Độc lạ chiếc tiêm kích F-35 của Mỹ được ghép từ hai máy bay hỏng

Chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 độc nhất vô nhị được ghép từ xác 2 chiếc máy bay hỏng sắp được đưa trở lại phi đội của Không quân Mỹ.

Không quân Mỹ đã hoàn thành dự án ghép 2 xác tiêm kích F-35A Lightning II bị hỏng thành một chiếc máy bay hoàn chỉnh và sẽ đưa nó trở lại biên chế trong tháng 3 tới.

Chiếc máy bay này có biệt danh Franken-Lightning, ghép từ tên “F-35A Lightning II” và “quái vật Frankenstein”.

“Quái vật bầu trời” được ghép từ xác 2 chiếc máy bay F-35 hư hỏng. Ảnh: Không Quân Mỹ

“Quái vật bầu trời” được ghép từ xác 2 chiếc máy bay F-35 hư hỏng. Ảnh: Không Quân Mỹ

Chiếc F-35 “Quái vật bầu trời” được phục hồi nhờ sự hợp tác giữa Không đoàn 388 tại Căn cứ Hill ở Utah, Văn phòng Chương trình F-35A Lightning II và Lockheed Martin.

Văn phòng Chương trình F-35 lần đầu tiên đánh giá tính khả thi của dự án ghép xác máy bay vào tháng 1/2020 và công việc lắp ráp lại máy bay chiến đấu tàng hình bắt đầu vào cuối năm 2023 tại Khu phức hợp hậu cần Không quân Ogden.

“Về lý thuyết, tất cả các bộ phận của máy bay có thể được tháo rời và lắp lại nhưng điều này chưa bao giờ được thực hiện trước đây. Đây là chiếc F-35 “Quái vật bầu trời” đầu tiên và là dự án mang tính lịch sử”, Scott Taylor, kỹ sư cơ trưởng của Lockheed Martin cho dự án nói trên cho biết trong thông cáo báo chí công bố dự án vào năm 2023.

Chưa đầy 2 năm sau, chiếc F-35 “Quái vật bầu trời” đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 16/1. Sau chuyến bay kiểm tra chức năng thành công, chiếc F-35 này sẽ trải qua các thử nghiệm cuối cùng trước khi trở lại trạng thái chiến đấu.

Từ xác máy bay hỏng đến “Quái vật bầu trời”

Franken-Lightning về bản chất được ghép từ một chiếc F-35A gặp sự cố gãy càng mũi với một chiếc F-35 bị cháy động cơ và hỏng 2/3 thân sau.

Năm 2014, chiếc F-35 có số hiệu sản xuất AF-27, bị hư hỏng nghiêm trọng do cháy động cơ khi đậu ở căn cứ không quân Eglin tại bang Florida. Khi đó chi phí sửa chữa ước tính lên tới hơn 50 triệu USD. Do vậy, phần khung máy bay được tận dụng để phục vụ chương trình huấn luyện sửa chữa cho các đội bảo trì.

Năm 2020, một sự cố với hệ thống bánh xe đã khiến một chiếc F-35 có số hiệu sản xuất AF-211 bị hư hỏng nặng phần mũi máy bay trong lúc hạ cánh. Sau sự cố, khung máy bay và động cơ của nó được bảo quản tại Căn cứ Không quân Hill ở Utah.

Dave Myers, kỹ sư trưởng của Nhóm Hỗ trợ Chương trình F-35, cho biết, khung máy bay F-35 vẫn còn nguyên và không hề bị xuống cấp, vì vậy việc ghép chúng lại với nhau thành “Quái vật bầu trời” sẽ không ảnh hưởng đến khả năng bay.

Tại căn cứ của Phi đội tiêm kích số 4, thuộc Không đoàn 388, các kỹ thuật viên đã chế tạo các công cụ và thiết bị đặc biệt để nối phần mũi của chiếc AF-27 với phần thân sau của chiếc AF-211. Đây là lần đầu tiên họ thực hiện công việc sửa chữa đầy tham vọng này.

“Khi chúng tôi nhận được chiếc máy bay, nó gần như chỉ còn là cái vỏ. Có rất nhiều công việc phải hoàn thành mà chúng tôi chưa từng làm trước đây”, Jaguar Arnold, trưởng nhóm kỹ thuật viên của Phi đội tiêm kích số 4, cho biết.

Trong quá trình sửa chữa, nhóm kỹ thuật cũng phải sử dụng đến các linh kiện mới, bao gồm các cấu trúc gia cố ở vỏ ngoài. Các kỹ thuật viên đã lắp lại hệ thống bánh xe, đấu nối lại hệ thống điện tử hàng không và thiết lập lại buồng lái.

Chiếc máy bay chỉ 6 triệu USD

Sự thành công trong nỗ lực phục hồi F-35 đã đem lại kinh nghiệm kỹ thuật quý giá cho các kỹ thuật viên nhằm cải thiện quy trình lắp đặt và kiểm tra máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

“Khi nhận dự án này, chúng tôi biết sẽ phải thực hiện nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và điều đó không hề dễ dàng. Dù vậy, đây cũng là cơ hội để đội kỹ sư bảo dưỡng của chúng tôi nâng cao tay nghề và tích lũy kinh nghiệm”, trung úy Ryan Bare, thành Phi đội tiêm kích số 4 cho biết.

F-35 “Quái vật bầu trời” cũng giúp tăng số lượng máy bay hoạt động của Không quân Mỹ với chi phí thấp hơn rất nhiều. Dự án ghép xác này có chi phí dưới 6 triệu USD, ít hơn nhiều so với con số 80 triệu USD để mua mới tiêm kích F-35, giúp không quân Mỹ tiết kiệm được nhiều ngân sách.

Quân đội Mỹ hiện đang vận hành khoảng 630 phiên bản F-35 và có kế hoạch mua thêm hơn 1.800 chiếc máy bay nữa cho Không quân, Thủy quân lục chiến và Hải quân vào giữa những năm 2040.

Bộ Quốc phòng Mỹ đã kéo dài thời hạn hoạt động của F-35 từ năm 2077 đến năm 2088, khiến tổng chi phí ước tính của chương trình vượt 2.000 tỷ USD.

Sau khi hoàn thành các cuộc bay thử nghiệm chức năng vào tháng 1, chiếc F-35 Franken-Lightning đã được vận chuyển đến cơ sở của Lockheed Martin ở Fort Worth, Texas. Tại đây nó sẽ hoàn tất các cuộc kiểm tra cuối cùng để trở lại trạng thái chiến đấu.

Chiếc máy bay dự kiến sẽ được đưa trở lại biên chế trong Phi đội tiêm kích số 4 vào khoảng tháng 3.

“Dự án này không chỉ đưa một tài sản chiến đấu trở lại hoạt động mà còn mở ra cánh cửa để sửa chữa những chiếc máy bay gặp sự cố trong tương lai bằng các công cụ, thiết bị, kỹ thuật hiện có”, Dan Santos, Giám đốc dự án bảo trì F-35 nhấn mạnh.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/doc-la-chiec-tiem-kich-f-35-cua-my-duoc-ghep-tu-hai-may-bay-hong-post1154786.vov
Zalo