Doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8%
Quốc hội đã quyết định điều chỉnh mục tiêu tăng GDP năm nay từ 8% trở lên. Những thông điệp mạnh mẽ của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết cho cộng đồng doanh nghiệp quyết tâm mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng trong năm 2025.
Năm 2025 đang bắt đầu với không khí lao động sản xuất sôi nổi trên khắp cả nước. Nhiều lĩnh vực kinh tế khởi sắc ngay từ tháng đầu năm, tạo đà cho một năm được dự báo sẽ tăng trưởng bứt phá của nền kinh tế Việt Nam. Với kịch bản GDP trên 8% năm nay, các khu vực kinh tế phải tăng trưởng cao hơn khoảng 0,7-1,3% so với năm 2024.
Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm. Trước yêu cầu phát triển mới, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, đội ngũ doanh nghiệp tư nhân nói riêng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, sứ mệnh của mình trong phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng: “Các doanh nghiệp dù là doanh nghiệp Nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân đã có biến chuyển về quan điểm, quyết tâm cao hơn nữa trong mục tiêu của từng doanh nghiệp trong năm nay. Các doanh nghiệp đều thấy trách nhiệm của mình trong việc đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng cao. Sự lan tỏa này tôi cho rằng sẽ lớn hơn nữa khi cải cách về thể chế, cải cách về môi trường kinh doanh, cải cách về bộ máy mà chúng ta đang thực hiện”.

Để đạt được mức tăng trưởng hai con số thì khu vực kinh tế ngoài nhà nước cần tăng khoảng 11%/năm
Qua gần 40 năm đổi mới, nước ta đã có hơn 940.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 30.000 hợp tác xã và khoảng 5 triệu hộ kinh doanh. Lực lượng doanh nghiệp này đã và đang càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội đã ra Nghị quyết về thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là bước rất nhanh chóng, để thể chế hóa, đưa Nghị quyết 57 của Trung ương đảng về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Doanh nhân Nguyễn Đức Quý, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp Vconnex đánh giá: “Về Nghị quyết 57, chúng tôi là doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thì rất hứng khởi và có niềm tin mạnh mẽ khi Chính phủ đang rất quyết liệt đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ. Ngay từ đầu năm 2025, chúng tôi đã ký được một đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu các sản phẩm camera make in Viet Nam cũng như hệ thống IOT, triển khai trên hạ tầng của châu Âu”.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, trong Quý 2 năm 2025, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để triển khai các dự án lớn. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Đối với những băn khoăn, trăn trở, kiến nghị của doanh nghiệp, Thường trực Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát để xây dựng thể chế thông thoáng, dễ thực hiện; xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chấm dứt cơ chế xin cho, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Những hành động quyết liệt của Chính phủ đang mang lại nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết: “Mỗi doanh nghiệp là một tế bào của nền kinh tế, Hòa Phát cũng như vậy, doanh nhiệp đưa ra mục tiêu từ năm 2025 -2030 chúng tôi sẽ cam kết tối thiểu phát triển đóng góp cho GDP của đất nước. Theo đó mỗi năm doanh nghiệp sẽ tăng trưởng không dưới 15%”.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025 là rất khả thi, bởi dư địa cho tăng trưởng của nước ta còn rất nhiều. Nếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp, thì khu vực này sẽ đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong đó, việc hoàn thiện thể chế được Chính phủ xác định là” đột phá của đột phá” là rất đúng và trúng. Cùng với đó, cần có những chính sách về thuế, về tiếp cận đất đai và tài chính cho doanh nghiệp.
“Hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa thúc đẩy được quá trình số hóa trong hoạt động quản lý, điều hành, bán hàng và các khâu khác trong hoạt động của doanh nghiệp. Hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn để tạo thành chuỗi liên kết phát triển mạnh mẽ.
Về chính sách vốn thì cần tạo điều kiện nới lỏng hơn về các quy định thủ tục. Ví dụ đối với doanh nghiệp nhỏ có thể cho vay đến dưới 500 triệu đồng. Cố gắng giảm bớt thủ tục, tăng trường cho vay tín chấp và quản lý sau vay. Khi doanh nghiệp có sáng tạo, có đổi mới và có thị phần thì cần có nguồn lực để họ phát triển lên” - TS. Tô Hoài Nam nêu ý kiến.
Trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, việc chủ động tăng năng lực nội sinh để thúc đẩy tăng trưởng là yêu cầu đặt ra cấp thiết. Mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên trong năm nay là khá thách thức. Tuy nhiên, với những giải pháp đang được triển khai quyết liệt, những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất - kinh doanh sẽ dần được tháo gỡ.
Khi niềm tin vào một Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động được củng cố, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân sẽ nỗ lực để gánh vác những việc lớn, việc khó đang đặt ra cho sự phát triển của đất nước và trở thành lực lượng quan trọng tìm lời giải cho bài toán tăng trưởng 2 con số của nền kinh tế nước ta trong kỷ nguyên mới.