chị.
Chị cũng là tổ trưởng của tổ truyền thông cộng đồng bản Đá Chát, tổ được chọn làm điểm trong triển khai dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025.
Từ khi có dự án 8 về với bản, 7 thành viên của tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng về bình đẳng giới, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, xóa bỏ hủ tục lạc hậu…
Bên cạnh đó, tổ cũng lồng ghép, truyền thông, chia sẻ nội dung cho bà con trong các buổi họp của bản. Từ đó, các thành viên ngày càng tự tin, năng động hơn, nhất là chị em, sự rụt rè, ngại ngần dần tan biến. Anh em trong bản giờ biết chia sẻ việc nhà với vợ con, cố gắng hạn chế tối đa tệ nạn xã hội...
“Dù chỉ học đến lớp 5 nhưng được tập huấn, bồi dưỡng và tự học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng, cộng thêm nhiều năm làm công tác phụ nữ của chi hội, mình tự tin, mạnh dạn hơn. Vừa qua, mình vinh dự được tham gia đoàn công tác của tỉnh dự hội nghị tổng kết chỉ đạo điểm dự án 8 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội”, chị Hồ Thị Thư hào hứng nói.
Chị Hồ Thị Quế (SN 1986, người Bru-Vân Kiều) ở bản Chân Trôộ̣ng, xã Trường Sơn lại được bầu làm trưởng bản vào năm 2022.
Thế mạnh của chị Quế chính là làm kinh tế. Với nhiều nỗ lực, gia đình chị đã trồng được 2,3ha keo, 1ha sắn, ngoài ra còn chăn nuôi 15 con trâu. Kinh tế gia đình ổn định, đi trước làm gương, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, từ đó, nhiều bà con làm theo, tăng gia sản xuất. Nhiều công việc của bản, chị kiên trì, nhẫn nại, nói ít làm nhiều, đi trước làm trước, vậy là bà con cứ thế mà nghe theo, làm theo.
Từ khi dự án 8 triển khai, tham gia tổ truyền thông cộng đồng của bản, chị Quế và các thành viên học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và ngày càng tự tin, năng động hơn, mạnh dạn chia sẻ quan điểm, suy nghĩ và góp phần đổi thay nếp nghĩ, cách làm của bà con..
Bà Nguyễn Thị Mỹ Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Trường Sơn cho biết, xã có 6 nữ trưởng bản, trong đó 3 nữ trưởng bản là người dân tộc thiểu số.
Các chị rất tâm huyết, nhiệt tình trong công việc, luôn tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã triển khai nhiều hoạt động, nhất là khi dự án 8 đi vào thực tiễn. Các trưởng bản là tổ trưởng các tổ truyền thông cộng đồng, luôn phát huy tích cực vai trò của mình, góp phần xóa bỏ các thủ tục lạc hậu, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trên địa bàn.