Doanh nghiệp 'khát' lao động ở nhiều địa phương
Từ cuối năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp đang tăng mạnh. Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu tuyển dụng mới ở các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ tăng đột biến...
Nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động đã phải huy động các kênh tuyển dụng, thậm chí treo băng rôn tuyển dụng khắp nơi. Thế nhưng, dù đang "khát" nhân lực nhưng công tác tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp cũng đang gặp không ít khó khăn.
Cần tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động
Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, tính đến ngày 11/2, Hà Nội có khoảng 161 nghìn doanh nghiệp mở cửa trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh (chiếm 99,38%) với 2,08 triệu công nhân lao động quay trở lại làm việc, đạt 99,04% tổng số lao động trên địa bàn. Thị trường lao động Hà Nội đang có nhiều nét tích cực khi nhu cầu tuyển dụng ngay sau Tết tăng rất cao.
Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng tăng và chiếm tỷ lệ lớn nhất ở nhóm lao động phổ thông. Các nhóm nhân sự trình độ đại học, quản lý cấp cao nhu cầu tuyển dụng vẫn có song số lượng không nhiều. "Nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Hà Nội quý I/2025 khoảng 100 - 120 nghìn chỉ tiêu, tập trung vào các lĩnh vực ngành nghề như thương mại, dịch vụ, kinh tế xanh, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, dịch vụ lưu trú ăn uống, bất động sản, giao nhận vận chuyển logistics...", Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết.
![Nhiều cơ hội việc làm kết nối doanh nghiệp với người lao động.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_5_51481647/dac6e026d3683a366379.jpg)
Nhiều cơ hội việc làm kết nối doanh nghiệp với người lao động.
Không chỉ ở Hà Nội, nhu cầu tuyển dụng đang tăng cao ở nhiều địa phương trên cả nước. Đơn cử như tại Nghệ An, theo con số của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, các doanh nghiệp tại địa phương này đang có nhu cầu tuyển gấp 40 nghìn lao động. Tại "Ngày hội việc làm 2025" do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An phối hợp cùng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An vừa tổ chức, hàng loạt doanh nghiệp đã tham gia tuyển dụng với số lượng lớn như: Công ty TNHH Luxshare ICT&Merry Nghệ An cần tuyển hơn 9.000 lao động; Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision Việt Nam cần tuyển 2.300 lao động; Công ty TNHH Gaojia Optics Technology Việt Nam cần thêm 1.841 lao động...
Trong khi đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho hay, năm 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần tuyển trên 75 nghìn lao động, trong đó có hơn 54 nghìn lao động phổ thông (chưa qua đào tạo), số còn lại trình độ từ công nhân kỹ thuật đến đại học. Nhu cầu tuyển dụng đầu năm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng là hơn 38 nghìn lao động. Lý giải nguyên nhân thiếu hụt nguồn lao động sau Tết, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho rằng, do nhiều doanh nghiệp tìm được đơn hàng nên mở rộng sản xuất. Ngoài ra một số lao động sau kỳ nghỉ Tết đã ở lại địa phương chưa quay trở lại làm việc…
Tăng cường kết nối
Đánh giá thị trường lao động sau Tết, theo ông Nguyễn Vinh Quang, Phó Trưởng ban Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), qua nắm bắt từ hệ thống công đoàn, từ giai đoạn cuối năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động đã rất nhiều. Và sang đến đầu năm 2025 thì nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp còn tốt hơn nữa. Tại các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, các doanh nghiệp tuyển dụng hàng nghìn người rất phổ biến. Đang có một xu hướng là các doanh nghiệp phải cạnh tranh trong tuyển dụng lao động. Độ tuổi tuyển dụng cũng đã được nâng lên. Trước đây, doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động trẻ nhưng nay trước nguy cơ thiếu hụt nguồn lao động nên lao động lớn tuổi doanh nghiệp cũng tuyển. Thậm chí có những doanh nghiệp còn có chính sách, người giới thiệu được lao động còn có quà tặng.
"Một hiện tượng khá phổ biến hiện nay là đi làm rồi mới phải nộp hồ sơ. Trước phải nộp hồ sơ đầy đủ mới được đi làm thì nay ngược lại. Trong một khảo sát của chúng tôi về tuyển dụng lao động đối với ngành dệt may trong năm 2025, hơn 40% doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, tuyển dụng tăng thêm. Đây là những tín hiệu rất tốt cho thị trường lao động", ông Quang cho hay.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng hiện nay là lực lượng lao động trẻ có xu hướng muốn được làm việc trong môi trường năng động, thoải mái, sáng tạo. Cùng với đó chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố, sự phát triển nhà máy, phân xưởng tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động đã từ bỏ bám trụ ở thành phố để chuyển về quê.
Nhu cầu lớn, nhưng doanh nghiệp đang rất khó tuyển dụng. Vậy đâu sẽ là giải pháp để các doanh nghiệp có thể giải quyết bài toán về nhân lực sản xuất, kinh doanh? Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, đây sẽ là lúc để các trung tâm dịch vụ việc làm phát huy tối đa giá trị trong kết nối cung - cầu. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, dự kiến, trong năm 2025, Hà Nội sẽ tổ chức 255 phiên giao dịch việc làm. Ngay trong quý I/2025, thành phố sẽ tổ chức 53 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 47 phiên hằng ngày, 3 phiên trực tuyến, 1 phiên chuyên đề, 2 phiên lưu động.
"Năm nay, thành phố sẽ duy trì tổ chức các phiên giao dịch việc làm hằng ngày, diễn ra đồng bộ trên toàn bộ hệ thống Sàn giao dịch việc làm, đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các sàn giao dịch việc làm với các địa phương trong vùng Thủ đô và các tỉnh, thành phố khác trên cả nước, thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tuyến, chuyên đề...", ông Nam cho biết.