Doanh nghiệp thép Việt chịu ảnh hưởng ra sao trước cơn 'bão thuế' từ Mỹ?

Vừa qua, Mỹ đã chính thức áp thuế 25% lên tất cả các sản phẩm thép nhập khẩu, nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tác động lên doanh nghiệp Việt Nam sẽ không quá lớn do thị phần xuất khẩu vào Mỹ chỉ chiếm 13% tổng kim ngạch thép.

Ngành thép Việt Nam bị tác động thế nào trong nhiễu động thuế toàn cầu? Ngày 18/2: Giá thép thanh Trung Quốc quay đầu tăng, trong nước bình ổn

Theo phân tích của ông Lê Hải Thành – chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng nhẹ trước quyết định của Mỹ về việc áp thuế nhập khẩu 25% đối với các sản phẩm thép.

Theo đó, ngày 11/2 vừa qua, chính quyền Mỹ đã chính thức ban hành quyết định áp thuế 25% lên tất cả các sản phẩm nhôm, thép nhập khẩu, nhằm bảo hộ các nhà sản xuất nội địa. Động thái này xuất phát từ tình trạng một số nhà máy thép lớn tại Pennsylvania phải đóng cửa trong năm 2024, cũng như sự sụt giảm đáng kể của biên lợi nhuận ngành thép Mỹ.

Xét về ảnh hưởng đến các doanh nghiệp thép trong nước cụ thể, ông Thành cho rằng, nhóm doanh nghiệp tôn mạ như GDA, HSG và NKG có thể chịu tác động nhẹ từ quyết định áp thuế, trong khi HPG dự kiến không bị ảnh hưởng tiêu cực.

Đối với HPG, mức thuế hiện nay áp dụng cho các sản phẩm thép xây dựng và HRC xuất khẩu đã ở mức trên 33%, do đó thuế suất mới không làm thay đổi đáng kể chi phí xuất khẩu của doanh nghiệp này.

Theo chuyên gia từ MBS, trên tổng sản lượng thép xuất khẩu sang Mỹ năm 2024, HRC và tôn mạ chiếm 60%. Các mặt hàng này hiện đang chịu thuế suất từ 21% – 36%, trong đó thép xây dựng và HRC đã phải chịu mức thuế từ 33% – 36%, cao hơn mức thuế mới 25%. Do đó, các sản phẩm này có thể không chịu tác động từ chính sách mới của Mỹ.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tôn mạ có thể phải giảm biên lợi nhuận gộp để duy trì thị phần tại Mỹ thông qua điều chỉnh giá bán.

Tuy nhiên, với thực tế rằng Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn thép nhập khẩu (chiếm 51% tổng tiêu thụ), việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế sẽ không thể diễn ra trong thời gian ngắn, giúp các doanh nghiệp tôn mạ Việt Nam có cơ hội duy trì sản lượng xuất khẩu dù biên lợi nhuận có thể bị thu hẹp.

Dưới góc nhìn đầu tư, theo các chuyên gia từ Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS), những rào cản thuế quan đối với ngành thép Việt Nam không phải là điều mới mẻ. Hơn nữa, thị trường Mỹ không chiếm tỷ trọng quá lớn so với các khu vực quan trọng khác như ASEAN và EU. Các doanh nghiệp thép Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó với các biện pháp bảo hộ thương mại và chủ động trong việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Mặc dù những thay đổi về thuế quan có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường trong ngắn hạn, nhưng xét về dài hạn, đây có thể là cơ hội đầu tư hấp dẫn. Khi giá cổ phiếu ngành thép bị điều chỉnh về mức chiết khấu hợp lý, nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn có thể tận dụng thời điểm này để tích lũy cổ phiếu, kỳ vọng vào sự phục hồi và tăng trưởng của ngành trong tương lai./.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-thep-viet-chiu-anh-huong-ra-sao-truoc-con-bao-thue-tu-my-170721.html
Zalo