Rủi ro khi đổi tiền lẻ trên 'chợ đen'
Đến hẹn lại lên, cứ đến gần Tết Nguyên đán, nhiều nhóm hội trên mạng xã hội xuất hiện lời chào đổi tiền mới giá chênh lệch thấp, mới, seri đẹp… Hành vi đổi tiền mới nhằm hưởng chênh lệch hoặc thu lợi từ lâu đã được khuyến cáo là hành vi trái pháp luật.
Tiền lẻ, tiền mới không sẵn để đổi tại các ngân hàng, ngay lập tức thị trường "chợ đen online" và cả trực tiếp tại các điểm đổi tiền lưu động đã diễn ra sôi động, tuy nhiên, các giao dịch này đều phải trả phí, thậm chí có nhiều mệnh giá tiền phí đổi lên tới 20%.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, chỉ Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng mới được phép giao dịch, đổi tiền và giá trị đổi là tương ứng, vì rủi ro về tiền giả rất có thể sẽ xảy ra với người có nhu cầu đổi tiền và như vậy, người đổi tiền sẽ là người vi phạm pháp luật.
“Ngân hàng Nhà nước đang thúc đẩy hạn chế chi tiêu tiền mặt. Việc đổi tiền lẻ tôi thấy cũng khá phiền phức. Ngoài ra, việc lì xì online giúp khách hàng tiếp cận công nghệ mới, tiếp cận xu hướng sử dụng số thì dần dần chúng ta sẽ cảm thấy tiện lợi và an toàn hơn rất nhiều”, ông Vũ Mạnh Hưng - Giám đốc Phát triển dịch vụ ngân hàng số, VPBank cho biết.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc in tiền lẻ hiện rất hạn chế và giúp ngân sách tiết kiệm được 3.500 tỷ đồng. Bên cạnh tiền mới, tiền lẻ, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân thận trọng, cân nhắc kỹ trước khi mua các loại tiền độc, lạ dù loại tiền này chỉ được dùng với mục đích sưu tầm, để tránh vi phạm pháp luật vì thiếu hiểu biết.