Doanh nghiệp TP.HCM lạc quan kinh tế khởi sắc từ quý I-2025
Khoảng 38% doanh nghiệp TP.HCM đánh giá sản xuất kinh doanh tốt lên từ quý IV-2024, tạo tiền đề cho kinh tế khởi sắc khi bước sang quý I-2025.
Bước sang năm 2025, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM đang thể hiện sự lạc quan về triển vọng sản xuất kinh doanh, kinh tế khởi sắc. Sau một giai đoạn đầy thách thức, các tín hiệu tích cực từ thị trường trong và ngoài nước đang mở ra cơ hội để doanh nghiệp tăng tốc, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm để cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM khẳng định vị thế, sẵn sàng bứt phá trong quý I-2025.
33% doanh nghiệp dự báo kinh tế khởi sắc trong quý I
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của Cục Thống kê TP.HCM, điều tra xu hướng kinh doanh tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV năm 2024 có nhiều tín hiệu kinh tế khởi sắc so với quý trước. Cụ thể: 38% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt lên, 40,8% cho rằng sẽ giữ ổn định và 21,5% khó khăn hơn.
Trong đó, khoảng 83% doanh nghiệp Nhà nước đánh giá hoạt động quý IV năm 2024 tốt lên và giữ ổn định so với quý trước. Tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài Nhà nước lần lượt là 81% và 76,7%.
Dự báo tình hình quý I năm 2025, có 33% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh sẽ tốt hơn; khoảng 42% giữ ổn định và 25% khó khăn hơn. Trong đó, có 77,5% doanh nghiệp Nhà nước có cái nhìn tích cực về tình hình trong quý I năm 2025, tỷ lệ này ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và ngoài Nhà nước tương ứng là 76% và 73%.
Nhiều động lực mới
Khái quát lại, kinh tế TP.HCM tăng trưởng phục hồi ổn định với một số kết quả nổi bật khi tốc độ tăng GRDP năm 2024 đạt 7,17%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3%, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%, sức mua của người dân có xu hướng tăng lên khi các chương trình kích cầu phát huy hiệu quả. Theo đó, khách quốc tế đến Thành phố tăng 20%, hoạt động logistic, vận tải phát triển mạnh mẽ với doanh thu tăng 34,5%, giá cả các mặt hàng tiêu dùng duy trì ổn định, không có hiện tượng tăng đột biến, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,2%.
“Các kết quả kinh tế tích cực trong năm 2024 sẽ tạo tiền đề cho năm 2025 tăng trưởng cao, do đó, ngoài sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thì Thành phố phải khẩn trương, tận dụng đà đang phục hồi của các ngành và khơi dậy các động lực mới” - Cục Thống kê TP.HCM đánh giá.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, chuyên gia kinh tế cho biết, trong danh sách những doanh nghiệp TP.HCM nộp thuế cao trong năm 2024, chủ yếu trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tài chính, bảo hiểm... Đây là lợi thế của TP.HCM, cho thấy nền kinh tế khởi sắc, phục hồi tốt, đặc biệt vào cuối năm 2024. Các doanh nghiệp thường gặp khó khăn đầu năm, nhưng tăng trưởng tốt vào cuối năm, tạo tiền đề cho năm 2025.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã có đơn hàng cho quý I, quý II-2025, kéo theo việc làm và thu nhập tăng, giúp doanh nghiệp dịch vụ phát triển. Ngành tài chính, ngân hàng, viễn thông cũng hưởng lợi. Bức tranh kinh tế khởi sắc trở lại nên doanh nghiệp cứ mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh hướng tới chu kỳ tăng trưởng mới.
Theo TS Điền, bước sang năm 2025, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 10%, với GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.500 USD. Để đạt được mục tiêu này, thành phố cần tập trung vào các giải pháp như đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, khơi thông thị trường bất động sản và xây dựng các kịch bản tăng trưởng khả thi ngay từ đầu năm. Đồng thời, việc chuyển đổi công nghiệp được xác định là động lực mới cho tăng trưởng, giúp TP.HCM thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang thay đổi.
Với những định hướng và giải pháp cụ thể, TP.HCM kỳ vọng kinh tế khởi sắc sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong năm 2025.
“Năm 2025, Chính phủ đã đẩy mạnh những gói tín dụng, lãi suất cho vay hợp lý, cùng với đó những chính sách giảm 2% thuế VAT cho hàng hóa tiêu dùng, miễn giảm tiền thuê đất... Vì thế, doanh nghiệp trong năm nay nếu có dự định đầu tư sản xuất kinh doanh mở rộng thì có nhiều cơ sở để mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh” - TS Điền đánh giá.
TP.HCM: 83% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động ngành thương mại, dịch vụ
Theo Cục Thống kê TP.HCM, từ ngày 1-1-2024 đến ngày 20-12-2024, TP.HCM cấp phép 48.012 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt hơn 402.000 tỉ đồng, giảm 8% về giấy phép và giảm 14,5% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân theo khu vực kinh tế, có đến 83% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động ngành thương mại - dịch vụ, 17% doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng và 0,3% ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp cấp phép ngành thương mại, dịch vụ có hơn 39.700 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt gần 290.900 tỉ đồng, giảm 6% về cấp phép và giảm 16% về vốn so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu hoạt động ngành thương mại - dịch vụ. Ảnh: Thu Trinh
Số lượng doanh nghiệp cấp phép ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có 146 đơn vị với vốn đăng ký đạt 2.605 tỉ đồng, giảm 11,5% về cấp phép và tăng 4% về vốn so với cùng kỳ.
Số lượng doanh nghiệp cấp phép ngành công nghiệp - xây dựng có hơn 8.100 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt trên 108.500 tỉ đồng, giảm 15% về cấp phép và giảm 10% về vốn so với cùng kỳ.
Phân theo loại hình doanh nghiệp, có hơn 9% đăng ký thành lập mới là công ty TNHH; công ty cổ phần chiếm khoảng 8%; doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh chiếm 0,8%.