Giải bài toán 'kẹt xe' trên không

Mỗi lần sắp bay về Việt Nam, thử kiểm tra qua trang web FlightRadar24, tôi vừa ngao ngán nhưng cũng vừa thích thú khi thấy tần suất dày đặc của các chuyến bay vào và ra khỏi TPHCM.

Châu Á sẽ tăng mạnh trong 2 thập niên tới

2 năm trở lại đây, câu chuyện đặt vé máy bay sớm để về Việt Nam thăm nhà dịp cuối năm nhằm tránh bị “kẹt xe trên không”, sôi động trở lại trong nhóm các bạn bè của tôi. Dù biết mùa này di chuyển rất vất vả do người đông, máy bay hay trễ chuyến hoặc bị hủy nhưng mọi người vẫn phải bay, nhưng do đây là mùa mọi người được nghỉ làm, trẻ em được nghỉ học nên tranh thủ về thăm gia đình.

Sau mấy năm Covid khi mà người người nhà nhà ngại di chuyển, thị trường hàng không toàn cầu đã hồi phục mạnh mẽ và dự kiến tăng trưởng khả quan trong thập niên tới. Theo báo cáo dự báo về thị trường hàng không toàn cầu 20 năm tới của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) công bố vào giữa năm 2024 vừa qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng số hành khách cao nhất trong 20 năm tới, với tốc độ tăng trưởng tới 5,3% bình quân mỗi năm, gấp gần 1,4 lần so với tăng trưởng bình quân toàn cầu.

Điều này một mặt phản ánh sự thịnh vượng với kỷ nguyên vươn mình của cả châu Á đang tiếp diễn, bắt kịp so với khu vực phát triển hơn nhưng đang tăng trưởng chậm lại như châu Âu hay Bắc Mỹ.

Châu Á - Thái Bình Dương cũng vượt trội với dân số trẻ. Ước tính này cho thấy một sự lạc quan, là chỉ dấu rõ ràng về triển vọng kinh tế của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong 2 thập niên tới, bất chấp những nỗi lo về thất nghiệp cao trong giới trẻ và sự già hóa dân số.

Những số liệu trong báo cáo của IATA cho thấy, có một sự đồng pha giữa tăng trưởng GDP đầu người với tăng trưởng số chuyến bay trên mỗi người, cũng là một kết quả khá hợp lý. Nói cách khác, con số dự báo lạc quan của IATA hàm ý một sự tin tưởng vào thịnh vượng kinh tế ở châu Á trong 2 thập niên mới.

Đúng như Tổng Bí thư Tô Lâm nói Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, không phải là lời hô hào sáo rỗng mà hoàn toàn có nền tảng để kỳ vọng.

Nỗi lo “kẹt xe trên không”

Tuy nhiên, khi đọc những số liệu này, tôi lại có một nỗi lo về chuyện “kẹt xe trên không” ở Việt Nam. Với những ai từng bay từ nước ngoài về TPHCM thường xuyên trong 12 tháng qua, chắc chắn không thoát những hàng chờ dài ở cổng làm thủ tục xuất nhập cảnh, dù là bay thời gian thấp hay cao điểm. Một trong những nguyên nhân rõ ràng là sự quá tải của sân bay, bên cạnh các nguyên nhân chủ quan về điều hành và quản lý sân bay khác.

Theo một phân tích của Nikkei Asia, sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những sân bay quá tải bậc nhất Đông Nam Á, với công suất sử dụng vượt lên đến 136% công suất thiết kế. Với dự báo về tốc độ tăng hành khách ở châu Á và sự phát triển của kinh tế Việt Nam, tình hình sẽ ngày một tệ hơn nếu những dự án đầu tư mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất và việc đưa sân bay Long Thành đi vào hoạt động không được hoàn thành sớm.

Chính vì vậy, tôi hy vọng rằng chuyện giảm bớt “kẹt xe trên không” nên được xem là một trong những trọng tâm giải quyết trong những năm tới của các cấp lãnh đạo. Trong tổng thể góc nhìn giải quyết chuyện “kẹt xe trên không”, cũng nên chú ý đến chuyện kẹt xe dưới mặt đất ở các sân bay.

Bởi khi các sân bay như Long Thành và Tân Sơn Nhất đông đúc lên, tất yếu áp lực lên các tuyến đường huyết mạch dẫn về những sân bay này cũng tăng lên.

Dẫu người ta hay nói rằng “đông thì vui”, nhưng chuyện kẹt xe từ cả dưới đất lẫn trên không trong những dịp cuối năm, sẽ khiến các chuyến bay đoàn tụ người thân ít vui hơn. Hy vọng với những nỗ lực gỡ khó cho nút thắt cổ chai về hạ tầng trong các năm tới, mỗi năm sẽ có thêm nhiều nụ cười và ít sự bực dọc trên các khuôn mặt của các hành khách phải bay dịp cuối năm.

Hạ tầng hàng không và tiếp đón khách quốc tế nếu không theo kịp, sẽ trở thành một nút cổ chai cho tiến trình phát triển của TPHCM. Bởi cơ hội gia tăng lượng khách quốc tế và cơ hội giao thương sẽ trở thành thách thức về mặt xã hội, khi mà chuyện “kẹt xe trên không” kéo dài, gây ngao ngán cho cả những thương gia nội địa lẫn khách du lịch và nhà đầu tư quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đem lại chuyển biến tích cực về mặt xã hội mới là tăng trưởng bền vững, một xu hướng chủ đạo trên toàn cầu. Hay tăng trưởng đem lại nhiều nụ cười hơn cũng chính là tăng trưởng bền vững.

TS. HỒ QUỐC TUẤN, giảng viên Đại học Bristol

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/giai-bai-toan-ket-xe-tren-khong-post119811.html
Zalo