Gia Lai: Rau rớt giá, nông dân chật vật tìm đầu ra
Dù chăm sóc vất vả suốt nhiều tháng trời, nhưng đến khi thu hoạch người trồng rau phải bán rẻ, thậm chí bỏ rau héo ngoài ruộng vì không ai mua.
Giá giảm vẫn không có người mua
Ngày 22/2, Người Đưa Tin có mặt tại cánh đồng thuộc xã An Phú, một trong những khu vực cung cấp rau củ lớn của Tp.Pleiku (tỉnh Gia Lai). Không khí lao động nhộn nhịp, nhưng trên gương mặt ai nấy đều hiện rõ nỗi lo âu.
Gánh trên vai chiếc bình lớn, tay thoăn thoắt điều khiển vòi phun thuốc cho 2 sào dưa cải ngọt, ông Trần Văn Ngọc (45 tuổi, ngụ xã An Phú) không giấu nổi nỗi chua xót: "Chúng tôi đổ biết bao công sức, tiền bạc vào luống rau. Ngày nào cũng thức khuya dậy sớm, chăm chút từng cây một. Vậy mà đến lúc thu hoạch, giá rau rớt thê thảm, bán còn chẳng đủ tiền phân, tiền giống".

Ông Trần Văn Ngọc cho biết, giá rau cải cúc, cải ngọt thương lái mua với giá 1000-1.500 đồng/kg.
Theo ông Ngọc, gia đình ông canh tác 4 sào đất trồng rau, trong đó 2 sào dành cho cải ngọt, 2 sào còn lại trồng cải cúc.
Chỉ tay vào luống cải ngọt đang phun dở, ông không giấu được vẻ ngao ngán: "Hiện nay, thương lái thu mua cải ngọt tận vườn chỉ với giá 1.500 đồng/kg, trong khi trước Tết giá dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/kg. Còn 2 sào cải cúc bên cạnh, giá chỉ 1.000 đồng/kg nhưng thương lái cũng không mặn mà thu mua. Nhìn cả ruộng rau xanh mướt mà xót xa lắm, chẳng biết phải làm sao".
Ông Ngọc cho biết, có những thời điểm, nông dân buộc phải nhổ bỏ hàng tấn rau vì giá quá thấp, không đủ bù chi phí thu hoạch và vận chuyển. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, người trồng rau còn rơi vào cảnh bất lực trước vòng luẩn quẩn “được mùa mất giá, mất mùa được giá” kéo dài suốt nhiều năm.
Cạnh vườn rau của ông Ngọc, ông Huỳnh Minh Thái (50 tuổi) đang tỉ mẩn chăm sóc 2 sào hành lá chuẩn bị thu hoạch.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thái chia sẻ, sau Tết, hầu hết các loại rau, củ đều giảm giá mạnh. "Trước Tết, hành lá có giá 12.000 - 14.000 đồng/kg, vậy mà giờ đây thương lái chỉ mua với giá 8.000 đồng/kg. Nông dân trồng rau cứ mãi loay hoay trong cảnh giá cả bấp bênh như thế này, cực lắm", ông Thái thở dài.

Ông Huỳnh Minh Thái đang cần mẫn chăm sóc 2 sào hành lá chuẩn bị xuất bán, nhưng giá như hiện nay coi như lỗ vốn.
Theo ông Thái với 2 sào trồng hành lá, riêng tiền giống đã là 32 triệu đồng, tiền nhân công, tiền thuốc bảo vệ tổng đầu tư hơn 40 triệu đồng. "Một tháng rưỡi chăm bón, tưới tiêu, tiền giống, phân bón, thuốc men, vậy mà giờ bán chẳng đủ tiền giống, tiền thuê nhân công cắt hành", ông Thái nói.
Hội Nông dân phường Thống Nhất đã triển khai hoạt động "Giải cứu rau sạch cho bà con nông dân" nhằm giúp bà con nông dân trồng rau ở phường giảm bớt khó khăn, ổn định sản xuất.
Ngồi giữa ruộng, cẩn thận nhổ từng bụi ngò (một loại rau thơm) xanh mướt rồi bó lại thành từng bó, bà Lê Thị Phượng chia sẻ: "Thời gian gần đây, nhiều nông dân trồng ngò lao đao vì giá bán giảm mạnh. Hiện tại, ở nhiều nơi, ngò chỉ còn 1.000 đồng/bó. Tình hình chung là vậy, giờ chỉ biết cố gắng vớt vát được đồng nào hay đồng đó, hy vọng vụ sau giá cả sẽ khởi sắc hơn".
Theo bà Phượng, nguyên nhân rau rớt giá xuất phát từ nhiều yếu tố. Trước Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng cao do người dân mua sắm tích trữ, trong khi các bếp ăn, nhà hàng cũng hoạt động nhộn nhịp. Tuy nhiên, sau Tết, nhu cầu giảm mạnh vì nhiều gia đình vẫn còn thực phẩm dự trữ, khiến rau bán chậm, giá giảm sâu.

Bà Phương buồn bã khi giá ngò thấp chỉ 1000 đồng/bó, vẫn ế bán được rất ít.
San sẻ yêu thương
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phú, cho biết: "Giá rau giảm sau Tết xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, đầu ra tại xã An Phú vẫn chưa ổn định. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng rau, khiến diện tích canh tác tăng đáng kể, nguồn cung trở nên dồi dào. Ngoài ra, thời tiết bất thường, không khí lạnh kéo dài làm rau phát triển chậm, không kịp thời điểm xuất bán như mong muốn của bà con".
Trước tình cảnh giá rau xanh giảm mạnh, khiến nhiều nông dân thua lỗ, một số nhóm thiện nguyện đã chung tay mua rau để ủng hộ bà con, góp phần giúp họ giảm bớt phần nào thiệt hại.

Người dân chung tay "giải cứu" rau giúp các nhà vườn.
Sáng cùng ngày, tại phường Thống Nhất (Tp.Pleiku), không khí rộn ràng khi các chị em trong Hội Nông dân phường triển khai chương trình "Giải cứu rau sạch cho bà con nông dân".
Hoạt động này nhằm hỗ trợ người trồng rau giảm bớt khó khăn, giúp họ ổn định sản xuất. Trước tiên, hội tập trung hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Các tình nguyện viên sẽ trực tiếp đến vườn thu hoạch rau, sau đó vận chuyển đến các điểm kêu gọi người dân chung tay "giải cứu".
Chị Phạm Thị Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thống Nhất, cho biết: "Nhằm kịp thời hỗ trợ bà con, Hội Nông dân phường đã đứng ra kết nối, hỗ trợ tiêu thụ rau cho các hộ trồng có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời tiếp nhận rau do một số hộ tài trợ để gây quỹ".

Nhiều người dân tìm đến các địa điểm "giải cứu" rau để chung tay giúp đỡ các chủ vườn, vớt vát chút vốn liếng.
Chương trình "Giải cứu rau sạch cho bà con nông dân"nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ người dân.
Ông Lê Văn Minh chia sẻ: "Cả vụ mùa vất vả, vậy mà đến lúc thu hoạch, rau chất đầy ruộng không ai mua, nhìn mà xót xa. Nhờ có bà con và các nhóm thiện nguyện giúp đỡ, ít ra cũng bán được phần nào".
Dù việc giải cứu không thể bù lỗ hoàn toàn nhưng người nông dân cũng cảm thấy ấm lòng, khi thấy nhiều người chung tay hỗ trợ.